Trung Quốc có đủ sức đảm đương AIIB?

VOV.VN - Khi mà Trung Quốc không thể duy trì mức độ tăng trưởng cao như trước, liệu nước này có thể là trụ cột cho một cơ chế tài chính như AIIB hay không?

Năm 2014, Trung Quốc đưa ra sáng kiến xây dựng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) nhằm cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực châu Á, với số vốn ban đầu là 50 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 100 tỷ USD trong tương lai.

Là nước đưa ra sáng kiến thành lập, Trung Quốc đóng góp tới hơn 30% nguồn tài chính của AIIB và có tỉ lệ bỏ phiếu lên đến hơn 26%, trong khi mỗi quốc gia thành viên khác có số vốn đóng góp chưa tới 10%. 

Hình minh họa: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) (ảnh: KT)

Đến nay, đã có 57 quốc gia gồm các nước trong khu vực châu Á, châu Âu,  châu Phi và Mỹ Latinh đã gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Nhật Bản và Mỹ không tham gia vào cơ chế tài chính này.

Cuối tháng 6, Trung Quốc đã đạt được thành tựu đáng kể trong việc tìm kiếm vai trò lớn hơn trên trường quốc tế khi thu hút được nhiều nước tham gia ký kết thỏa thuận thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do nước này khởi xướng.

Tuy nhiên, đầu tháng 7, thị trường chứng khoán của Trung Quốc lại tụt dốc không phanh. Liệu AIIB và cả Trung Quốc có đủ sức đáp ứng kỳ vọng của châu Á đối với đầu tàu phát triển này không?

AIIB- Giải pháp cho cơn khát vốn của châu Á

Mặc dù là châu lục có nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới nhưng nền tảng cơ sở hạ tầng của châu Á lại chưa phát triển ở mức cao. Do vậy, một ngân hàng tập trung vào việc cung cấp vốn để xây dựng đường sá, cầu cống, bến cảng cũng như hệ thống viễn thông tại châu Á nhằm tạo dựng nền tảng cho sự phát triển kinh tế là một sáng kiến được chào đón. 

Đặc biệt là trong bối cảnh châu Á cần lượng vốn lớn, đến 800 tỷ USD trong giai đoạn 2010 – 2020 (theo báo cáo năm 2012 của ADB) thì sự ra đời của AIIB góp phần giải quyết “cơn khát” vốn của châu lục này. 

Một cuộc họp giữa các nước thành viên AIIB tại Bắc Kinh, Trung Quốc (ảnh: corbettreport.com)

Các cơ chế tài chính đã tồn tại từ sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay kể cả Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đôi khi còn nhiều bất cập trong việc triển khai các chính sách kinh tế, và thường yêu cầu các quốc gia phải thay đổi chính sách hay cơ chế quản lý phù hợp để giành được nguồn viện trợ tài chính. 

AIIB lại đi ngược lại khi Trung Quốc cam kết không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước nhận nguồn tài chính hỗ trợ. Cách tiếp cận này có sức hấp dẫn lớn với các nước kém phát triển hơn, khi mà không phải nước nào cũng sẵn sàng và có khả năng đáp ứng những yêu cầu về trình độ quản lý, các tiêu chuẩn về môi trường và lao động của các nước phát triển.

Nếu hoạt động hiệu quả, AIIB có thể xem là điển hình cho cơ chế hỗ trợ phát triển Nam-Nam giữa các nước đang phát triển trong tương lai.

Trung Quốc được lợi gì phía sau sáng kiến AIIB?

AIIB là một cơ chế tạo điều kiện cho Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở các nước kém phát triển hơn. Mặc dù từ trước đến nay đầu tư của Trung Quốc vốn không được đánh giá cao do những “tiếng xấu” liên quan đến công nghệ lạc hậu và khả năng quản lý tài nguyên yếu kém, tuy nhiên đầu tư đến từ một tổ chức đa phương với nhiều thành viên phát triển như EU hay Hàn Quốc khiến cho việc Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo lại có vẻ hấp dẫn và ít nghi ngại hơn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy phát triển thương mại và mang lại càng nhiều lợi ích hơn cho khu vực Châu Á, bao gồm cả Trung Quốc.

AIIB cũng giúp đẩy mạnh quốc tế hóa đồng nội tệ của Trung Quốc. Đây có thể xem là nỗ lực mới nhất của nước này nhằm tăng cường sức mạnh và mức độ phổ biến của đồng nhân dân tệ, hiện là một trong 5 đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới trong thanh toán thương mại (theo báo cáo của SWIFT). 

AIIB sẽ giúp đẩy mạnh quốc tế hóa đồng nội tệ của Trung Quốc (ảnh: ITN)

Việc thành lập AIIB là nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo vị thế lớn hơn trên trường quốc tế bởi Trung Quốc càng ngày càng không hài hòng khi vị thế của họ không tương xứng với quy mô GDP và những nỗ lực cải thiện vẫn thất bại.

Điển hình là việc Trung Quốc chiếm tỉ lệ bỏ phiếu tại Tổ chức tiền tệ quốc tế IMF thấp hơn Nhật Bản dù nền kinh tế nước có quy mô lớn gấp hai lần kinh tế Nhật Bản. Trong quá trình tìm kiếm vai trò xứng đáng hơn trên trường quốc tế, Trung Quốc  tập trung vào việc tự xây dựng những cơ chế mới do họ nắm quyền chủ đạo, để đối trọng với những thể chế lâu đời vốn đối xử bất công với họ thay vì đối đầu trực diện, thậm chí khơi mào chiến tranh thế giới như Đức và Nhật Bản trong quá khứ.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã nhận định rằng trên khía cạnh an ninh và quan hệ quốc tế, sự xuất hiện của AIIB cũng như những sáng kiến khác của Trung Quốc nhằm tạo ra sự liên kết về kinh tế giữa Trung Quốc với châu Á, vừa ràng buộc khu vực này với vận mệnh của Trung Quốc, vừa xoa dịu những căng thẳng về ngoại giao với một loạt các nước Đông Nam Á và Nam Á. Đây có thể coi là bước đi học tập Nhật Bản khi nước này chính là ví dụ điển hình về việc sử dụng viện trợ thành công trong quan hệ quốc tế.

Cùng với việc gia tăng sức mạnh quân sự, AIIB là nơi Trung Quốc thử nghiệm một vai trò ngoại giao mới tương xứng với vị trí cường quốc và điều chỉnh năng lực quản trị ở khu vực.

Nhận xét về AIIB, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói rằng: “Tôi nghĩ rằng việc Trung Quốc dùng vốn ngoại tệ thặng dư của mình để đầu tư vào các nước khác để gia tăng bành ảnh hưởng của mình, để rồi từ đấy khai thác tài nguyên, bù đắp những cái mất cân đối của Trung Quốc, thì theo tôi đấy cũng là một cách đầu tư thông minh chứ không phải không”.

Tương lai của AIIB và vai trò của Trung Quốc

Hiện tại, AIIB được đánh giá là một thành tựu ngoại giao của Trung Quốc khi nước này lôi kéo được nhiều nước trong khu vực tham gia vào một sáng kiến kinh tế trong bối cảnh các nước châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng quan ngại về sự phô trương sức mạnh của quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu này. 

AIIB sẽ là một giải pháp “cùng thắng” (win-win) cho châu Á hay chỉ là phần mới nhất trong chuỗi những nỗ lực (không mấy thành công) của Trung Quốc nhằm thể hiện sức mạnh nước lớn? (ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, thành công bước đầu có đảm bảo được tương lai của AIIB hay không thì chưa thể nói chắc được. Mô hình quản lý kiểu Trung Quốc với những khiếm khuyết như tham nhũng, thiếu minh bạch là điều gây lo ngại cho chính những quốc gia châu Á.

Nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc đang tụt dốc không phanh sau 7 năm tăng trưởng như vũ bão, khiến hàng nghìn tỉ USD “bốc hơi” và nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong vòng 24 năm qua. 

Khi mà Trung Quốc không thể duy trì mức độ tăng trưởng cao như trước, liệu họ có thể là trụ cột cho một cơ chế tài chính như AIIB hay không? Sự thiếu kinh nghiệm của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu có ảnh hưởng đến hoạt động của AIIB như thế nào? Liệu Trung Quốc đã đủ khả năng nắm giữ vị trí mà họ vẫn đang đòi hỏi?

Những nghi ngại của quốc gia thành viên khi tham gia vào một cơ chế do Trung Quốc nắm quyền chủ đạo sẽ không giảm đi khi nước này tiếp tục tăng cường triển khai sức mạnh và hành xử quyết liệt hơn trong các tranh chấp ở khu vực. Những người bi quan còn lo ngại rằng AIIB sẽ trở thành công cụ chính trị để Trung Quốc thao túng khu vực.

AIIB sẽ là một giải pháp “cùng thắng” (win-win) cho châu Á hay chỉ là phần mới nhất trong chuỗi những nỗ lực (không mấy thành công) của Trung Quốc nhằm thể hiện sức mạnh nước lớn? Vẫn còn quá sớm để đưa ra câu trả lời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga sẽ tham gia Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng
Nga sẽ tham gia Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng

VOV.VN - Theo RIA Novosti , Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov đã tuyên bố điều này hôm 28/3.

Nga sẽ tham gia Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng

Nga sẽ tham gia Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng

VOV.VN - Theo RIA Novosti , Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov đã tuyên bố điều này hôm 28/3.

Hạn chót gia nhập Ngân hàng AIIB Trung Quốc: Khó phân bạn- thù?
Hạn chót gia nhập Ngân hàng AIIB Trung Quốc: Khó phân bạn- thù?

VOV.VN- Sẽ có nhiều bất ngờ trước thời hạn chót để các nước nộp đơn xin gia nhập hệ thống Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng.

Hạn chót gia nhập Ngân hàng AIIB Trung Quốc: Khó phân bạn- thù?

Hạn chót gia nhập Ngân hàng AIIB Trung Quốc: Khó phân bạn- thù?

VOV.VN- Sẽ có nhiều bất ngờ trước thời hạn chót để các nước nộp đơn xin gia nhập hệ thống Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng.

Bắc Kinh thành công ở Ngân hàng AIIB, Mỹ thất bại
Bắc Kinh thành công ở Ngân hàng AIIB, Mỹ thất bại

Như dự kiến, Ngân Hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) sẽ đi vào vận hành trước cuối năm nay.

Bắc Kinh thành công ở Ngân hàng AIIB, Mỹ thất bại

Bắc Kinh thành công ở Ngân hàng AIIB, Mỹ thất bại

Như dự kiến, Ngân Hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) sẽ đi vào vận hành trước cuối năm nay.