Ukraine khó tạo đột phá trong năm 2023, phương Tây tính kế hoạch viện trợ mới

VOV.VN - Các quan chức châu Âu bắt đầu hạ thấp kỳ vọng về cuộc phản công của Ukraine trong năm 2023. Do cuộc xung đột có khả năng kéo dài sang năm 2024, các nước phương Tây đang xây dựng kế hoạch viện trợ mới cho Kiev.

Một số nước châu Âu ngày càng nghi ngờ khả năng quân đội Ukraine có thể tạo ra bước đột phá quyết định trong năm nay, bởi Nga đã có thời gian để xây dựng hệ thống phòng thủ và chuẩn bị sẵn sàng trước cuộc phản công mà Kiev tuyên bố từ nhiều tháng nay.

Quan điểm của các quan chức phương Tây hiện nay có sự khác biệt lớn so với thời điểm cuối năm 2022, khi Kiev gây bất ngờ cho các đồng minh với 2 cuộc phản công thành công và chiếm lại được những vùng đất rộng lớn. Điều đó làm dấy lên hy vọng Ukraine có thể tạo ra những bước đột phá hơn nữa trong năm nay, từ đó thúc đẩy cuộc chiến theo hướng có lợi cho Kiev.

Hiện nay, các đồng minh của Ukraine đang hạ thấp kỳ vọng của họ và dự tính nhu cầu của Kiev cho giao tranh cường độ cao đến năm 2024.

Theo tài liệu mật bị rò rỉ, giới chức Mỹ cũng có đánh giá tương tự về cuộc phản công của Ukraine.

Ukraine khó tạo đột phá trong năm nay        

Trong khi một cuộc tiến công của Ukraine về phía thành phố Melitopol ở phía Nam, nhằm chia rẽ các lực lượng Nga được nhiều người dự đoán, một số quan chức châu Âu hiện cho rằng điều đó khó có thể đạt được trong năm nay.

Thay vào đó, họ dự đoán mục tiêu thực tế cho Kiev sẽ là tiến thêm 30 km để đưa các loại pháo mạnh nhất của Ukraine vào vị trí có thể vươn tới các tuyến tiếp tế của Nga và tạo điều kiện cho một cuộc tấn công sâu hơn trong năm 2024.

Trong khi đó, ngay cả một bước tiến khiêm tốn cũng có thể dẫn đến thương vong nặng nề cho quân đội Ukraine và tiêu tốn số lượng lớn đạn dược và thiết bị do Nga đã bố trí các phòng tuyến nhiều lớp với các bãi mìn, hào cũng như tuyến phòng thủ “răng rồng” chống tăng được dựng lên trong mùa đông vừa qua.

Bản tài liệu mật bị rò rỉ của Mỹ, chủ yếu được soạn vào tháng 2 đến đầu tháng 3, đã nêu những lo ngại của Washington về điểm yếu của Ukraine. Những vấn đề này bao gồm việc tập hợp và đào tạo nhân lực cần thiết cho một cuộc phản công tiềm tàng trong khi số lượng tên lửa phòng không của Kiev đã xuống thấp đến mức nguy hiểm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công khai bác bỏ những đánh giá bi quan đó. Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Oleksii Reznikov trong tuần này, ông cho biết Kiev vẫn tự tin về khả năng thành công trong cuộc phản công sắp tới. Theo ông Austin, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh để Kiev đạt được điều đó.

Trong khi đó, ông Reznikov kêu gọi Mỹ cung cấp máy bay chiến đấu F-15 hoặc F-16, điều mà Kiev đã đề nghị từ lâu nhưng cho đến nay Washington vẫn từ chối cung cấp.

Từ mùa thu năm ngoái, các quan chức Ukraine và các nhà phân tích quân sự phương Tây đã cảnh báo rằng Ukraine đang cạn kiệt tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu có thể giúp bù đắp lại sự thiếu hụt đó.

Theo một số quan chức quốc phòng châu Âu, cuộc phản công của Ukraine dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào giữa tháng 5 và bao gồm các hoạt động từ nhiều hướng, trong đó có cả các cuộc tấn công nghi binh. Một quan chức nói rằng thời điểm bắt đầu cuộc phản công không nhất thiết phải là yếu tố chính của chiến dịch, vì Nga cũng đã có sự chuẩn bị.

Các nhà phân tích Ukraine cho rằng, thời điểm phản công có thể diễn ra muộn hơn, khi Kiev đã chuẩn bị đủ nhân lực và thiết bị để tạo ra cơ hội tốt nhất và có thể là cơ hội cuối cùng nhằm đánh bại Nga. Thời gian và hướng thực tế của cuộc phản công được giữ bí mật chặt chẽ.

Mỹ và châu Âu tính toán lại kế hoạch viện trợ

Trong bối cảnh cuộc xung đột hiện được cho là có khả năng kéo dài sang năm 2024, các nước phương Tây đang xây dựng các kế hoạch viện trợ cho Ukraine. Một cuộc phản công lớn thứ hai sẽ đòi hỏi Mỹ và châu Âu phải tiếp tục cung cấp tài chính, vũ khí và đạn dược quy mô lớn cho Kiev. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ vấp phải sự phản đối chính trị ở một số quốc gia, cũng như sự hạn chế về năng lực.

Bà Dara Massicot, một chuyên gia về quân đội Nga tại Rand Corporation, một tổ chức tư vấn của Mỹ, dự đoán xung đột Nga-Ukraine sẽ là một cuộc chiến tiêu hao với cái giá đắt cho cả hai bên.

Các nước phương Tây đã nỗ lực giải quyết một số vấn đề, chẳng hạn như tăng cường sản xuất và cung cấp đạn pháo 155mm. Họ cũng bắt đầu chuyển cho Kiev bom dẫn đường bằng GPS tầm xa hơn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Ukraine, Mỹ và một số đồng minh đã không thực hiện đúng tuyên bố “làm bất cứ điều gì” có thể để tránh sự bế tắc trên thực địa.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak cho biết trên Twitter: “Chúng tôi cần nhiều vũ khí tầm xa hơn để kết thúc cuộc xung đột một cách phù hợp”.

Ông Mykola Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, một tổ chức tư vấn chính sách của chính phủ Ukraine, cho rằng, Mỹ nên cung cấp cho Ukraine tên lửa đất đối đất MGM-140 ATACMS do Lockheed Martin sản xuất.

MGM-140 ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km và có thể vươn sâu vào phía sau các phòng tuyến của Nga. Điều đó sẽ cho phép Ukraine cản trở hoạt động vận chuyển đạn dược và nguồn dự trữ cần thiết cho phòng thủ của Nga, đồng thời Kiev cũng tránh phải chọc thủng 30 km công sự để đưa hệ thống vũ khí vào vị khí khai hỏa thuận lợi hơn.

Mỹ vẫn chưa cung cấp cho Ukraine loại tên lửa này vì lo ngại Kiev sẽ sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Các quan chức Washington lo ngại điều đó có thể khiến xung đột mở rộng. Nga cũng đã chỉ trích việc Mỹ và phương Tây chuyển giao xe tăng và vũ khí chính xác tầm xa là động thái leo thang.

Nhưng nếu Ukraine cạn kiệt hệ thống phòng không và phải đối phó với với lực lượng không quân đông đảo và có năng lực của Nga, “đó sẽ là cơn ác mộng của chúng tôi”, ông Bielieskov nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NATO huấn luyện lính Ukraine sử dụng xe tăng Leopard trong 30 ngày
NATO huấn luyện lính Ukraine sử dụng xe tăng Leopard trong 30 ngày

VOV.VN - Đoạn video do NATO công bố ngày 13/4 cho thấy binh lính Ukraine lái xe tăng Leopard trong khóa huấn luyện kéo dài 30 ngày.

NATO huấn luyện lính Ukraine sử dụng xe tăng Leopard trong 30 ngày

NATO huấn luyện lính Ukraine sử dụng xe tăng Leopard trong 30 ngày

VOV.VN - Đoạn video do NATO công bố ngày 13/4 cho thấy binh lính Ukraine lái xe tăng Leopard trong khóa huấn luyện kéo dài 30 ngày.

Ukraine tuyên bố sẽ thử nghiệm và sử dụng mọi vũ khí không bị cấm để chiếm lại Crimea
Ukraine tuyên bố sẽ thử nghiệm và sử dụng mọi vũ khí không bị cấm để chiếm lại Crimea

VOV.VN - Kiev sẽ “thử nghiệm và sử dụng” mọi vũ khí không bị cấm để giành lạnh lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho biết ngày 14/4.

Ukraine tuyên bố sẽ thử nghiệm và sử dụng mọi vũ khí không bị cấm để chiếm lại Crimea

Ukraine tuyên bố sẽ thử nghiệm và sử dụng mọi vũ khí không bị cấm để chiếm lại Crimea

VOV.VN - Kiev sẽ “thử nghiệm và sử dụng” mọi vũ khí không bị cấm để giành lạnh lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho biết ngày 14/4.

Tình cảnh lính Ukraine bên trong chảo lửa địa ngục trần gian Bakhmut
Tình cảnh lính Ukraine bên trong chảo lửa địa ngục trần gian Bakhmut

VOV.VN - Bị dồn vào một góc ngày càng nhỏ của thành phố Bakhmut, quân đội Ukraine hiện vẫn nỗ lực tử thủ vì các lý do chiến lược dù cho các đồng minh của họ đặt ra câu hỏi về cái giá mà binh sĩ Ukraine phải trả.

Tình cảnh lính Ukraine bên trong chảo lửa địa ngục trần gian Bakhmut

Tình cảnh lính Ukraine bên trong chảo lửa địa ngục trần gian Bakhmut

VOV.VN - Bị dồn vào một góc ngày càng nhỏ của thành phố Bakhmut, quân đội Ukraine hiện vẫn nỗ lực tử thủ vì các lý do chiến lược dù cho các đồng minh của họ đặt ra câu hỏi về cái giá mà binh sĩ Ukraine phải trả.