Từ hoà giải dân tộc tới hoà bình Trung Đông

Để đạt được thoả thuận cuối cùng nhằm giải quyết các mâu thuẫn của cuộc xung đột cần phải có sự nỗ lực và thiện chí từ nhiều phía

Ngày 4/5, tại Thủ đô Cairo (Ai Cập), các phe phái của Palestine đã ký kết thoả thuận hoà giải dân tộc. Đây được coi là bước tiến quan trọng đánh dấu nỗ lực trong việc giải quyết các bất đồng, nhằm hướng tới xây dựng một chính phủ thống nhất, từ đó tạo tiếng nói chung trong cuộc đàm phàn hoà bình với Israel. Người dân Palestine đã vượt qua một rào cản lớn trong tiến trình tìm kiếm hoà bình.

Dư luận cho rằng, đây là một dấu hiệu tích cực cho tiến trình hoà bình Trung Đông, tuy nhiên, để các bên liên quan đạt được thoả thuận cuối cùng nhằm giải quyết các mâu thuẫn cơ bản của cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua còn cần phải có sự nỗ lực và thiện chí từ nhiều phía.

Từ trước đến nay, khi nói về những khó khăn trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel – Palestine, người ta vẫn thường đề cập đến bất đồng nội bộ giữa các phe phái tại Palestine, khi coi đây là một trong những trở ngại làm suy yếu sự đoàn kết dân tộc Palestine.

Bất đồng lớn nhất trong nội bộ Palestine xảy ra giữa hai lực lượng có tiếng nói chủ yếu trong đời sống chính trị Palestine là Phong trào Fatah, nắm chính quyền ở Bờ Tây, và Phong trào Hồi giáo kháng chiến Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza. Chính sự mâu thuẫn này đã dẫn tới bất đồng quan điểm trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa Palestine với Israel.

Thành cổ Jerusalem là tâm điểm của nhiều cuộc xung đột

Trong khi Chính quyền Palestine với lực lượng nòng cốt là Phong trào Fatah quyết định thông qua đàm phán để tìm kiếm hoà bình thì Hamas coi đấu tranh vũ trang là giải pháp để đối phó với Israel khi không công nhận sự tồn tại của nhà nước này. Đây là lý do để Mỹ, phương Tây và Israel không công nhận Hamas là một lực lượng chính trị tại Palestine và liệt phong trào này vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Điều này khiến dư luận không thể không băn khoăn về thành công của tiến trình đàm phán hoà bình Israel – Palestine, khi một lực lượng chính trị chủ yếu tại Palestine lại không được tham gia vào tiến trình này.

Hoà giải giữa các phe phái tại Palestine là một tín hiệu đáng mừng đối với dân tộc Palestine trong việc tăng cường sức mạnh, tạo tiếng nói chung trong sự nghiệp đấu tranh và xây dựng đất nước độc lập. Tuy nhiên từ hoà giải dân tộc cho tới khi hoàn thành sứ mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Palestine vẫn còn là một chặng đường còn nhiều khó khăn.

Trong khi hoà giải dân tộc được người dân Palestine nồng nhiệt đón mừng thì Israel đã sớm lên tiếng đe doạ, khi cho rằng việc Chính quyền Palestine hoà giải với phong trào Hamas sẽ huỷ hoại các nỗ lực tìm kiếm hoà bình cho Trung Đông. Ngay sau khi các phe phái Palestine ký biên bản ghi nhớ về hoà giải dân tộc, Israel đã đe doạ huỷ bỏ chế độ thị thực VIP dành cho các quan chức Palestine, cũng như đóng băng các khoản thuế mà nước này thu hộ Chính quyền Palestine.

Ngày 28/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đừng hy vọng đạt được hiệp định hoà bình với Israel, nếu thoả thuận hoà giải dân tộc với Hamas được ký kết. Lý do mà Israel đưa ra là họ không thể chấp nhận Hamas - tổ chức luôn muốn tiêu diệt nhà nước Israel, là một đối tác đàm phàn hoà bình.

Lực lượng an ninh trung thành với phong trào Fatah tuần tra ở Ramallah

Tổng thống Palestine Abbas từng tuyên bố đơn phương tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với việc thành lập nhà nước Palestine độc lập vào tháng 9 tới, nếu đàm phán hoà bình Palestine – Israel vẫn lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, kế hoạch này của Chính quyền Palestine vẫn không có được nhiều cơ hội thành công khi Mỹ - nhà bảo trợ chính cho tiến trình đàm phán hoà bình Trung Đông nhiều khả năng sẽ phủ quyết đề nghị này.

Nhưng ngay cả khi có được sự công nhận này thì các vấn đề mấu chốt của cuộc xung đột Israel – Palestine vẫn sẽ không được giải quyết. Người dân Palestine biết quá rõ điều này. Phản ứng của Chính quyền Palestine bằng cách đề nghị đơn phương tìm kiếm độc lập chẳng qua là do quá bức xúc trước việc Israel bằng nhiều lý do khác nhau cố tình trì hoãn đàm phán hoà bình.

Dư luận cho rằng đàm phán hoà bình vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết triệt để mọi mâu thuẫn, bất đồng giữa Israel và Palestine. Cơ hội đã đến với người dân Palestine khi dân tộc này đã thống nhất hoà giải. Theo thoả thuận hoà giải được ký kết, các phe phái tại Palestine sẽ có 1 năm để tiến hành tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống nhằm xây dựng một nhà nước thống nhất.

Khi đã giải quyết xong các mâu thuẫn nội bộ, Palestine sẽ có được tiếng nói chung để giải quyết mâu thuẫn bên ngoài với Israel. Hoà giải dân tộc là động lực để nhân dân Palestine tìm kiếm hoà bình. Vấn đề còn lại là cộng đồng  quốc tế và các bên liên quan cần chung sức và thực sự thiện chí vì hoà bình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên