Trump đổ lỗi cho Obama khiến ông miễn cưỡng cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ
VOV.VN - Tổng thống Trump nói rằng ông đã miễn cưỡng khi cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và việc Ankara mua S-400 của Nga là lỗi của chính quyền tiền nhiệm.
Tổng thống Donald Trump ngày 16/7 nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị cấm mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ sau khi Ankara nhận các tổ hợp phòng không S-400 của Nga. Tuy nhiên, ông Trump không đề cập tới các biện pháp trừng phạt mà các nghị sỹ Quốc hội đang kêu gọi áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả thương vụ S-400.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: ekathimerini |
Tổng thống Trump cho rằng, chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama đã khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ phải mua hệ thống phòng không của Nga. Ông bày tỏ thông cảm với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về “tình hình khó khăn mà họ bị đẩy vào”.
“Vì họ có một hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất, giờ đây họ bị cấm mua 100 chiếc máy bay”, ông Trump nói về Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc họp nội các. “Tôi sẽ nói rằng, Lockheed (nhà sản xuất F-35) chắc cũng không vui. Họ mất nhiều việc làm. Và thẳng thắn mà nói tôi đã luôn có một mối quan hệ rất tốt đẹp [với Erdogan]”, ông Trump nói.
Trì hoãn trừng phạt?
Sau nhiều tháng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu mua S-400 của Nga – hệ thống có thể đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ và NATO, thì chính Tổng thống Trump dường như lại đang tìm cách trì hoãn các biện pháp trừng phạt này.
“Tổng thống là người muốn trì hoãn trừng phạt”, John Hannah, một nhà phân tích tại Washington nói. “Ông ấy không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm Thổ Nhĩ Kỳ mua F-35”.
Ông Hannah cũng cho rằng, điều này đã được chứng minh tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản cuối tháng 6 vừa qua. Khi được hỏi về thương vụ S-400, Tổng thống Trump đã nói rằng đó hoàn toàn là lỗi của Tổng thống Obama và rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên xa lánh NATO và gần gũi hơn với [Tổng thống Nga] Putin.
Theo một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận nội bộ tại Hội đồng an ninh và Bộ Ngoại giao, các quan chức chính quyền Mỹ trong đó có cả Ngoại trường Mike Pompeo và Cố vấn an ninh Quốc gia John Boltin đang thúc đẩy trừng phạt Thổ Nhĩ Kỹ, nhưng ông Trump vẫn chần chừ để bảo vệ mối quan hệ với người đồng cấp Erdogan,
Còn tại Capitol Hill, nơi có khá nhiều các nghị sỹ lưỡng đảng ủng hộ các hành động nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, các nghị sỹ Cộng hòa đã lặng lẽ gọi điện cho Tổng thống thúc giục ông trừng phạt Ankara. Ngày 12/7, một cuộc họp báo về thương vụ của Thổ Nhĩ Kỳ đã được lên kế hoạch nhưng sau đó lại bị hủy.
Khi các phòng viên chờ đợi một cuộc họp báo khác trong ngày 15/7, các trợ lý Quốc hội được thông báo rằng ông Trump đang có cuộc họp với giới chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng tại Phòng Bầu dục để thảo luận các lựa chọn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc họp báo ngày thứ Hai 15/7 sau đó cũng bị hoãn.
Mất niềm tin lâu dài
Những tranh cãi về hệ thống phòng không S-400 của Nga phản ánh mối quan hệ đã xung đột từ vài năm qua khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng coi Mỹ là một nước không đáng tin cậy và trong một số trường hợp thậm chí là đối nghịch.
Cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq đã cho phép người Kurd, vốn đối địch với người, Thổ thiết lập sự tự trị. Mỹ sau đó đã bắt đầu huấn luyện và hợp tác với người Kurd để đánh bại chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Mỹ cũng từ chối dẫn độ giáo sỹ Gulen, người mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là đứng đằng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.
Tình trạng mất niềm tin lại gia tăng khi Mỹ đề nghị Thổ không mua hệ thống phòng không của Nga nhưng Tổng thống Erdogan dứt khoát từ chối. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn đánh dấu ngày xảy ra đảo chính bất thành cách đây 3 năm (ngày 15/7) bằng việc tiếp nhận những chiếc máy bay chở các linh kiện S-400.
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 16/7, ông Trump đã đổ lỗi việc Thổ mua S-400 cho chính quyền tiền nhiệm khi đã từ chối bán hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo các quan chức và các quan chức có liên quan đến thương vụ Patriot, điều này không chính xác. Mỹ đã làm việc để bán cho Thổ Nhĩ Kỳ một hệ thống Patriot từ năm 2013, nhưng Mỹ đã dừng lại trước yêu cầu chuyển giao công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Mark Esper, người được Tổng thống Trump đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng, ngày 16/7 nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ “là một đồng minh lâu năm và rất có năng lực trong NATO, những quyết định mua S-400 của họ là một sai lầm và gây thất vọng”.
Theo giới phân tích, S-400 dấy lên mối đe dọa thực sự với an ninh quốc gia Mỹ. Giới chức Mỹ lo ngại nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhận F-35, hệ thống S-400 của Nga có thể được sử dụng để thu thập các thông tin có giá trị về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ.
Trong khi đó Trump nói rằng quyết định cấm bán F-35 cho Thổ là điều mà ông miễn cưỡng phải làm.
“Chúng ta đang nói với Thổ Nhĩ Kỳ rằng vì các bạn thực sự bị buộc phải mua hệ thống phòng không khác, nên chúng tôi sẽ không bán F-35 cho các bạn”. Tổng thống Trump nói. “Đó là điều thực sự không công bằng”.
“Vì sự thực họ đã mua tên lửa của Nga, chúng ta giờ không được phép bán cho họ lô máy bay trị giá hàng tỷ USD. Đó là tình thế không công bằng”, ông Trump nói thêm.
“Vô căn cứ” hay “bị dắt mũi”
James Townsend, cựu phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng phụ trách châu Âu và NATO, hiện làm việc cho Trung tâm an ninh Mỹ mới, người có tham gia các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về hệ thống Patriot, nói rằng, tuyên bố của ông Trump là “vô căn cứ”.
“Có thể cấp dưới của ông ấy không biết, hoặc họ không dám nói với ông ấy”, Townsend nói, đồng thời cho rằng Tổng thống có thể đang bị nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ “dắt mũi”.
Theo ông Townsend, mặc dù ông Trump nuối tiếc về thương vụ F-35, thì Lockheed cũng không muốn bán máy bay nếu có thể xảy ra rủi ro với công nghệ của họ.
Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ thuộc một liên minh quốc tế đầu tư tài chính vào việc chế tạo F-35, thì các nghị sỹ và các quan chức chính quyền Mỹ vẫn cảm thấy nguy cơ là khá cao để có thể chấp nhận thương vụ này./.