Trung Quốc và nỗ lực phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên
VOV.VN - Trung Quốc chủ trương kêu gọi các bên liên quan thiện chí hơn nữa, sớm thúc đẩy nối lại đàm phán 6 bên.
Hội thảo quốc tế kỷ niệm 10 năm ra đời cơ chế đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ khai mạc vào ngày 18/9 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Đây được xem là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm tìm kiếm triển vọng mới cho cơ chế đàm phán 6 bên vốn bị đình trệ từ năm 2008.
Nỗ lực của Trung Quốc
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hội thảo quốc tế lần này do Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc chủ trì, với sự tham dự của quan chức cấp cao chính phủ 6 nước: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, cùng nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mục đích việc tổ chức cuộc Hội thảo lần này nhằm đánh giá lại thành quả của cơ chế đàm phán 6 bên trong 10 năm qua, tạo diễn đàn để các bên tiếp xúc, trao đổi ý kiến, phát huy tinh thần Tuyên bố chung năm 2005 và tìm ra cơ hội nối lại đàm phán 6 bên trong thời gian tới.
Được ra đời từ năm 2003 theo đề xuất của Trung Quốc, đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã trải qua 6 vòng đàm phán với không ít khó khăn trắc trở, nhưng cũng đạt được nhiều thành quả quan trọng.
Nổi bật nhất là việc các bên thông qua “Tuyên bố chung” năm 2005, trong đó khẳng định sẽ thực hiện phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, bình thường hoá quan hệ giữa các nước liên quan, tăng cường hợp tác kinh tế năng lượng và thiết lập cơ chế đảm bảo hoà bình và an ninh lâu dài trong khu vực Đông Bắc Á.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un trong cuộc gặp tháng 7/2013 tại Bình Nhưỡng (Ảnh: AP) |
Với vai trò nước chủ nhà, thời gian qua Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao nhằm tái khởi động đàm phán 6 bên. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mới đây nhất, ngày 11/9, Đặc phái viên chính phủ Trung Quốc Vũ Đại Vĩ đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Glyn Davies thảo luận về vấn đề tái khởi động các vòng đàm phán 6 bên.
Trước đó ngày 25/7, trong khuôn khổ chuyến thăm Triều Tiên, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều cũng đề nghị thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên, khẳng định Trung Quốc sẽ “cống hiến hết mình để đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thực hiện hòa bình trong khu vực”.
Lập trường của các bên
Việc tổ chức Hội thảo kỷ niệm 10 năm ra đời cơ chế đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lần này là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm làm “sống lại” cơ chế này vốn bị đình trệ từ năm 2008. Tuy nhiên, hiện lập trường giữa các bên, nhất là giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn còn rất khác biệt.
Phát biểu trong chuyến thăm Hàn Quốc ngày 10/9 vừa qua, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Glyn Davies khẳng định “lúc này chưa phải là thời điểm để tổ chức đàm phán 6 bên” vì cho rằng Triều Tiên chưa từ bỏ mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ngược lại, phía Triều Tiên tiếp tục khẳng định mục tiêu sở hữu hạt nhân của mình. Trong một tuyên bố được đưa ra tuần trước, Phát ngôn viên Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên cho biết: có thể chấp nhận đàm phán song phương trực tiếp với Mỹ, nhưng tiếp tục khẳng định “địa vị hợp pháp của CHDCND Triều Tiên với tư cách là một quốc gia sở hữu hạt nhân mà không có bất kỳ sự dao động nào cho dù có được công nhận hay không”.
Triển vọng giải quyết
Với lập trường giữa các bên còn rất khác biệt như hiện nay, với việc Tổ chức Hội thảo lần này, nước chủ nhà Trung Quốc cũng không đặt ra mục tiêu thúc đẩy các bên sớm nối lại đàm phán 6 bên, mà chỉ đưa ra mục tiêu khiêm tốn hơn là tạo cơ hội để các bên tiếp xúc, trao đổi ý kiến, tìm tòi khả năng nối lại đàm phán.
Với thực trạng đàm phán 6 bên đang bị đình trệ, thì triển vọng nào cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên? Trả lời câu hỏi này, nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng đàm phán 6 bên cho đến nay vẫn là cơ chế hiệu quả nhất giải quyết “điểm nóng” Triều Tiên.
Các học giả cho rằng, dẫn đến sự đình trệ của cơ chế đàm phán 6 bên như hiện nay không phải do hạn chế nội tại của bản thân cơ chế này, mà là do các bên liên quan còn thiếu thiên chí chính trị.
Trên thực tế, khi nào đàm phán 6 bên tiến triển thuận lợi thì tình hình an ninh trong khu vực tiến triển tích cực, ngược lại đàm phán 6 bên rơi vào bế tắc thì cục diện chính trị trên bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên căng thẳng.
Vì vậy, Trung Quốc chủ trương kêu gọi các bên thiện chí hơn nữa, sớm thúc đẩy nối lại đàm phán 6 bên để thảo luận, tìm tòi, thống nhất biện pháp hiệu quả giải toả cục diện căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thực hiện một nền hoà bình và an ninh lâu dài cho khu vực Đông Bắc Á./.