Từ khủng hoảng gạo tới những rủi ro trên chính trường Nhật Bản

VOV.VN - Thời gian gần đây, người dân Nhật Bản “chật vật” với việc mua gạo phục vụ nhu cầu thiết yếu trong gia đình, do giá cả tăng cao và nguồn cung khan hiếm, mặc dù đây là quốc gia vốn có sản lượng lúa gạo ổn định và chính sách nông nghiệp bài bản.

Cuộc khủng hoảng gạo đang gây sức ép lớn lên chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, thậm chí đã khiến một bộ trưởng đầy kinh nghiệm phải “nửa đường đứt gánh”.

Chuỗi cung ứng lương thực của Nhật Bản, đặc biệt là gạo – mặt hàng thiết yếu, vốn rất ổn định, và cũng gắn với giá trị văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Nhưng do nhiều nguyên nhân, cuộc khủng hoảng gạo đã xảy ra, kéo dài hơn 1 năm và vẫn chưa có hồi kết.

Những nguyên nhân chủ yếu

Trong số những nguyên nhân chủ yếu, đầu tiên phải kể đến thiên tai. Trong nhiều năm trở lại đây, tại Nhật Bản thiên tai xảy ra triền miên, nghiêm trọng. Nhiều người chỉ nghĩ là “đặc sản” của Nhật Bản là động đất – sóng thần, mà quên mất rằng mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất đá, nắng nóng gay gắt cũng đang mang lại thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản cho “xứ sở hoa Anh Đào”.

Xin lấy năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay làm ví dụ. Ngay hôm 1/1/2024, đã xảy ra động đất trên bán đảo Noto. Tiếp sau đó là một mùa hè nắng nóng gay gắt khiến có tới 1.257 trường hợp tử vong do sốc nhiệt. Từ tháng 9/2024, tại chính khu vực bán đảo Noto – nơi vừa xảy ra động đất, lại bị lũ lụt nghiêm trọng, kéo dài. Năm 2025 này cũng không phải là ngoại lệ. Hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra, với một số địa phương thì nóng kỷ lục, một số địa phương thì mưa dữ dội. Với thiên tai triền miên như vậy, mất mùa là điều đương nhiên.

Ngoài thiên tai, vấn đề dân số lão hóa dẫn tới thiếu hụt nhân lực cũng là nguyên trực tiếp của vấn đề gạo khan hiếm và tăng giá. Như chúng ta đều biết, làm nông nghiệp bao giờ cũng vất vả hơn làm những nghề khác, Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ, mặc dù có một nền nông nghiệp công nghệ cao rất hiện đại. Do đó, số người “bỏ làng lên phố” ngày một gia tăng, dẫn đến thực trạng, ruộng đất bỏ hoang không ai canh tác, trong khi thiếu lương thực, rau quả.

Một nguyên nhân nữa là hệ thống lưu thông gạo của Nhật Bản trên thị trường hiện nay không thông suốt, thậm chí dễ dẫn tới tình trạng gạo bị đầu cơ, nâng giá. Đây là điểm được chính Bộ trưởng Nông lâm thủy sản Nhật Bản Koizumi Shinjiro phát hiện ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá gạo do đích thân Thủ tướng Nhật Bản giao phó.

Một nguyên nhân trực tiếp nữa là sự bùng nổ du lịch nước ngoài. Với lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản trung bình hàng tháng lên tới trên 3 triệu lượt, thì không thiếu gạo mới là lạ. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như Nhật Bản thúc đẩy xuất khẩu gạo, sử dụng gạo vào những mục đích khác... nhưng những nguyên nhân nêu trên là cơ bản nhất.

Sức ép chính trị từ gạo

Hiện nay, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản lần thứ 27 đang đến gần, Thủ tướng Ishiba và Chính phủ Nhật Bản đang đứng trước áp lực rất lớn, không chỉ từ các đảng đối lập, mà từ cả công luận Nhật Bản. Bởi vì, nếu đem vấn đề gạo khan hiếm và tăng giá đặt vào tổng thể thực trạng vật giá gia tăng không cản nổi tại Nhật Bản hiện nay, có thể nói, vấn đề còn nghiêm trọng hơn nhiều, khi các chuyên gia nhận định, giá gạo tăng là một trong những tác nhân khiến vật giá leo thang.

Áp lực còn nghiêm trọng đến mức khiến một nộ trưởng đầy kinh nghiệm trong Chính phủ của Thủ tướng Ishiba Shigeru phải “nửa đường đứt gánh”, đó là ông Eto Taku - Bộ trưởng Nông lâm thủy sản tiền nhiệm của Nhật Bản. Chỉ vì một câu nói bất cẩn liên quan đến giá cả và việc mua bán gạo của cá nhân và gia đình trong một lần xuất hiện trước đại chúng, mà ông Eto buộc phải từ chức.

Ngay tại kỳ họp Quốc hội Nhật Bản vừa kết thúc vào cuối tháng 6, chủ đề gạo cũng rất nóng. Phe đối lập gây sức ép đến mức buộc Thủ tướng Ishiba phải đưa ra mục tiêu với những con số và mốc thời gian cụ thể, chứ không được chung chung. Với áp lực đó, ông Ishiba phải tuyên bố sẽ đưa giá gạo về mức trên dưới 3.000 yen/5kg, trong khi, suốt hơn 1 năm qua, mức giá này lên tới trên 5.000 yen, gấp hơn 2 lần so với thời điểm đầu năm 2024, kèm theo đó là nguồn cung khan hiếm. Theo đó, gánh nặng đang đè lên hai vai Bộ trưởng Koizumi – người được gọi là “Bộ trưởng gạo” của Nhật Bản hiện nay.

Vấn đề còn trầm kha đến mức, mặc dù đã nhìn nhận ra nguyên nhân từ hệ thống lưu thông và đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh như xả kho dự trữ gạo chiến lược lược quốc gia nhiều lần, thay đổi hình thức bán gạo dự trữ từ đấu thầu sang chỉ định thầu, Bộ trưởng đích thân giám sát khâu bán gạo..., ông Koizumi, mới chỉ đưa được giá gạo giảm tiệm cận với mục tiêu do Thủ tướng Ishiba cam kết, và vẫn còn cao gần gấp 1,5 lần so với thời điểm nửa đầu năm 2024.

Trong bầu cử Thượng viện Nhật Bản, vấn đề gạo đang đứng thứ 2 trong số 17 chủ đề “luận chiến” chính, chỉ sau vấn đề vật giá leo thang, đứng trước cả an ninh – quốc phòng và đàm phán thuế quan với Mỹ, thậm chí còn thu hút sự chú ý của công luận hơn cả vấn đề sửa đổi Hiến pháp và người kế thừa ngôi vua Nhật Bản. Mọi “mũi dùi” đều đang hướng vào liên minh cầm quyền, mà gạo được coi là một trong những “mũi dùi sắc nhất”.

Ảnh hưởng lan rộng từ khủng hoảng gạo

Hệ lụy từ khủng hoảng gạo còn ảnh hưởng tới ngoại giao và kinh tế đối ngoại của Nhật Bản, mà ngay trước mắt là quá trình đàm phán thuế quan với Mỹ. Về đàm phán thương mại Nhật - Mỹ, có một vấn đề, cũng liên quan đến gạo, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nhấn mạnh và tỏ ra bất mãn với Nhật Bản. Đó là việc ông Trump cho rằng Nhật Bản không chịu nhập khẩu gạo của Mỹ, trong khi thiếu gạo trầm trọng, thậm chí còn bóng gió đến khả năng sẽ nâng mức thuế đối ứng bổ sung đối với Nhật Bản lên 30-35%, thay vì 25% như ban đầu.

Phía Nhật Bản nhận định, động thái này của ông Trump là nhằm gây áp lực đối với Nhật Bản, trong khi Nhật Bản kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia. Nhưng cho dù mục đích thật sự của ông Trump là gì, thì thực tế Tokyo đang đối diện với áp lực rất lớn từ Nhà Trắng vẫn không hề thay đổi. Đây là một bài toán rất khó đối với Thủ tướng Ishiba. Bởi vì, một mặt phải bảo vệ lợi ích của nông dân và cả nền nông nghiệp Nhật Bản trong bối cảnh khó khăn chồng chất do thiên tai, thiếu nhân lực..., mặt khác phải có những nhượng bộ, thỏa hiệp nhất định để bảo vệ lợi ích cho những ngành kinh tế khác, đặc biệt là công nghiệp ô tô.

Thêm nữa, vừa phải tìm cách giảm giá gạo để giảm áp lực nội bộ từ phe đối lập, lại vừa phải duy trì được lợi ích cho nông dân khi giá gạo giảm. Bên cạnh đó còn có một vấn đề tế nhị, nhưng là một thực tế. Đó là tập quán tiêu dùng của người Nhật. Đa phần người Nhật chỉ ăn gạo sản xuất, trồng trọt trong nước. Do đó, cho dù Chính phủ Nhật Bản có đồng ý nhập gạo từ Mỹ, chưa chắc các doanh nghiệp xuất và nhập khẩu gạo của cả 2 nước đã bán được tại thị trường Nhật Bản. Đến đây lại xuất hiện một vòng luẩn quẩn mới.

Những yếu tố này đang đẩy đàm phán thương mại Nhật – Mỹ vào thế bế tắc, thậm chí sẽ đổ bể, nếu không có sự nhượng bộ từ cả hai phía. Trong bối cảnh đó, Tokyo chủ trương tiếp tục đàm phán với Washington dựa vào một số lá bài như Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Mỹ, tạo nhiều việc làm nhất cho công dân Mỹ, mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ... Và để có thêm thời gian, Nhật Bản đang xúc tiến thuyết phục Mỹ nới rộng thêm thời hạn tạm dừng áp thuế đối ứng bổ sung đối với Nhật Bản, khi thời hạn này sắp kết thúc vào ngày 9/7.

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang tập trung sức lực, trí tuệ để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến khủng hoảng gạo, và đây được coi là một trong những động lực then chốt để Liên minh cầm quyền giữa đảng Tự do Dân chủ và đảng Công Minh (Komei) vượt qua “hành trình ngược gió” đầy gian nan trong bầu cử Thượng viện sắp tới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của Nhật Bản rất tinh gọn và hiệu quả
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của Nhật Bản rất tinh gọn và hiệu quả

VOV.VN - Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống quản lý hành chính với 2 cấp ở địa phương, được quy định rõ trong Hiến pháp và đạo luật Tự quản địa phương. Hoạt động quản lý, quản trị xã hội tại Nhật Bản hiện có giá trị tham khảo như thế nào đối với Việt Nam?

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của Nhật Bản rất tinh gọn và hiệu quả

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của Nhật Bản rất tinh gọn và hiệu quả

VOV.VN - Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống quản lý hành chính với 2 cấp ở địa phương, được quy định rõ trong Hiến pháp và đạo luật Tự quản địa phương. Hoạt động quản lý, quản trị xã hội tại Nhật Bản hiện có giá trị tham khảo như thế nào đối với Việt Nam?

Người dân Nhật Bản chịu đựng tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng kéo dài
Người dân Nhật Bản chịu đựng tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng kéo dài

VOV.VN - Trong vòng khoảng 3 tuần trở lại đây, tại tất cả các địa phương của Nhật Bản, bao gồm cả thủ đô Tokyo và các thành phố lớn, gạo đã trở thành mặt hàng quý hiếm được người tiêu dùng săn lùng hơn bao giờ hết. Người ta lo ngại rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của toàn xã hội Nhật Bản.

Người dân Nhật Bản chịu đựng tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng kéo dài

Người dân Nhật Bản chịu đựng tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng kéo dài

VOV.VN - Trong vòng khoảng 3 tuần trở lại đây, tại tất cả các địa phương của Nhật Bản, bao gồm cả thủ đô Tokyo và các thành phố lớn, gạo đã trở thành mặt hàng quý hiếm được người tiêu dùng săn lùng hơn bao giờ hết. Người ta lo ngại rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của toàn xã hội Nhật Bản.