Trở ngại khiến Ukraine sắp nhận tiêm kích F-16 nhưng vẫn chưa có phi công

VOV.VN - Những hạn chế trong chương trình đào tạo ở Mỹ có thể khiến Ukraine rơi và cảnh sắp nhận tiêm kích F-16 nhưng vẫn chưa có phi công.

Ukraine đang thúc giục Mỹ và các nước khác tăng tốc chương trình đào tạo phi công lái F-16. Kiev nói rằng chương trình hiện tại chưa đáp ứng đủ phi công để vận hành các tiêm kích phương Tây mà Ukraine sắp được nhận.

Ukraine hiện có 30 phi công đủ điều kiện để có thể bắt đầu chương trình đào tạo ở Mỹ ngay lập tức. Tuy nhiên, phía Mỹ nói rằng, họ không có đủ chỗ để tiếp nhận hơn 12 học viên cùng một lúc ở căn cứ tại Tucson, bang Arizona. Hai cơ sở khác ở Đan Mạch và Romania cũng gặp vấn đề tương tự.

Đây là trở ngại mới nhất trong kế hoạch đưa máy bay chiến đấu F-16 hiện đại đến Ukraine.

Kiev đã đề nghị phương Tây cung cấp F-16 từ những tháng đầu sau khi xung đột với Nga bùng phát vào tháng 2/2022 nhưng bị chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối. Phải đến tháng 5/2023, Washington mới bật đèn xanh cho các quốc gia khác gửi cho Ukraine máy bay F-16 do Mỹ sản xuất.

Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Bỉ có kế hoạch chuyển những chiếc F-16 đầu tiên tới Kiev vào mùa hè này. Ukraine cho rằng việc triển khai tiêm kích phương Tây sẽ giúp họ đẩy lùi lực lượng Nga khỏi tiền tuyến ở những khu vực như Kharkov, nơi quân Nga đã đạt được nhiều bước tiến trong những tuần gần đây.

Máy bay sắp đến nhưng chưa có phi công 

Trong một loạt cuộc gặp và các cuộc điện đàm diễn ra trong vài tuần qua, Ukraine đã chính thức yêu cầu Mỹ đào tạo thêm các phi công tại căn cứ Lực lượng Phòng không Quốc gia Morris ở Tucson, bang Arizona.

Tuy nhiên phía Mỹ đã thông báo với Ukraine rằng ngoài lý do không gian hạn chế, nhiều quốc gia khác cũng đang yêu cầu Mỹ huấn luyện phi công lái F-16 tại căn cứ ở Tucson và Washington không thể phá vỡ cam kết với các quốc gia đó.

“Chúng tôi hiểu rằng họ không muốn phá vỡ những hợp đồng đó, nhưng họ có thể chuyển các phi công Mỹ đến một căn cứ khác để huấn luyện cho chúng tôi”, nghị sĩ Ukraine Sasha Ustinova nói.

Người phát ngôn Không quân Mỹ Laurel Falls cho biết Lực lượng Vệ binh Quốc gia đang lên kế hoạch đào tạo tổng cộng 12 phi công Ukraine vào cuối tháng 9 tại căn cứ ở Tucson.

Ngoài Tucson, cơ sở đào tạo ở Đan Mạch cũng có không gian hạn chế và chuẩn bị đóng cửa vào tháng 11. Cơ sở đặt tại Romania do các công ty quốc phòng điều hành hiện vẫn chưa đi vào hoạt động.

Ông Erin Hannigan, người phát ngôn Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ ở Arizona, xác nhận chương trình đào tạo bị hạn chế do cam kết với các yêu cầu đào tạo, tài trợ của các quốc gia khác cũng như việc hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh của các học viên tiềm năng.

“Ngoài các học viên Ukraine, còn có nhiều quốc gia khác đã đăng ký đào tạo trong suốt cả năm. Số lượng phi công nước ngoài và việc họ đến từ đâu không do trường chúng tôi quyết định, có nhiều yếu tố khác cần cân nhắc khi quyết định về số lượng học viên như nguồn tài trợ, yêu cầu của từng quốc gia, chứng chỉ tiếng Anh của học viên…”, ông Hannigan cho biết.

Không quân Mỹ cũng đào tạo phi công F-16 tại Căn cứ Luke ở Arizona và Căn cứ San Antonio ở Texas, nhưng những chương trình này cũng hạn chế số lượng sinh viên quốc tế và thường được dành cho phi công từ các quốc gia khác đang vận hành F-16.

Theo một cựu quan chức Bộ Quốc phòng tham gia chương trình này, 8 phi công Ukraine khác đang được đào tạo tại Đan Mạch. Tuy nhiên, cơ sở đó sẽ đóng cửa vào năm tới và không tham gia huấn luyện nữa khi Lực lượng Không quân Đan Mạch chuyển sang sử dụng máy bay tàng hình F-35.

Trong khi đó, Lockheed Martin, hãng sản xuất máy bay F-16, và nhà thầu phụ Draken cũng đang chuẩn bị đào tạo phi công tại một cơ sở ở Romania, nhưng chương trình đó rất tốn kém và cũng sẽ chỉ nhận số lượng học viên hạn chế.

Theo cựu quan chức Bộ Quốc phòng, tổng cộng có 20 phi công F-16 Ukraine dự kiến ​​sẽ tốt nghiệp vào cuối năm nay – đáp ứng một nửa trong số 40 phi công cần thiết để vận hành một phi đội 20 máy bay. 8 phi công mới dự kiến ​​được đào tạo ở Romania và thêm 8 phi công khác ở Tucson. Cơ sở ở Đan Mạch sẽ không tiếp nhận thêm bất kỳ phi công nào.

Thiếu tên lửa cho F-16

Trong khi đó, các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng F-16 sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn trên chiến trường Ukraine.

Mặc dù các máy bay này “có thể giúp Ukraine tăng cường khả năng mà hiện tại họ chưa có… nhưng xét trên quan điểm về khả năng quân sự của Ukraine, F-16 sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi”, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết vào năm 2023.

Ví dụ, tại khu vực Kharkov, một quan chức Mỹ cho biết Ukraine sẽ không thể điều khiển các máy bay F-16 đến biên giới với Nga hoặc vào lãnh thổ Nga, vì hệ thống phòng không của Moscow sẽ dễ dàng phát hiện và bắn hạ chúng.

Dù vậy, F-16 vẫn sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho Kiev.

Cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, khi Ukraine nhận được máy bay F-16 và phi công đầu tiên, họ có thể sẽ chỉ thực hiện các nhiệm vụ hạn chế, chẳng hạn như chống lại máy bay không người lái và tên lửa hành trình ở tiền tuyến.

Nhưng khi Kiev có được một phi đội đầy đủ máy bay và phi công, việc đưa những chiếc F-16 áp sát biên giới và phóng tên lửa vào Nga là điều “hoàn toàn khả thi” nhờ radar, hệ thống nhắm mục tiêu và tên lửa của F-16 đều vượt trội hơn so với phi đội từ thời Liên Xô của Ukraine.

Tuy nhiên, với tốc độ hiện nay, Ukraine sẽ không có đủ phi công được đào tạo cho đến cuối năm 2025.

Một vấn đề khác là vũ khí mà máy bay F-16 có thể triển khai. Kiev có kế hoạch sử dụng F-16 để đánh chặn tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng và các mục tiêu dân sự của Ukraine. Những nhiệm vụ đó đòi hỏi phải có tên lửa không đối không chính xác của Mỹ và các nước NATO.

Một quan chức NATO cho biết nhiều quốc gia thành viên trong số không muốn chia sẻ các vũ khí đắt tiền như vậy.

Năm 2023, RTX cho biết, sản lượng tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 của công ty này đã tăng từ khoảng 500-800 mỗi năm lên hơn 1.000 tên lửa mỗi năm để đáp ứng nhu cầu. Ukraine đã sử dụng phiên bản cũ hơn của tên lửa AIM-120 với Hệ thống NASAMS để đánh chặn tên lửa Nga.

Nhưng mối lo ngại từ các nước phương Tây là những yêu cầu mới từ Kiev có thể sẽ gây căng thẳng cho nguồn dự trữ của họ và các cuộc đàm phán giữa các thành viên NATO đang thảo luận về việc ai có thể cung cấp tên lửa cho Ukraine, với số lượng bao nhiêu và khi nào.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cách Nga có thể đáp trả các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine
Cách Nga có thể đáp trả các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Putin cho hay, Moscow có thể triển khai vũ khí nhắm vào các địa điểm nhạy cảm của những nước cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga.

Cách Nga có thể đáp trả các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine

Cách Nga có thể đáp trả các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Putin cho hay, Moscow có thể triển khai vũ khí nhắm vào các địa điểm nhạy cảm của những nước cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga.

Bước ngoặt quyết định của phương Tây với Ukraine và lằn ranh đỏ của Nga
Bước ngoặt quyết định của phương Tây với Ukraine và lằn ranh đỏ của Nga

VOV.VN - Ukraine hiện đã được phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga nhưng những hệ quả của động thái bật đèn xanh mới nhất từ Washington là gì khi tính đến lằn ranh đỏ của Tổng thống Vladimir Putin?

Bước ngoặt quyết định của phương Tây với Ukraine và lằn ranh đỏ của Nga

Bước ngoặt quyết định của phương Tây với Ukraine và lằn ranh đỏ của Nga

VOV.VN - Ukraine hiện đã được phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga nhưng những hệ quả của động thái bật đèn xanh mới nhất từ Washington là gì khi tính đến lằn ranh đỏ của Tổng thống Vladimir Putin?

Ukraine dùng vũ khí Mỹ đánh sâu vào lãnh thổ Nga, phá tan các bệ phóng tên lửa?
Ukraine dùng vũ khí Mỹ đánh sâu vào lãnh thổ Nga, phá tan các bệ phóng tên lửa?

VOV.VN - Quan chức cấp cao Ukraine xác nhận quân đội nước này vừa tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ, tận dụng cơ hội mà chính quyền Tổng thống Mỹ Biden vừa mở ra cho họ. Theo đó, Ukraine vừa sử dụng tên lửa HIMARS để đánh chính xác vào hệ thống phóng tên lửa của Nga.

Ukraine dùng vũ khí Mỹ đánh sâu vào lãnh thổ Nga, phá tan các bệ phóng tên lửa?

Ukraine dùng vũ khí Mỹ đánh sâu vào lãnh thổ Nga, phá tan các bệ phóng tên lửa?

VOV.VN - Quan chức cấp cao Ukraine xác nhận quân đội nước này vừa tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ, tận dụng cơ hội mà chính quyền Tổng thống Mỹ Biden vừa mở ra cho họ. Theo đó, Ukraine vừa sử dụng tên lửa HIMARS để đánh chính xác vào hệ thống phóng tên lửa của Nga.