Trung Quốc cho sinh con thứ 3: Khó cải thiện được tỷ lệ sinh
VOV.VN - Quyết định bất ngờ của Trung Quốc khi cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh con thứ ba có thể là quá muộn để đảo ngược tình trạng giảm tỷ lệ sinh và lực lượng lao động đang giảm ở quốc gia này.
Các nhà kinh tế học và nhân khẩu học cho biết, chính quyền sẽ cần một loạt chính sách hỗ trợ về chăm sóc trẻ em và các biện pháp nhằm cắt giảm chi phí giáo dục, chi phí nhà ở... để có thể giúp các cặp vợ chồng tính đến chuyện có thêm con.
Trung Quốc đã và đang từng bước cải cách chính sách sinh đẻ vốn được thực hiện nghiêm ngặt trong nhiều thập kỷ. Nước này đã thực thi "chính sách một con" - một trong những quy định về kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt nhất thế giới suốt gần 40 năm. Trung Quốc mới dỡ bỏ chính sách một con từ năm 2016 do lo ngại lực lượng lao động bị già hóa và kinh tế đình trệ.
Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 31/5 vừa qua đã nhóm họp dưới sự chủ trì Chủ tịch Tập Cận Bình và đưa ra quyết định cho phép các cặp vợ chồng nước này sinh con thứ 3, đồng thời nâng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo lực lượng lao động.
Yuan Xin, giáo sư tại Đại học Nankai ở Thiên Tân, cho biết: “Đây là một động thái chính sách quan trọng, nhưng chính sách 3 con sẽ không dẫn đến sự phục hồi bền vững trong tỷ lệ sinh”.
Giáo sư Yuan Xin nói thêm: “Cần có một gói bao gồm toàn bộ các dịch vụ và chính sách, chẳng hạn như chăm sóc trẻ em, giảm thuế cho cha mẹ, trợ cấp nhà ở và thậm chí bình đẳng giới. Điều này là cần thiết để tạo ra một môi trường xã hội đủ để khuyến khích các bậc cha mẹ sinh thêm con”.
Một số quan chức chính phủ, bao gồm cả các nhà nghiên cứu tại ngân hàng trung ương của Trung Quốc, đã kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn giới hạn sinh. Cuộc tranh luận càng trở nên gay gắt sau khi kết quả của cuộc điều tra dân số quốc gia mới nhất của Trung Quốc vào đầu tháng này cho thấy sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động của nước này trong thập kỷ qua.
Theo ước tính của Bloomberg, tỷ lệ sinh giảm đồng nghĩa với việc dân số Trung Quốc, hiện ở mức 1,41 tỷ, có thể bắt đầu giảm trước năm 2025. Có 12 triệu trẻ sơ sinh mới chào đời vào năm ngoái trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn nhiều bất ổn, con số thấp nhất kể từ năm 1961.
Theo chuyên gia Yuan của Đại học Nankai, tỷ lệ sinh 1,8 là lý tưởng để dân số tăng trưởng lành mạnh. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện ở mức 1,3.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc bắt đầu giảm từ những năm 1970, khi trình độ học vấn của người dân tăng lên và chính phủ khuyến khích phụ nữ ở các vùng nông thôn sinh ít con hơn, đỉnh điểm là chính sách một con ở phạm vi quốc gia, áp dụng đối với hầu hết phụ nữ từ cuối thập kỷ đó.
Chính sách hỗn hợp
Chuyên gia kinh tế Eric Zhu cho rằng chính sách cho sinh con thứ 3 của Trung Quốc là một bước đi đúng hướng nhưng vẫn chưa đủ để vượt qua lực cản nhân khẩu học không thể tránh khỏi đối với nền kinh tế. Tỷ lệ sinh thấp và dân số ngày càng già hóa đang gây áp lực lên nền kinh tế và các nguồn lực của chính phủ. Để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc sẽ cần nhanh chóng tăng chi cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe, đồng thời duy trì mức đầu tư cao của doanh nghiệp và nhà nước nhằm nâng cấp khu vực công nghiệp, nâng cao trình độ học vấn của người dân.
Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây mặc dù dân số tăng chậm, cùng với đó làn sóng di cư đến các thành phố thúc đẩy sự dịch chuyển cơ cấu nguồn lao động từ nông nghiệp sang công việc trong các nhà máy và dịch vụ làm tăng sản lượng kinh tế trên mỗi lao động.
Để giúp duy trì tăng trưởng, Trung Quốc đang tìm cách nâng tuổi nghỉ hưu và tăng tốc độ đô thị hóa. Chính phủ nước này đang đặt mục tiêu nâng dần tuổi nghỉ hưu từ mức hiện tại là 60 tuổi đối với nam giới và mức thấp nhất là 50 tuổi đối với nữ giới, đồng thời có kế hoạch cho 50 triệu người di chuyển từ nông thôn ra thành thị trong 5 năm tới để làm các công việc trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ với mức lương cao hơn.
Các chuyên gia cảnh báo, xu hướng sinh ít con hơn có thể sẽ còn tiếp tục ngay cả khi chính sách sinh đẻ được nới lỏng.
Chuyên gia kinh tế Herald van der Linde nhận định: “Ngày nay, rất ít phụ nữ hoặc gia đình chọn sinh con thứ 3 do chi phí chăm sóc trẻ em rất cao, bên cạnh đó là tình trạng phân biệt đối xử về việc làm đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, thiếu người trông trẻ... Thực tế, tất cả các chính sách được áp dụng để khuyến khích các cặp đôi sinh thêm con ở các nước khác – thậm chí thưởng tiền mặt – thường rất ít tác dụng”.
Trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc, nhiều ý kiến tỏ ra không mấy hào hứng với chính sách vừa được thông qua. Một số người than thở rằng ngoài việc phải chăm sóc một đứa con và phụng dưỡng tứ thân phụ mẫu cùng với món nợ thế chấp đè nặng, họ không thể tưởng tượng đến việc trong nhà sẽ có thêm 2 đứa trẻ nữa. Sinh thêm con cũng gây ra lo ngại đối với công việc của phụ nữ, nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ sẽ khó kiếm việc làm hơn bởi vì các công ty thường không sẵn lòng gách vác các chi phí.
“Đối với người giàu, việc nới lỏng chính sách sẽ khuyến khích họ sinh thêm con nhưng đối với những công dân bình thường ở tầng lớp trung lưu hoặc thậm chí là tầng lớp thấp, họ không có đủ động lực để tận dụng chính sách mới này”, Vivian Zhan, một phó giáo sư về chính trị tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhận định./.