Tranh cãi về kế hoạch tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường của Mỹ
VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này dự kiến sẽ khuyến nghị hầu hết người dân tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 tăng cường sau khi tiêm xong mũi thứ 2.
Lý do Mỹ xem xét tiêm liều thứ 3
Một số chuyên gia lưu ý, việc tiêm mũi thứ 3 là điều cần thiết bởi những dữ liệu nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ bảo vệ của vaccine mRNA do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất hiện đang được sử dụng rộng rãi, có thể suy giảm nhanh chóng. Những người khác lo ngại, chỉ dựa vào kết quả của các nghiên cứu để tiến hành một đợt tiêm chủng quy mô lớn khác là chưa đủ, trong khi đó có rất nhiều người trên trên thế giới chưa được tiêm mũi đầu tiên.
Phát biểu với USA Today, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, độ bảo vệ của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian và liều tăng cường có thể cần thiết. “Tất cả chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó, dù sớm hay muộn, dù là người già hay người trẻ. Đó là cách hoạt động của hệ thống miễn dịch”.
Tuần trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cho phép tiêm liều thứ 3 của vaccine Pfizer cho những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng vì họ thường không có khả năng tạo ra kháng thể chống Covid-19. Hiện có khoảng 3% người Mỹ bị suy yếu hệ miễn dịch vì nhiều lý do và mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Pfizer và đối tác BioNTech hồi đầu tuần này cho biết đã cung cấp các dữ liệu liên quan đến phản ứng miễn dịch và sự an toàn của việc tiêm liều vaccine tăng cường cho FDA, nhằm mục đích hỗ trợ cho việc đánh giá hiệu quả của mũi vaccine tăng cường.
Việc thúc đẩy tiêm mũi vaccine tăng cường diễn ra trong bối cảnh các báo cáo từ Israel và nhiều nghiên cứu khác cho thấy mức độ kháng thể chống lại dịch bệnh Covid-19 có thể giảm mạnh sau một thời gian.
Báo cáo trên trang web của Bộ Y tế Israel cho biết, hiệu quả bảo vệ của vaccine Pfizer-BioNTech giảm xuống 40% đến 50% sau 6 tháng. Báo cáo từ Qatar cũng cho kết quả tương tự.
Tiến sĩ Eric Topol, Giám đốc Viện Khoa học Scripps ở La Jolla (Mỹ) cho biết: “Hiệu quả ban đầu của vaccine là 95% nhưng sau đó nó có thể giảm xuống còn 40% đến 50%”. Điều đó có nghĩa là nhiều nhân viên y tế và những người già sống trong các viện dưỡng lão ở Mỹ - những người được tiêm chủng đầu tiên, có thể gần như không được bảo vệ. Tuy vậy, ông Eric Topol khẳng định, các loại vaccine đang được sử dụng tại Mỹ vẫn có hiệu quả bảo vệ người dân tránh khỏi tử vong và tránh triệu chứng nặng.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn, liệu mức độ kháng thể suy giảm có khiến những người đã tiêm vaccine fizer-BioNTech hoặc Moderna có nguy cơ bị “lây nhiễm đột phá” theo thời gian hay không. Tiến sỹ Gregory Poland – giám đốc Nhóm nghiên cứu vaccine của Trung tâm y tế Mayo Clinic (Mỹ) cho rằng, còn quá sớm để đưa ra khuyến nghị tiêm liều thứ 3 cho những người đã được tiêm chủng đầu tiên. Trước khi một chương trình như vậy được thực hiện, FDA sẽ cần phải cấp phép đầy đủ cho việc tiêm 2 liều vaccine và CDC cũng phải cân nhắc.
Cần ưu tiên cho những người chưa tiêm phòng
Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao vaccine mRNA trở nên kém hiệu quả theo thời gian nhưng chuyên gia Topol tin rằng điều này có thể do việc rút ngắn thời gian tiêm chủng giữa các liều mà Mỹ lựa chọn. Đối với vaccine Pfizer, các mũi tiêm cách nhau 3 tuần, còn với Moderna, các mũi cách nhau 4 tuần. Việc rút ngắn khoảng cách giữa các liều có thể không cho phép các tế bào T và tế bào B của hệ miễn dịch trong cơ thể phát triển một cách tối ưu.
Tiến sĩ Monica Gandhi, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco cho biết, việc tiêm 2 liều vaccine có thể không phát huy hiệu quả đối với những người bị suy giảm miễn dịch, nhưng với những người có hệ thống miễn dịch bình thường thì điều này sẽ giúp họ tránh được các triệu chứng nghiêm trọng hoặc nguy cơ tử vong.
“Tế bào T có thể bảo vệ chúng ta khỏi những bệnh nghiêm trọng và tế bào T được tạo ra do vaccine đang hoạt động hiệu quả một cách đáng kinh ngạc. Có thể thấy rằng, 99% những trường hợp phải nhập viện ở Mỹ là những người trưởng thành không được tiêm phòng”, bà Monica Gandhi nhận xét.
Theo chuyên gia này, liều tăng cường của các loại vaccine đầu tiên có thể không hữu ích khi chống lại biến thể Delta và các biến chủng khác vì chúng được chế tạo để chống lại chủng virus ban đầu là SARS-CoV-2.
Bà Monica Gandhi lưu ý, một phương pháp thay thế đơn giản và rẻ hơn nhiều so với tiêm liều vaccine tăng cường là đeo khẩu trang. “Phần lớn các triệu chứng mắc bệnh ở những người đã tiêm phòng đều là triệu chứng nhẹ và điều đó có thể được ngăn chặn bằng cách đeo khẩu trang có màng lọc”.
Chuyên gia này gợi ý, chính quyền Tổng thống Biden nên tập trung tiêm cho những người còn lại có đủ điều kiện tiêm chủng nhưng chưa nhận được liều vaccine nào. “Họ đang mang gánh nặng của hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 nghiêm trọng tại quốc gia này”.
Lợi ích của việc san sẻ vaccine
Lawrence Gostin, giáo sư thuộc Đại học Georgetown, Mỹ cho rằng, nếu vaccine không khan hiếm, kế hoạch tiêm liều bổ sung của Mỹ là điều hoàn toàn hợp lý dù điều đó đòi hỏi Mỹ phải truyền tải thông điệp rõ ràng rằng vaccine luôn có hiệu quả tốt và những người chưa tiêm phòng trước sau cũng sẽ được tiêm.
“Nhưng chúng ta không chỉ nói riêng nước Mỹ. Chúng ta đang nói đến một đại dịch trên toàn cầu. Hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thậm chí còn chưa tiêm vaccine cho nhân viên y tế của họ, thế nhưng ở đây, chúng ta lại có kế hoạch tiêm liều thứ 3 cho toàn bộ dân số”. Đó giống như một “cái vỗ vào mặt”, “giống như gửi tín hiệu cho thấy sự thiếu quan tâm đến phần còn lại của thế giới”, ông Gostin nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, Mỹ chỉ nên tiêm mũi tăng cường cho những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị suy giảm miễn dịch và các nhân viên y tế.
“Nếu chúng ta làm được điều đó, song song với việc cam kết thúc đẩy một chiến dịch tiêm chủng lớn trên toàn cầu thì chúng ta không chỉ bảo vệ được người dân có mình mà còn chứng minh được chúng ta luôn quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người”.
“Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 rất có thể sẽ sinh sôi nảy nở bên ngoài nước Mỹ vì vậy, việc chủng ngừa trên toàn thế giới cũng giúp chúng ta đảm bảo lợi ích quốc gia”, chuyên gia Gostin nhấn mạnh./.