Ukraine đánh canh bạc Donbass, Nga im lặng, EU cay đắng móc hầu bao
VOV.VN - Vụ pháo kích xe buýt ở Donetsk làm 12 người thiệt mạng được cho là chất xúc tác thúc đẩy cuộc chiến giữa Kiev và lực lượng ly khai ở miền Đông.
Trong bối cảnh cuộc xung đột tại các khu vực ở miền Đông Ukraine đang gia tăng giữa quân đội chính phủ và lực lượng đòi độc lập, ngày 15/1, quốc hội Ukraine đã thông qua sắc lệnh gọi nhập ngũ ít nhất 50.000 người trong lực lượng dự bị mà Tổng thống Petro Poroshenko ký một ngày trước đó.
Ukraine huy động tối đa lực lượng cho chiến tranh
Kênh truyền hình “Nước Nga-24” ngày 14/1 đưa tin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh về việc chính quyền Kiev chuẩn bị tổ chức đợt huy động nghĩa vụ quân sự thứ 4.
Công dân Ukraine thuộc diện huy động nghĩa vụ bao gồm nam giới tuổi từ 25-60. Ngoài ra, quân đội Ukraine có thể điều động tới khu vực chiến sự cả phụ nữ được gọi vào quân đội, tuy nhiên hạn chế độ tuổi dưới 50 tuổi. Các phòng quân vụ ở Ukraine đã bắt đầu cho gọi người chuẩn bị nhập ngũ tới khám sức khỏe.
Thậm chí, người ta đã thấy những hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi ở thị trấn Zhdachyv, tỉnh Lviv học bắn súng để sẵn sàng... chống lại những kẻ khủng bố miền Đông.
Có thông tin, Ukraine còn thành lập tiểu đoàn Babushka (tên chỉ những người lớn tuổi) để tham gia các công tác hậu cần cho người lính ở tiền tuyến.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh, các quan chức chính phủ và chính khách Ukraine cho rằng, quân đội chính phủ hiện “lép vế” hơn so với lực lượng ly khai ở miền Đông về mặt số lượng. Điều này được ông Sergiy Pashynskiy, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia thừa nhận hôm 12/1: “Lần đầu tiên số lượng quân đối phương đã vượt trội so với quân chính phủ”.
Không chỉ tổng động viên quân lực, Ukraine cũng đang huy động tối đa các phương tiện có thể sử dụng cho cuộc chiến với phe ly khai miền Đông như tăng cường trực thăng của Tổng thống, trưng dụng xe công hoặc xe tư cho hoạt động quân sự.
Trong buổi họp báo sáng 14/1, Phó Cục trưởng Cục kế hoạch phòng vệ và động viên của quân đội Ukraine Vladimir Talalay cho rằng để phục vụ nhu cầu của quân đội tiến hành hoạt động quân sự ở Donbass, các phương tiện vận chuyển của các doanh nghiệp Ukraine sẽ “được” trưng dụng nếu thấy cần thiết.
Các kế hoạch trưng dụng đã được công bố trước cuộc huy động thứ tư ở Ukraine bắt đầu từ ngày 20/1, trong khi hai chiến dịch khác dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 4 và tháng 6.
Theo Sách Trắng Quốc phòng Ukraine công bố hiện nước này có 160 máy bay chiến đấu, trong đó có số ít máy bay còn hoạt động được là Su-27, MiG-29 và Su-25…
Trong giai đoạn đầu của hoạt động quân sự ở Donbass mà Kiev triển khai chống lại lực lượng ly khai Donetsk, không quân nước này đã được huy động tích cực.
Được ăn cả, ngã cũng “chẳng sao”
“Chiến thắng trên chiến trường là bàn đạp cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao” chuyên gia Vladimir Bruter , Viện Nghiên cứu Chính trị- nhân đạo quốc tế Nga nhận định.
Tháng 7/2014, Quân đội Ukraine chiếm quyền kiểm soát thêm 4 thành phố miền đông, sau khi tái chiếm được thành trì của phe ly khai là Slavyansk. “Chiến thắng” này được ví như chất xúc tác củng cố niềm tin cho những người Ukraine có xu hướng bài Nga, thân phương Tây, vào chính quyền của Tổng thống Poroshenko khi ông mới đắc cử hồi tháng 5.
“Chiến thắng” này cũng củng cố niềm tin cho EU “mở hầu bao” thông qua khoản vay 1,38 tỷ USD cùng với 848 triệu USD viện trợ tài chính vi mô cho Ukraine, trong khi Mỹ ký đảm bảo cho chính phủ Ukraine vay 1 tỷ USD. Như vậy, Kiev nhận được tổng cộng hơn 3,2 tỷ USD từ phương Tây.
Một mũi tên trúng nhiều đích nhưng thất bại cũng đâu có sao...
Chỉ sau “chiến thắng” có 1 tháng , chính Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tháng 8/2014 phải thừa nhận thất bại của mình trong chiến dịch quân sự ở miền Đông.
Tại cuộc họp tại Kiev với Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề chính trị Jeffrey Feltmanom, ông Poroshenko thừa nhận rằng tình hình ở phía Đông không thể giải quyết được chỉ bằng các phương tiện quân sự. Trước đó, ông đã chỉ ra sự không hiệu quả của kế hoạch quân sự cũ và tuyên bố về việc sẵn sàng kế hoạch mới.
“Tổng thống Ukraine đang lúng túng và liên tục thay đổi chiến thuật và chiến lược. Có nhiều tổn thất nặng nề cả về dân thường lẫn các lực lượng vũ trang. Tất cả những điều này cho thấy rằng, những nỗ lực để giải quyết tình hình mà không lường đến phương án đàm phán là sai lầm”, chuyên gia Kurts cho hay.
Im lặng đáng sợ của Nga và sự cay đắng chi tiền của EU
Ngày 3/1, Ngoại trưởng Nga cảnh báo về động thái leo thang quân sự của Kiev ở khu vực miền Đông song phương Tây tỏ thái độ không mấy bận tâm. Nga vẫn duy trì quan điểm đàm phán sòng phẳng, lắng nghe nguyện vọng của Donbass là một trong những nút thắt mà phương Tây cần phải tháo gỡ, nếu muốn Nga cởi mở và ngồi vào bàn đàm phán.
Tổng thống Putin từng tuyên bố rằng họ không muốn thôn tính miền Đông của Ukraine, nhưng họ muốn quyền lợi cho những người thuộc sắc tộc Nga và ủng hộ nước Nga.
Tuy nhiên trước hành động dồn dập chuẩn bị chiến tranh của Kiev những ngày qua, Moscow lại im lặng một cách sợ. Buông tay hay là lên tiếng? Quá hiểu mục đích của Ukraine đang dốc tiền vào canh bạc Donbass, nhưng Nga thừa khôn để lùi xa thùng thuốc nổ Kiev, đẩy quả bóng cho EU – được cho là người bảo trợ hào phóng của Kiev. Dù EU cũng lao đao với kinh tế suy sụp, nguy cơ tháo chạy của dòng vốn đầu tư tăng cao và khủng bố đã đến sát cửa nhà.
Ngoài mặt, EU ủng hộ đàm phán ngoại giao và đang ra sức “ca ngợi” Ukraine tích cực trên mặt trận ngoại giao bằng việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Normandie, bao gồm các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Pháp và Đức, tìm giải pháp cho khủng hoảng Ukraine; đáng lý phải tổ chức hôm 15/1 thì phải lùi tới cuối tháng này. Cuộc gặp này chưa diễn ra đã thấy trước thất bại và khả năng Nga cũng không tham gia khi Moscow một mực cho rằng: Chẳng có tác dụng gì khi không mời lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine tham dự.
Bên trong, EU vẫn đều đều “bơm tiền”, viện trợ thiết bị quân sự cho Ukraine để chuẩn bị những cuộc chiến dài hơi.
Ngày 11/1, EU thông báo tiếp tục “bơm” thêm cho Kiev 1,8 tỷ euro (hơn 2 tỷ USD). Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker nói rằng: “Ukraine không đơn độc, Châu Âu luôn có mặt bên cạnh để ủng hộ chương trình cải cách của tân chính phủ Kiev”.
Số tiền này “nướng vào đâu” ai cũng rõ.
Nếu Ukraine thắng thì không có gì đáng bàn, nhưng nếu họ thua, châu Âu bỗng trở thành nhà tài trợ bất đắc dĩ cho chiến dịch đó. Có chăng để đến thất bại này chỉ vì EU cho Kiev chưa đủ tiền.
Còn nếu muốn tránh điều tiếng đó, EU cần tiếp tục bơm thêm tiền để được hưởng cái thế kẻ thắng ... sẽ được làm vua./.