Ukraine đối mặt với nguy cơ khôn lường nếu bị Nga chọc sườn đánh úp ở Kursk
VOV.VN - Cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng, diện tích mà Ukraine chiếm được tại kursk chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ Nga. Với ba sườn bị hở, chiến dịch xâm nhập qua biên giới của Ukraine đi kèm với rủi ro đáng kể.
Cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào tỉnh Kursk, miền Tây nước Nga được coi là canh bạc táo bạo nhất kể từ khi xung đột nổ ra. Cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng: “Cuộc tấn công đã tạo ra một đòn tâm lý với Điện Kremlin khi Ukraine xâm nhập lãnh thổ Nga, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II”.
Nguy cơ khôn lường đối với Ukraine
Ukraine tuyên bố lực lượng nước này kiểm soát gần 1.300 km2 lãnh thổ tỉnh Kursk của Nga với 100 khu dân cư. Nhưng ông Milley đánh giá, diện tích mà Ukraine chiếm được chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ của Nga. Với ba sườn bị hở, chiến dịch xâm nhập của Ukraine đi kèm với rủi ro đáng kể. "Quân đội Nga có thể tập trung lực lượng, cắt đứt các tuyến tiếp tế, cô lập và đẩy lui Ukraine", Milley cho biết.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Putin sẽ phát động một cuộc phản công lớn để giành lại lãnh thổ của Nga hay không, ông Milley trả lời: "Ít nhất đó là một trong những khả năng có thể xảy ra trong những tháng tới".
Theo giới phân tích, Tổng thống Putin đang theo đuổi một chiến lược lâu dài – dựa vào lợi thế áp đảo về số lượng binh sỹ và vũ khí để dần dần đánh bại Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky đang cố gắng rút ngắn cuộc chiến bằng cách đưa xung đột trở về đất Nga.
Tuần trước, Ukraine đã triển khai máy bay không người lái phá hủy một kho vũ khí lớn của Nga. Ông Zelensky cũng hối thúc phương Tây cho phép sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất chống lại các mục tiêu ở Nga. "Chúng ta cần có khả năng tấn công tầm xa này để buộc Nga phải tìm kiếm hòa bình", nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh.
Ukraine đã sử dụng Hệ thống Tên lửa Chiến thuật lục quân (gọi tắt là ATACMS) với sức công phá mạnh nhằm vào các mục tiêu của Nga ở bán đảo Crimea. Theo ông Milley, tầm bắn của tên lửa ATACMS là khoảng 300 km. "Về cơ bản, bạn có thể phóng từ Washington D.C. đến thành phố New York", ông nói.
ATACMS được dẫn đường bằng GPS và mang theo đầu đạn nặng 227kg. “Tên lửa này sẽ gây ra ảnh hưởng lớn tại bất cứ nơi nào nó tấn công. Nhưng nó sẽ không thể phá hủy toàn bộ kho vũ khí, một lữ đoàn hay sư đoàn của đối phương”, ông Milley lưu ý.
Tổng thống Zelensky cho biết, ông cần ATACMS để chống lại các cuộc tấn công bằng bom lượn được tiến hành từ những căn cứ bên trong nước Nga. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng, đã quá muộn để làm điều đó: "Nga nhiều khả năng đã di chuyển máy bay ném bom lượn của họ ra khỏi phạm vi tấn công của ATACMS".
Vẫn còn những mục tiêu quân sự khác của Nga nằm trong phạm vi tấn công của ATACMS, nhưng Tổng thống Putin cảnh báo rằng việc tấn công các mục tiêu đó sẽ sẽ khiến Mỹ và NATO bước vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Ông Milley nhận định: "Tổng thống Putin đang đưa ra lời đe dọa rõ ràng đối với NATO".
Đây là thời điểm quan trọng trong một cuộc chiến mà cả Nga và Ukraine đều chịu thương vong lớn, đồng thời đang sa lầy trong bế tắc: “Khả năng Nga tiếp tục đưa quân ồ ạt vào Ukraine rất khó xảy ra, tương tự, khả năng Kiev buộc Moscow phải rút hàng trăm nghìn binh sỹ ra khỏi lãnh thổ nước này để bảo vệ Kursk cũng khó thành hiện thực”, ông Milley lưu ý.
Mối lo ngại lớn của Kiev
Tổng thống Zelensky đang đặt cược vào một canh bạc mạo hiểm, cho rằng các tuyến phòng thủ vốn đã mỏng manh của quân đội Ukraine ở trong nước sẽ giữ vững khi ông mở một mặt trận mới bên trong nước Nga. Cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho rằng: "Tổng thống Zelensky đã chấp nhận rủi ro được tính toán, để đưa Ukraine vào một vị thế mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán tương lai".
Một phần rủi ro là liệu Mỹ, với sự chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phải về mặt chính trị và một cuộc bầu cử đang đến gần, có tiếp tục gửi đủ vũ khí cho Ukraine để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga hay không. Dự kiến, nguồn tài trợ cho các loại vũ khí mới sẽ hết hạn vào cuối tháng 9/2024. "Nếu vì lý do nào đó, châu Âu hoặc Mỹ không thể tiếp tục viện trợ Ukraine và nguồn viện trợ bị cắt đứt, Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn để duy trì các hoạt động quân sự”, ông Milley cảnh báo.
Quân đội Ukraine đang cạn kiệt vũ khí, đạn dược, bị áp đảo về hỏa lực, quân số và dần mất đi lợi thế trước Nga sau nhiều tháng không nhận được thêm vũ khí. “Ukraine đã sử dụng tất cả những gì có thể. Chúng tôi cần 14 lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu, nhưng chúng tôi thậm chí không đủ đạn pháo để trang bị cho 4 lữ đoàn. Nếu như Nga có thể bắn 12 viên đạn, thì chúng tôi chỉ có thể bắn một viên”, ông Zelensky nói.
“Ukraine cần sự giúp đỡ trên mọi mặt trận, kinh tế, chính trị và quân sự, và họ cần sự giúp đỡ đó ngay bây giờ. Chính quyền Tổng thống Biden nên nhận ra rằng có khả năng bốn tháng viện trợ tiếp theo sẽ là sự giúp đỡ lớn cuối cùng của Mỹ đối với Ukraine”, nhà phân tích chính sách đối ngoại Fareed Zakaria lưu ý khi đề cập viễn cảnh mà cựu Tổng thống Trump thắng cử.
“Nỗi lo ngại lớn nhất của Ukraine không phải là thiếu quyết tâm chiến đấu mà là sự suy giảm viện trợ của phương Tây, đặc biệt là Mỹ,” nhà phân tích Zakaria phát biểu với CNN.