Tranh chấp và hoài nghi định hình trục quan hệ Mỹ-Trung năm 2020

VOV.VN - Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất vào năm 2020, sau 3 năm liên tiếp leo thang căng thẳng dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Washington cáo buộc Bắc Kinh làm lây lan dịch bệnh Covid-19. Hai bên bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại, cạnh tranh về mạng 5G, bất đồng quan điểm về tình hình Tân Cương, Hong Kong và nhiều vấn đề khác.

Trump đang tạo ra đòn bẩy cho Biden?

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ phải đối phó với thách thức này ngay từ ngày đầu tiên lên nhậm chức. Khi nhìn lại những khoảnh khắc quan trọng trong suốt một năm qua, các chuyên gia trong Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ đã đưa ra những đánh giá tổng thể về quan hệ Mỹ-Trung và phân tích tác động của chúng đối với chính sách của chính quyền kế nhiệm.

Tổng thống Trump đang chạy đua để bảo vệ các di sản mà ông đã tạo ra trong suốt thời gian nắm quyền mà chính sách về Trung Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu. Sau cuộc bầu cử tổng thống, các quan chức trong chính quyền ông Trump đã thực hiện nhiều động thái cứng rắn liên quan đến Đài Loan, Biển Đông… nhằm thúc đẩy một số lượng lớn các sáng kiến mà họ đã xây dựng suốt 4 năm qua. Nhìn bên ngoài, có vẻ như những nỗ lực vào phút cuối này sẽ gây khó khăn cho việc điều hành của chính quyền ông Biden, nhưng thực tế thì ngược lại. Theo các nhà phân tích, chính quyền ông Trump càng áp dụng nhiều chính sách cứng rắn với Trung Quốc thì lại càng tạo ra nhiều đòn bẩy và lựa chọn cho đội ngũ của ông Biden. 

Chính quyền ông Biden sẽ là bên quyết định giữ lại bao nhiêu phần trăm di sản mà đội ngũ của ông Trump xây dựng. Một số quyết định, chẳng hạn như việc liệu có duy trì mức thuế đã áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD hay không, sẽ là thách thức lớn. Thuế quan đã gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ nhưng chúng cũng tạo ra những đòn bẩy nhất định. Hơn nữa, việc dỡ bỏ các lệnh áp thuế quá nhanh sẽ khiến chính quyền mới bị cho là quá “yếu mềm” trước Trung Quốc. Các động thái khác, trong đó có việc khôi phục Đối Thoại Tứ giác An ninh với các thành viên khác trong nhóm Bộ Tứ là Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, trừng phạt những quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Hong Kong, Tân Cương có thể được duy trì. Bên cạnh đó, việc truy tố những nhân vật mà Washington cáo buộc liên quan đến hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ, có thể được giữ lại song ở mức độ nhẹ hơn.

Chính quyền ông Biden có thể nhanh chóng giành được một số thành tựu bằng cách lấp đầy những lỗ hổng mà đội ngũ của ông Trump đã tạo ra khi ông Trump đi ngược lại với nhiều chính sách truyền thống của Mỹ. Liên kết với các tổ chức quốc tế, tham gia các thỏa thuận, hợp tác với đồng minh châu Âu, củng cố vị thế của Mỹ và tái thiết quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung, nhiều khả năng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của ông Biden.

Tuy nhiên, việc nhận ra những lợi ích và sửa chữa các sai lầm trong chính sách của người tiền nhiệm chỉ phát huy hiệu quả trong 100 ngày đầu tiên. Phép thử thật sự đối với chính quyền ông Biden là họ sẽ phải làm gì với Trung Quốc trong 1.360 ngày tiếp theo.

Dịch bệnh Covid-19 khiến quan hệ Mỹ-Trung rơi xuống "hố sâu"

Tại Mỹ, dịch bệnh Covid-19 đan xen với những biến động lớn về chính trị khiến nước này và Trung Quốc ngày càng rời xa nhau. Tổng thống Trump đã tìm cách chuyển hướng dư luận ra khỏi mức kỷ lục về số ca mắc Covid-19 và các cuộc biểu tình rầm rộ sau cái chết của công dân da màu George Floyd, khi ông cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự bùng phát dịch bệnh, đồng thời cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là con rối của Trung Quốc. Với quan điểm coi Trung Quốc là “thủ phạm” khiến dịch Covid-19 lây lan và gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu, một số chính trị gia của Mỹ đã yêu cầu nước này tách rời Trung Quốc. Những thuyết âm mưu về nguồn gốc dịch bệnh cùng các cuộc buộc lẫn nhau khiến sự hoài nghi giữa hai quốc gia ngày càng lớn. Chưa hết, đại dịch cũng khiến số lượng người Mỹ có cái nhìn thiếu thiện cảm với Trung Quốc ngày càng gia tăng.  Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 10 vừa qua cho thấy, 73% người Mỹ có quan điểm tiêu cực với Trung Quốc – mức cao nhất kể từ năm 2005.

Còn tại Trung Quốc, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19 một cách nhanh chóng cùng sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Mỹ, đã củng cố chủ nghĩa dân tộc và quan điểm cứng rắn với Washington. Việc Tổng thống sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” khi nói về virus SARS-CoV-2, đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội, dẫn đến việc trục xuất nhiều nhà báo Mỹ khỏi Trung Quốc. Nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc mô tả Mỹ “như một cường quốc đang suy yếu” và là “thế lực đối đầu” với Bắc Kinh. Đã có quan điểm cho rằng Trung Quốc nên hành động để giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự tương tác qua lại với Mỹ. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân Trung Quốc có cái nhìn thiếu thiện cảm về Mỹ cũng gia tăng đáng kể so với năm 2019.

Cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ gia tăng

Năm 2020 chứng kiến sự leo thang đáng kể trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ. Vào tháng 5/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã thắt chặt “gọng kìm” đối với tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc, cắt đứt các nguồn cung cấp chất bán dẫn cho Huawei và hạn chế tập đoàn này tiếp cận công nghệ của Mỹ. Chưa hết, chính quyền ông Trump cũng vận động các đồng minh châu Âu không sử dụng mạng 5G của Huawei. Những biện pháp này đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh doanh mạng lưới 5G của tập đoàn Huawei.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump cũng ra lệnh cấm các ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc với lý do đảm bảo an ninh quốc gia. Đây là lần đầu tiên Mỹ cấm các ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng với giới trẻ. Mặc dù những hạn chế đó đã bị nhiều tòa án ngăn chặn, nhưng chính quyền ông Trump vẫn tiếp tục công bố ý định siết chặt quy định với các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và mạng viễn thông của Trung Quốc, hạn chế các nhà phát triển của Trung Quốc tiếp cận với các ứng dụng di động của Mỹ.   

Về phần mình, Bắc Kinh đang cố gắng tránh xa chiến dịch gây sức ép của Washington. Trong những tháng gần đây, họ đã công bố một chiến lược mới để duy trì tăng trưởng kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào thị trường và công nghệ nước ngoài. Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển ngành công nghiệp chip điện tử nội địa, chi hàng tỷ USD để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển và khuyến khích các công ty nhỏ tham gia vào lĩnh vực này, khám phá những công nghệ nằm ngoài tầm với của luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Theo các nhà phân tích, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sẽ còn tiếp tục trong năm 2021. Chính sách công nghệ của chính quyền ông Biden nhiều khả năng sẽ mang tính đa phương và gắn kết chặt chẽ hơn với những sáng kiến phát triển kinh tế, nhưng vẫn hướng vào việc cạnh tranh với Trung Quốc. Còn Bắc Kinh sẽ không từ bỏ nỗ lực thúc đẩy năng lực công nghệ trong nước và giảm đòn bẩy của Mỹ. Cạnh tranh về công nghệ hiện là một trong những yếu tố quyết định trong quan hệ song phương.

Ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc

Trung Quốc đang chứng kiến sự hình thành một thế hệ các nhà ngoại giao mới, trẻ tuổi, tham vọng và hiếu thắng, nổi lên nhờ những phát ngôn gay gắt và cứng rắn nhằm bảo vệ hình ảnh và lợi ích của quốc gia này. Các quan chức ngoại giao của Trung Quốc ngày càng sử dụng mạng xã hội nhiều hơn và được yêu cầu có ‘tinh thần chiến đấu’ mạnh mẽ hơn để đối phó các cuộc khủng hoảng. Mô hình đó gọi là “ngoại giao chiến lang” (theo tựa phim Wolf Warrior (tạm dịch Chiến binh chó sói) của Trung Quốc).

Lý giải nguyên nhân vì sao Bắc Kinh lại áp dụng rộng rãi mô hình “ngoại giao chiến lang” trong năm 2020, một số nhà phân tích cho rằng điều này có thể bắt nguồn từ những lời hùng biện của Tổng thống Trump mà qua đó ông đã quảng bá chính sách “nước Mỹ trên hết” và chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều lý do khác. Trước hết, giới lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy cái mà họ cho là “sức mạnh của ngôn từ”, để khiến phần còn lại của thế giới phải lắng nghe quan điểm của họ. Thứ hai, các nhà ngoại giao Trung Quốc dường như tin rằng, giọng điệu cứng rắn sẽ làm nổi bật được sức mạnh của quốc gia và bày tỏ quan điểm rõ ràng hơn về yêu cầu phải được đối xử một cách tôn trọng. Thứ ba, chiến dịch gây sức ép của Mỹ buộc họ phải đáp trả một cách cứng rắn hơn.

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao này dường như không gặt hái được thành công. Những quốc gia đối đầu với Bắc Kinh không cảm thấy lo sợ và lập trường của Australia, Ấn Độ và Mỹ với Mỹ ngày càng cứng rắn hơn. Trung Quốc từng tuyên bố rằng “ngôn từ mạnh mẽ” mà họ đưa ra là phản ứng phòng thủ trước những lời chỉ trích của Mỹ và nhiều quốc gia khác . Theo các nhà phân tích, nếu chính sách ngoại giao chiến lang được áp dụng nhằm mục đích phòng chủ, thì biện pháp này sẽ phản tác dụng. Nói như cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Trung Quốc nên từ bỏ ngoại giao chiến lang nếu muốn có bạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ trừng phạt các công ty tại Trung Quốc và UAE vì hỗ trợ bán dầu của Iran
Mỹ trừng phạt các công ty tại Trung Quốc và UAE vì hỗ trợ bán dầu của Iran

VOV.VN - Mỹ hôm qua (16/12) áp đặt trừng phạt các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, cáo buộc họ hỗ trợ bán dầu của Iran.

Mỹ trừng phạt các công ty tại Trung Quốc và UAE vì hỗ trợ bán dầu của Iran

Mỹ trừng phạt các công ty tại Trung Quốc và UAE vì hỗ trợ bán dầu của Iran

VOV.VN - Mỹ hôm qua (16/12) áp đặt trừng phạt các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, cáo buộc họ hỗ trợ bán dầu của Iran.

Trung Quốc lên tiếng về diễn biến mới nhất liên quan kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ
Trung Quốc lên tiếng về diễn biến mới nhất liên quan kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

VOV.VN - Chiều 15/12, Trung Quốc đã có những phản ứng chính thức trước thông tin đại cử tri Mỹ đã bầu ông Joe Biden làm Tổng thống nước này, cũng như khả năng lãnh đạo Trung – Mỹ tiến hành điện đàm.

Trung Quốc lên tiếng về diễn biến mới nhất liên quan kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

Trung Quốc lên tiếng về diễn biến mới nhất liên quan kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

VOV.VN - Chiều 15/12, Trung Quốc đã có những phản ứng chính thức trước thông tin đại cử tri Mỹ đã bầu ông Joe Biden làm Tổng thống nước này, cũng như khả năng lãnh đạo Trung – Mỹ tiến hành điện đàm.

Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi tái thiết lập khung chiến lược quan hệ Trung-Mỹ
Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi tái thiết lập khung chiến lược quan hệ Trung-Mỹ

VOV.VN - Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, hai bên cần tái khởi động đối thoại, hợp tác và xây dựng lại sự tin cậy lẫn nhau.

Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi tái thiết lập khung chiến lược quan hệ Trung-Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi tái thiết lập khung chiến lược quan hệ Trung-Mỹ

VOV.VN - Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, hai bên cần tái khởi động đối thoại, hợp tác và xây dựng lại sự tin cậy lẫn nhau.