Trung Đông sẽ lạnh nhạt đón ông Obama, ngoại trừ Israel?

(VOV) -Tổng thống Obama dự kiến sẽ tới Israel vào ngày 20/3 và tới thăm Bờ Tây vào ngày 21/3

Theo giới quan sát, chuyến công du tới Trung Đông tới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama không nhằm tìm kiếm giải pháp cho những xung đột tại khu vực này. Có chăng, chuyến đi chỉ hướng tới mục tiêu hàn gắn những rạn nứt với Israel trong vấn đề hạt nhân Iran và phần nào làm giảm căng thẳng giữa Palestine và Israel trong vấn đề các khu định cư tại Bờ Tây.

Hạt nhân Iran- nhân tố gây rạn nứt giữa 2 đồng minh truyền thống

Theo kế hoạch do Nhà Trắng đưa ra, Tổng thống Obama dự kiến sẽ tới Israel vào ngày 20/3 và tới thăm Bờ Tây vào ngày 21. Ông sẽ có các cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực trên cương vị Tổng thống. Trong đó, một hoạt động trọng tâm của ông tại Israel là cuộc nói chuyện với giới trẻ, chủ yếu là sinh viên Israel tại Jerusalem. Phóng viên Hãng tin AP cho rằng, đây là một phần nỗ lực của Tổng thống nhằm thu hút công chúng Israel, đặc biệt là giới trẻ.

Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Netanyahu (Ảnh: ABC OPTUS News)


Chuyến công du của ông Obama tới Israel đúng vào thời điểm Thủ tướng nước này Netanyahu vừa tái đắc cử nhiệm kỳ 2 với muôn vàn khó khăn, do quyền lực ông bị suy yếu sau cuộc bầu cử tháng 1/2013. Ngày 15/3 vừa qua, Thủ tướng Netanyahu đã thành lập một chính phủ liên minh sau khi đạt được thỏa thuận với 6 đảng đối lập. Chuyến thăm của ông Obama cũng là cơ hội để “giảng hòa” với Israel sau một thời gian không tìm được tiếng nói chung về vấn đề hạt nhân Iran.

Israel đã nhiều lần đe dọa có hành động quân sự đối với Iran nếu nước này phát triển bom hạt nhân. Còn Mỹ lại thiên về sử dụng các giải pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế để hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran.  Mặc dù trong các cuộc trao đổi ngoại giao, phía Mỹ luôn khẳng định hành động quân sự là một lựa chọn nếu cần thiết, nhưng Israel luôn đòi hỏi Mỹ phải cam kết ủng hộ và hỗ trợ nước này tấn công quân sự.

Phương Tây luôn cho rằng chương trình hạt nhân của Iran là nhằm mục đích phát triển công nghệ vũ khí. Còn phía Iran lại khẳng định hoạt động hạt nhân của mình vì mục đích dân sự và nói rằng nước này “có quyền” làm như vậy.

Ông Michael Oren, đại sứ Israel tại Mỹ phủ nhận mọi thông tin mâu thuẫn giữa 2 nước vì vấn đề hạt nhân Iran. Ông khẳng định: "Mỹ và Israel chia sẻ các quan điểm về chương trình hạt nhân của Iran và rút ra nhiều kết luận tương đồng".

Điểm khởi đầu giải quyết bế tắc tiến trình hòa bình

Trong chuyến đi tới khu Bờ Tây, Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Salam Fayyad ở Ramallah. Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Palestine Fayyad sẽ thăm một trung tâm thanh niên Palestine, nhằm tiếp cận giới trẻ của khu vực.

Poster về chuyến thăm của Obama tại thủ đô Ramalah bị gạch xóa (Ảnh AP)


Tuy nhiên, dư luận công chúng tại Palestine lại không mấy mặn mà về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới đây. Trong khi các quan chức cấp cao Palestine hy vọng rằng trong chuyến công du này, Tổng thống Mỹ có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình thông qua việc chấp thuận việc thành lập nhà nước Palestine và khẳng định rằng việc Israel xây dựng các khu định cư là yếu tố đe dọa giải pháp 2 nhà nước; thì nhiều người cho rằng chuyến đi của ông Obama chỉ là thiên vị Israel.

"Tổng thống Obama đến vì Israel, chứ không phải vì chúng ta," ông Mohammed Albouz, một nông dân 55-tuổi người Palestine nói. "Tổng thống Obama sẽ đến và đi như người tiền nhiệm của ông đã như vậy, mà không làm được bất cứ điều gì."

Một khảo sát của ABC OPTUS News về dư luận công chúng cũng đưa ra nhận định rằng, nhiều người Mỹ cho rằng Tổng thống của họ có thiện cảm với nước đồng mình truyền thống Israel nhiều hơn.

Trong khi Israel đang “trải thảm đỏ” đón chào Tổng thống Obama thì có rất ít dấu hiệu của sự phấn khích ở Bờ Tây. Áp phích lớn của Obama treo ở Ramallah tuần trước đã nhanh chóng bị gạch xóa, và một nhóm nhỏ các nhà hoạt động quá khích lên kế hoạch thả bóng bay màu đen mang dấu  hiệu tang tóc khi Obama tới.

Theo hãng tin AP, Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat cho biết việc tái khởi động đàm phán giữa Israel và Palestine sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn và trong một thời gian dài. Ông Erekat cho biết: "Chúng tôi thực sự hy vọng rằng Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry có thể thành công trong việc khôi phục lại tiến trình hòa bình, thành công trong việc gây áp lực để Israel thừa nhận giải pháp 2 nhà nước theo đường biên giới năm 1967 biên giới".

"Chúng tôi không cần những kế hoạch mới Chúng tôi cần sự cam kết"- ông Erekat nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ Obama cũng dự kiến dành 24 giờ thăm Jordan, một đồng minh quan trọng của Mỹ, với mối quan tâm tập trung vào tình trạng cuộc khủng hoảng chính trị ở nước láng giềng Syria. Hiện có hơn 450.000 người Syria đã chạy tỵ nạn sang Jordan. Hãng tin AP dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Obama không có kế hoạch đến thăm trại tỵ nạn trong thời gian ở Jordan, song ông sẽ thảo luận về khả năng tăng cường viện trợ cho người tỵ nạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên