Trung Quốc gia tăng sức ép ở Biển Đông khiến Philippines khó “buông” Mỹ
VOV.VN - Theo chuyên gia Heydarian, việc đảo ngược hủy VFA cho thấy Tổng thống Duterte phải quyết định giữa Trung Quốc hung hăng và đồng minh lịch sử hữu ích.
Các vấn đề an ninh nổi cộm ở Biển Đông được cho là yếu tố đã thuyết phục Philippines trì hoãn việc xóa bỏ một hiệp ước quan trọng với Mỹ, một nhà ngoại giao Philippines tại Mỹ nói hôm 3/6.
Dù ông Duterte đã nhiều lần đe dọa sẽ kéo Philippines ra khỏi vòng tay của Mỹ nhưng mối quan hệ giữa hai nước được cho là vẫn khá gần gũi. Ảnh minh họa: AFP. |
Chính phủ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua (3/6) tuyên bố đình chỉ kế hoạch hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) - thỏa thuận được đánh giá rất quan trọng đối với các động thái của Washington nhằm chống lại sức mạnh đang lên của Bắc Kinh trong khu vực.
Trước đó, vào ngày 11/2, Philippines cho biết đã chính thức thông báo với phía Mỹ về việc chấm dứt VFA giữa quân đội hai nước. Theo đó, việc Philippines rút khỏi thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 180 ngày và không cần sự chấp thuận của Mỹ.
Phản ứng với động thái này của phía Philippines, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó tiếp nhận thông tin với thái độ bình thản và nói rằng nếu Manila làm như vậy thì sẽ giúp Washington tiết kiệm tiền.
"Nếu họ muốn làm điều đó, tốt thôi, chúng tôi sẽ tiết kiệm được nhiều tiền", Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng, đồng thời đề cập tới "mối quan hệ rất tốt" của ông với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Philippines Duterte đã tích cực hợp tác với Trung Quốc để tìm kiếm các thỏa thuận thương mại và đầu tư, làm dấy lên mối lo ngại của Mỹ rằng đồng minh lâu đời của họ thay đổi chiến lược xích lại gần Trung Quốc. Tuy nhiên, chủ trương này của ông Duterte vấp phải không ít chỉ trích ngay từ phía công chúng Philippines và làm dấy lên những lo ngại trong quân đội nước này đối với tham vọng chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Biển Đông được đánh giá là một trong những tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng, nơi có hàng tỷ USD thương mại đi qua và vùng biển này cũng được cho là có trữ lượng dầu mỏ phong phú. Đó là lý do khiến nó trở thành nguồn căng thẳng thường xuyên trong khu vực.
Lựa chọn giữa Trung Quốc và đồng minh lịch sử
Nhà phân tích Richard Heydarian của Philippines cho biết việc đảo ngược hủy VFA cho thấy Tổng thống Duterte phải quyết định giữa một Trung Quốc hung hăng và một đồng minh lịch sử hữu ích. Mỹ gửi thư lên LHQ phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
"Đây không phải là thời điểm để bắt đầu một cuộc ly hôn xấu xí, đặc biệt là khi Trung Quốc đang lan rộng ảnh hưởng của mình ở khắp mọi nơi", ông Heydarian nói.
Được ký kết vào năm 1998, VFA được coi là khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines và cho phép hai nước tiến hành hàng trăm cuộc tập trận chung thường niên cũng như hỗ trợ nhân đạo. Trong khuôn khổ VFA, quân đội Philippines đã nhận được sự hỗ trợ đào tạo và các trang thiết bị quan trọng từ phía Mỹ. Manila cũng nhận được gần 555 triệu USD hỗ trợ an ninh từ Washington trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2019.
Việc chấm dứt VFA nếu diễn ra đúng như kế hoạch thì sẽ có hiệu lực vào tháng 8 năm nay. Tuyên bố hủy bỏ VFA được Philippines đưa ra sau khi Ronald Dela Rosa – một thượng nghị sĩ từng là kiến trúc sư trưởng của cuộc chiến chống ma túy dưới thời ông Duterte bị phía Mỹ hủy thị thực.
Tổng thống Duterte thường tỏ ra giận dữ với bất kỳ chỉ trích nào nhằm vào cuộc chiến chống tội phạm ma túy của ông. Trên thực tế, dù ông Duterte đã nhiều lần đe dọa sẽ kéo Philippines ra khỏi vòng tay của Mỹ nhưng mối quan hệ giữa hai nước được cho là vẫn khá gần gũi.
Ông Romualdez cho biết, đề nghị của Mỹ hỗ trợ Philippines trong cuộc chiến ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cũng là một trong những yếu tố giúp ích cho các cuộc thảo luận bảo đảm VFA chưa bị “khai tử”.
Quyết định đình chỉ xóa bỏ VFA sẽ có thời hạn là 6 tháng, kể từ ngày 1/6 và có thể được gia hạn thêm. Và thỏa thuận này có khả năng còn tồn tại cho đến năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Duterte được quy định theo Hiến pháp Philippines, kết thúc vào tháng 6/2022./.