Trả giá đắt cho cuộc phản công, Ukraine quyết tung đòn nhử để gài bẫy Nga
VOV.VN - Sau khi phải trả giá đắt ở giai đoạn đầu cuộc phản công, với việc tổn thất nặng nề về binh sỹ và xe thiết giáp, Ukraine đã điều chỉnh chiến thuật, tìm cách tung đòn nhử để gài bẫy Nga.
Ukraine trả giá đắt cho cuộc phản công
Đối với nhiều nhà quan sát, cuộc phản công của Ukraine được đánh dấu bằng đợt tiến công ồ ạt vào ngày 8/6 khi các nhóm chiến đấu thuộc Lữ đoàn cơ giới số 33 và Lữ đoàn cơ giới số 47 của quân đội Ukraine tấn công các cứ điểm của Nga ở khu vực Mala Tokmachka thuộc vùng Zaporizhzhia, phía Nam nước này. Nhưng các lực lượng của họ đã nhanh chóng bị mắc kẹt trong bãi mìn dày đặc.
Quân đội Ukraine cuối cùng đã rút khỏi bãi mìn, mất hơn 20 phương tiện chiến đấu tốt nhất, trong đó có xe tăng Leopard 2A6 do Đức sản xuất và xe chiến đấu bộ binh M-2 do Mỹ cung cấp. Chịu tổn thất quá lớn, lực lượng Ukraine đã thay đổi chiến thuật. Thay vì triển khai đội hình xe bọc thép lớn tấn công trực diện vào công sự của Nga với hy vọng đạt được bước đột phá lớn, các lực lượng Ukraine đã giảm đà tiến, chỉ tấn công ở những nơi họ có lợi thế.
Nhưng trận đánh tại Mala Tokmachka không phải là trận đánh duy nhất mà các chỉ huy Ukraine rút ra bài học kinh nghiệm xương máu. Một cuộc tấn công nhỏ hơn của các đơn vị lục quân và phòng thủ lãnh thổ nhằm vào vị trí của Nga ở Novodarivka, thuộc vùng Zaporizhzhia, cách Mala Tokmachka khoảng 64km về phía Đông cũng có kết cục tương tự, buộc các đơn vị phải chuyển sang đánh hai bên sườn, chấp nhận tiến chậm hơn so với dự kiến.
Trên khắp các mặt trận, Ukraine dường như cũng rút ra bài học tương tự: việc tấn công trực tiếp vào hệ thống phòng thủ của Nga khiến họ tổn thất quá nặng nề, vì thế để thành công, họ buộc phải triển khai bộ binh và tiến một cách từ từ. Đây cũng là kết luận của các nhà phân tích Jack Watling và Nick Reynolds thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI). Sau khi các cuộc tấn công ban đầu thất bại, Kiev dường như chuyển trọng tâm sang giành lãnh thổ trong khi bảo toàn trang thiết bị và nhân lực.
Đến đầu tháng 6, Ukraine quyết định tấn công các đơn vị của Nga đồn trú tại Novodarivka sau nhiều tuần tiến hành các cuộc tập kích dữ dội bằng pháo binh và máy bay không người lái vào các cứ điểm Nga trên khắp miền Nam. Bốn lữ đoàn của Ukraine, trong đó có Lữ đoàn cơ giới số 23 và 32 tham gia cuộc tấn công này.
Mục tiêu đầu tiên của quân đội Ukraine là Novodarivka. Mục tiêu thứ hai là Rivnopil, cách biên giới tỉnh Donetsk hơn 3km về phía Đông.
Các kỹ sư Ukraine đã sử dụng phương tiện rà phá bom mìn UR-77, rà phá tuyến đường dài gần 100m xuyên qua bãi mìn phía Bắc Novodarivka. Xe tăng T-64BV của lữ đoàn cơ giới dẫn đầu các đoàn xe bọc thép chống mìn MaxxPro MRAP tiến về phía khu định cư.
“Nhưng các đoàn xe bọc thép chống mìn MaxxPro MRAP đã gặp khó khăn trên mặt đất lầy lội. Một số phương tiện bị sa lầy trong khi làn đường được dọn mìn không đủ rộng để các phương tiện khác vượt qua. Vào thời điểm đó, 2 xe tăng Nga bắt đầu xuất hiện và giao chiến với đoàn xe của Ukraine”, các nhà phân tích Watling và Reynolds lưu ý.
Chiến thuật đòn nhử và tấn công bên sườn
Lúc này, các binh sỹ Ukraine nhận thức rõ ràng rằng tấn công trực diện không khác gì hành động tự sát. Vấn đề tiếp theo là những binh sỹ và phương tiện sống sót sau vụ tấn công, bị cô lập ở rìa phía Bắc của Novodarivka khiến các chỉ huy phải đối mặt với 2 lựa chọn khó khăn: hoặc bỏ lại những người sống sót, hoặc mạo hiểm thực hiện cuộc tấn công thứ ba.
Cuối cùng họ đã lựa chọn tiếp tục tấn công. Một trung đội của Ukraine đã tiến dọc theo lỗ hổng trong phòng tuyến của Nga, sử dụng các phương tiện cố định làm nơi ẩn náu trong khi dội hỏa lực trấn áp vị trí của đối phương. Một trung đội khác ở phía Tây đã gây bất ngờ cho Nga khi tấn công vào hai bên sườn. Sau các cuộc giao tranh ác liệt, Nga đã rút lui về phía Đông. Ukraine cuối cùng đã giành quyền kiểm soát Novodarivka nhưng cái giá họ phải trả không hề nhỏ: hàng chục phương tiện bị phá hủy và số lượng binh sỹ thương vong rất lớn.
Sau đó, các lữ đoàn Ukraine tiếp tục nhận mệnh lệnh tiến về phía Rivnopil. Nhưng các chỉ huy của họ biết rằng họ không đủ khả năng kéo dài đợt tấn công và cũng không thể tiếp tục mất thêm nhiều phương tiện nữa. Vì thế, các lực lượng Ukraine quyết định chỉ ra đòn nhử, vờ tấn công trực diện. Điều này đã thu hút sự chú ý khiến Nga tái cơ cấu lực lượng để chuyển hướng đối phó với cuộc tấn công này.
Khi Nga điều quân về phía Rivnopil, lực lượng tấn công chủ chốt đồn trú tại phía Tây Nam đã nhanh chóng tiến đánh các vị trí mà Nga vừa rút bớt quân phòng thủ.
Theo các nhà phân tích, cuộc giao tranh xung quanh Rivnopil có thể tiếp tục kéo dài thêm hai tuần nữa do Nga đã bố trí tên lửa chống tăng một cách có chủ ý để cản trở bước tiến của Ukraine. Nhưng Kiev đã vạch ra chiến thuật để vượt qua hàng phòng thủ cứng rắn nhất của Nga, đó là: nhử bằng hỏa lực hỗ trợ, sau đó tấn công vào mạn sườn. Chiến thuật này cũng được các Ukraine áp dụng dọc theo mặt trận phía Nam và đã đạt được hiệu quả nhất định. Các lữ đoàn cơ giới số 33 và 47 đã tiến được 11km tới Robotyne, một cứ điểm quan trọng trên con đường tới Melitopol do Nga kiểm soát.
Giới quan sát cho rằng, đây sẽ là cách các lực lượng vũ trang Ukraine tiếp tục tiến lên khi cuộc phản công bước sang tháng thứ 4. Cuộc tấn công ở bên sườn sẽ không giúp Kiev tiến nhanh, ngay cả khi thành công, chúng cũng khó mang lại những đột phá ấn tượng. Nhưng chiến thuật đó có thể giúp Kiev hạn chế tổn thất về binh sỹ và thiết bị.