Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo thành công từ tàu ngầm?
VOV.VN - "Vũ khí chiến lược đẳng cấp thế giới" là tên gọi loại tên lửa đạn đạo mới mà Triều Tiên vừa thông báo bắn thử thành công từ tàu ngầm ngày 9/5.
Báo giới Triều Tiên cho rằng, đây là "loại tên lửa tìm kiếm thông minh, có thể theo dõi và bắn kẻ thù sau mỗi đợt phóng an toàn".
Từ lời cảnh báo…
Theo thông báo trước đó của Bộ Quốc phòng Triều Tiên, nước này sẽ bắn 5 tên lửa vào ngày 3/5 trong phạm vi 200 km. KCNA cho đây là loại vũ khí giúp tàu ngầm của Triều Tiên chống được bất cứ mối đe dọa nào xâm phạm lãnh thổ của họ.
CNN cho rằng, cuộc thử này được xem là hành động đáp trả của Triều Tiên đối với các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Trước đó Triều Tiên đề nghị sẽ ngưng phát triển chương trình hạt nhân khi nào Mỹ - Hàn Quốc hủy bỏ các đợt tập trận như vậy, tuy nhiên phía Mỹ từ chối và cho rằng đó là "sự lựa chọn sai lầm".
Cuộc thử nghiệm lần này được công bố chỉ sau 4 ngày sau khi Triều Tiên đe dọa sẽ "tấn công mục tiêu không báo trước" đối với các tàu hải quân của Hàn Quốc trên khu vực biển phía Tây bán đảo Triều Tiên.
Điều khiến dư luận chú ý là, trong thông báo bắn thử thành công loại tên lửa hiện đại ngày 9/5, KCNA khẳng định đây chính là một "sáng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un".
Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc nói, Bình Nhưỡng có thể phát triển loại tàu ngầm lớp SINPO tác chiến đầy đủ, sử dụng tên lửa đạn đạo chỉ trong vòng hai hoặc ba năm.
Quan chức giấu tên, do tính nhạy cảm của vấn đề nói: "Chúng được điều động ra thực địa chỉ trong vòng 4 hoặc 5 năm", đồng thời cho biết các hình ảnh từ Triều Tiên chụp một tên lửa phóng từ biển lên là hình ảnh thực.
Mặc dù Bình Nhưỡng cho biết, họ đang phát triển loại vũ khí hạt nhân chiến lược, nhưng cho đến nay vẫn không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ tàu ngầm nào cũng có thể bắn tên lửa hạt nhân.
Tuy nhiên, các thử nghiệm bắn tên lửa gần đây đã chỉ ra rằng, Triều Tiên đang bước nhanh hơn so với dự đoán của các chuyên gia trong việc tìm kiếm vũ khí hiện đại có khả năng tấn công chính xác ở tầm xa.
Đến chưa rõ thực hư…
Theo giới quan sát, loại tên lửa phóng từ tàu ngầm này là một loại tên lửa do Nga chế tạo, tự hành diệt hạm Kh-35E. "Không chắc lực lượng Hải quân Triều Tiên đã mua trực tiếp từ Nga hay từ một bên thứ ba".
Tuy nhiên, vẫn còn luồng ý kiến khác đặt nghi vấn cho đây chỉ là "tiềm năng phát triển" trong tương lai, vì nước này vốn "có lịch sử lâu đời về những hệ thống vũ khí tích hợp chậm chạp và hiệu quả thấp".
Với các tàu ngầm loại nhỏ, lạc hậu và cũ kỹ có từ thời LB Xô Viết và một số tàu ngầm thải loại của Trung Quốc được "tân trang", cùng với việc chưa có bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên đã làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa, khiến nhiều người vẫn có cớ để phân vân về “thành công” của cuộc thử lần này.
Vì thế, việc thử nghiệm “thành công” tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm vừa qua có thực hay không vẫn còn là câu hỏi lớn đối với giới tình báo kỹ thuật quân sự - quốc phòng.
Thực chất của cuộc thử nghiệm vẫn chưa được kiểm chứng. Vì thế, một số chuyên gia còn cho rằng, có thể đây chỉ là thử nghiệm tên lửa rời ống phóng, còn nó bay xa bao nhiêu thì vẫn chưa rõ, và như vậy thì chưa thể coi là cuộc thử thành công thực sự.
Hàn Quốc cũng có đánh giá ngay sau cuộc thử nghiệm và cho biết, Bình Nhưỡng vẫn còn ở "giai đoạn đầu" của quá trình phát triển. "Các quốc gia tiên tiến cũng phải mất từ 4 đến 5 năm để phát triển SLBM để có thể tác chiến".
Và gia tăng bất ổn khu vực
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Kim Min-seok nhận định một loại SLBM với đầy đủ tính năng sẽ cho phép Bình Nhưỡng triển khai những đợt điều động vượt xa khỏi bán đảo Triều Tiên và trả đũa trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân.
Sự nguy hiểm của loại tên lửa này là ở chỗ nó rất khó bị theo dõi bởi được triển khai trong một tàu ngầm vũ trang. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vẫn nhận định động thái trên là "rất nghiêm trọng và đáng lo ngại", có thể gây mất ổn định trong khu vực.
Giới phân tích tại Viện Mỹ - Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins cũng cho biết hình ảnh chụp từ vệ tinh chỉ ra rằng "tháp chỉ huy trên loại tàu ngầm mới của Triều Tiên xuất hiện lần đầu vào tháng 7/2014 có thể chứa một đến hai ống phóng thẳng đứng phù hợp với tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình".
Những hình ảnh này còn cho thấy "Triều Tiên đã nâng cấp các cơ sở tại Xưởng đóng tàu Nam Sinpo để chuẩn bị cho một chương trình xây dựng lớn của hải quân, có thể liên quan đến phát triển tàu ngầm".
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc ông Han Min-koo vừa cảnh báo Seoul sẽ đáp trả tàn nhẫn mọi sự khiêu khích từ phía Bình Nhưỡng khi phát biểu trong cuộc gặp khẩn cấp giữa chính phủ và đảng cầm quyền Saenuri ở thủ đô Seoul. "Trừng phạt sự khiêu khích là một mệnh lệnh từ người dân".
Phản ứng của Mỹ - đồng minh quân sự của Hàn Quốc (9/5) cũng kêu gọi Triều Tiên ngừng phóng tên lửa đạn đạo, cho đây là hành động khiêu khích và vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Còn Hàn Quốc cho rằng các thử nghiệm của Triều Tiên là “rất nghiêm trọng”. Nó có thể gây nguy hiểm cho an toàn đất nước, cũng như là an ninh thế giới mặc dù công nghệ này vẫn còn ở giai đoạn “sơ khai”.
Như vậy, mặc dù về công nghệ quân sự vẫn chưa thể khẳng định được cấp độ nguy hiểm của vụ thử “thành công” tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Triều tiên. Tuy nhiên, về tính chất của động thái vừa diễn ra đang cản trở các nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi và càng gia tăng bất ổn trong khu vực Đông Bắc Á, khiến dư luận quan ngại về hành động của Triều Tiên là có cơ sở./.