Tướng Lê Văn Cương: ASEAN cần tận dụng sức mạnh từ phán quyết PCA
VOV.VN - Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, phán quyết của PCA đã tạo nên một sức mạnh mới, mang tính bước ngoặt cho các nước ASEAN ứng xử với Trung Quốc.
Vào lúc 16h chiều 12/7, theo giờ Hà Nội, Tòa Trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan đã ra phán quyết đối với vụ kiện của Philippines ở Biển Đông. Theo đó, Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) đã bác bỏ yêu sách về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Dư luận quốc tế đánh giá cao phán quyết của PCA, yêu cầu các bên kiềm chế và tuân thủ phán quyết của Tòa.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an về phán quyết này. Dưới đây là lời chia sẻ của Thiếu tướng Lê Văn Cương (tít phụ do VOV.VN tự đặt):
Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an. |
Thượng tôn pháp luật quốc tế
Bao trùm lên phán quyết PCA ngày 12/7 vừa qua là thông điệp rằng luật pháp quốc tế cần được đảm bảo tối thượng trong trật tự thế giới hiện nay. Luật pháp phải được tôn trọng, bất cứ quốc gia lớn hay bé cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tính thượng tôn của pháp luật là ý chí nguyện vọng của nhân loại, thể hiện trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế là phán quyết khách quan và chính xác, có đầy đủ chứng cứ khoa học.
Cần hiểu rõ ở đây, Tòa Trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) với các phiên tranh tụng tại trụ sở Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan), thực hiện theo tôn chỉ của Liên Hợp Quốc.
Phán quyết của tòa PCA ngày 12/7 đã thể hiện được ý nghĩa rằng trong thời đại ngày nay, tất cả các quốc gia lớn bé đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, phán quyết PCA chính là thắng lợi của Philippines trước vụ kiện lịch sử này.
Vũ khí sắc bén cho ASEAN
Tuy rằng phán quyết PCA không có tính cưỡng chế ràng buộc đối với các bên, nhưng nó đã tạo ra một nền tảng pháp lý để các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông có thể đối thoại, đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông.
Trụ sở Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay, Hà Lan. (Ảnh: Quazt). |
Giá trị của phán quyết đã tạo ra một nền tảng mới cho những căng thẳng đang leo thang trong khu vực.
Trước khi phán quyết được đưa ra, Trung Quốc và các nước ASEAN đã ngồi lại cùng với nhau nhưng chưa thể thống nhất được biện pháp để giải quyết tranh chấp. Trung Quốc là một cường quốc, còn các nước ASEAN khác là những nước nhỏ, nên rất khó để hai bên có thể tìm được tiếng nói chung. Trung Quốc sẵn sàng “lấn át mọi chuyện”.
Sau phán quyết, mọi chuyển đã thay đổi. Vị thế của các nước ASEAN, bao gồm cả Philippines và Trung Quốc giờ đã khác trước. Những lời tuyên bố của Trung Quốc khi cho rằng phán quyết không liên quan đến Trung Quốc hay không có giá trị là thiếu thuyết phục.
Tất cả các nước là thành viên của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp, kể cả bằng cơ quan tài phán quốc tế.
Khi Philippines gửi hồ sơ lên Tòa trọng tài quốc tế, Trung Quốc đã tuyên bố cả hàng trăm ngàn lần rằng Tòa không có thẩm quyền thụ lý vụ kiện này, và Trung Quốc cũng không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài chứ không phải bây giờ Trung Quốc mới nói.
Hành trình Philippines tìm công lý trước Trung Quốc qua “PCA”
Vấn đề ở đây là tại sao Trung Quốc lại sợ Tòa án? Tại sao một cường quốc như Trung Quốc lại e ngại đưa vụ việc ra tòa? Đơn giản là vì họ chẳng có cơ sở pháp lý nào cả đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, càng không có cơ sở pháp lý đối với vùng nước trong “đường chín đoạn”. Vì họ không có cơ sở pháp lý nên họ rất sợ ra Tòa án.
Sáu mươi lăm năm nay, cả thế giới đều hỏi Trung Quốc rằng cơ sở pháp lý nào để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cơ sở pháp lý nào đối với “đường 9 đoạn” thì Trung Quốc không trả lời được.
Vậy nên phán quyết của PCA đã tạo ra một công cụ mới cho các nước ASEAN đối thoại với Trung Quốc. Còn với các nước ASEAN thì bây giờ cần phải làm gì? ASEAN cần tiếp tục bám chặt vào Hiến chương Liên Hợp Quốc, dựa vào công ước Luật Biển năm 1982, dựa vào phán quyết của Tòa trọng tài.
Thức tỉnh những ai mơ hồ
Phán quyết đã tạo nên một sức mạnh rất mới mang tính bước ngoặt cho các nước ASEAN. Các nước ASEAN cần phải nắm lấy để đối thoại với Trung Quốc.
Sức mạnh của các nước ASEAN bây giờ đã khác hẳn. Trước đây, trong 217 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cũng có một vài nước do lý do này lý do kia không hiểu ASEAN, không hiểu Việt Nam, không hiểu Philippines. Đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng Việt Nam, Philippines đang đòi hỏi quá đáng, còn Trung Quốc thì đúng.
8 tỉ người trên hành tinh này cũng có những người còn mơ hồ, ngộ nhận do hiểu biết của họ còn thiếu sót nên chưa nhìn thấy được sai lầm của Trung Quốc. Phán quyết của Tòa trọng tài như một ngọn đèn pha thức tỉnh ai chưa rõ sự thật.
Sức mạnh của ASEAN nằm ở sự đoàn kết. Ảnh: internet. |
Sức mạnh về pháp lý, sức mạnh về ngoại giao tạo ra một nền tảng mà 10 nước ASEAN cần phải tận dụng. Phán quyết tạo ra một công cụ đấu tranh bằng con đường hòa bình nằm ở việc sử dụng pháp lý. Phán quyết cũng tạo nên một hệ thống cộng đồng quốc tế rộng mở, hậu thuẫn sau lưng cho các nước ASEAN mà chúng ta phải tranh thủ được từ bây giờ.
Trung Quốc đối diện sức ép lớn sau phán quyết của PCA
Đúng là trước đây đã có những trường hợp các vụ kiện giữa các cường quốc châu Âu với một số nước nhỏ, giữa Mỹ với một số nước xung quanh thì cuối cùng các cường quốc (dẫu ban đầu tuyên bố rằng không chấp nhận phán quyết) vẫn thuận theo phán quyết của Tòa Trọng tài.
Những phản ứng của Trung Quốc nếu càng gay gắt, thậm chí là quân sự hóa Biển Đông, thậm chí thành lập khu vực nhận dạng phòng không, chẳng qua là “lấy đá ghè vào chân mình”. Ở đây càng quyết đoán thì càng mất lòng tin của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đứng trước sức ép lớn sau phán quyết này.
Nếu như họ bình tĩnh, có thể họ vẫn không chấp nhận phán quyết, nhưng ít ra họ sẽ không đưa ra những hành động làm đảo lộn trật tự ở Biển Đông, không đưa ra những hành động vi phạm đe dọa đến an ninh hàng hải, thì cộng đồng quốc tế còn có thể nhân nhượng.
Nhưng nếu Trung Quốc vẫn bất chấp luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh hàng không hàng hải trên khu vực Biển Đông thì họ sẽ chỉ chuốc lấy thất bại về ngoại giao, không phải là quốc gia vì hòa bình, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế./.