Ukraine liệu có thể lật ngược tình thế trước Nga nếu Mỹ nghĩ lại về lằn ranh đỏ?
VOV.VN - Một số nhà quan sát cho rằng Mỹ có thể mang đến lợi thế cho Ukraine bằng cách hỗ trợ họ nhiều hơn để tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào Nga. Chỉ riêng vũ khí của Mỹ hay của Ukraine đều không đủ nhưng khi kết hợp với nhau, chúng có thể gây tổn hại lớn cho Nga trong cuộc xung đột hiện nay.
Nỗ lực thuyết phục Mỹ nghĩ lại về lằn ranh đỏ
Các UAV của Ukraine đang là những vũ khí gây tổn thất cho đối phương và hỗ trợ nỗ lực chiến đấu của nước này trên khắp phía Tây và phía Nam nước Nga. Trong chuyến thăm Nhà Trắng ngày 26/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị Washington hỗ trợ thêm cho các cuộc tấn công tầm xa của nước này. Tuy nhiên, ông chỉ nhận được sự hỗ trợ khiêm tốn khi Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ cung cấp bom lượn JSOW với tầm bắn gần 100km cho Ukraine.
Rõ ràng Kiev muốn nhiều hơn thế. Nước này đã nhiều lần tìm kiếm sự cho phép từ đồng minh để sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS cho các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Chúng có tầm bắn lên tới 300km với tốc độ có thể nhắm đến các mục tiêu di động tốt hơn. Trước chuyến thăm của Tổng thống Zelensky, có những dấu hiệu cho thấy, Mỹ có thể đã cung cấp các tên lửa JASSM. Không giống như tên lửa ATACMS, những tên lửa này có số lượng nhiều hơn và khả năng tàng hình khiến chúng hiệu quả hơn trong việc nhắm vào các mục tiêu được bảo vệ.
Có một cảm nhận chung tăng lên ở NATO là Ukraine nên có nhiều không gian hơn để hành động. Tháng này, Nghị viện châu Âu đã yêu cầu các thành viên EU "ngay lập tức" dỡ bỏ các hạn chế tấn công sâu vào lãnh thổ Nga trong khi một số quan chức cấp cao đảng Cộng hòa trong Hạ viện và một số lãnh đạo đảng Dân chủ cũng có lập trường tương tự. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì một hướng tiếp cận thận trọng.
Trên thực tế, đã có những rủi ro ngăn cản Washington hành động quyết đoán hơn. Ngày 25/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo một cuộc tấn công vào Nga do một nhà nước được một cường quốc hạt nhân ủng hộ có thể dẫn đến phản ứng hạt nhân. Moscow không ít lần đưa ra cảnh báo hạt nhân nhưng lần này thời điểm Nga đưa ra thông báo trên cho thấy mối lo ngại rằng ông Biden có thể khuất phục trước áp lực và cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng phản ứng hạt nhân của Nga có vẻ không có khả năng xảy ra và nếu có thì cũng mang lại rất ít lợi ích quân sự. Quân đội Nga không được huấn luyện để chiến đấu trong cuộc giao tranh hạt nhân như trong Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, Ukraine có rất ít mục tiêu quân sự tập trung có giá trị cao.
Dù vậy, cũng có rủi ro là một số tên lửa JASSM có thể bỏ lỡ mục tiêu hoặc không bị phá hủy hoàn toàn. Mỹ lo ngại Nga và Trung Quốc có thể phân tích các mảnh vỡ để hiểu thêm về khả năng tàng hình cũng như các thiết bị điện tự nhạy cảm của chúng.
Ukraine liệu có thể khiến Nga trả giá?
Ukraine đang tự mình làm rất nhiều điều để tấn công sâu vào trong nước Nga. Ngày 18/9, họ đã thực hiện một cuộc tấn công gây sốc ở khu vực Tver của Nga, phá hủy một kho vũ khí khổng lồ trong một vụ nổ tương đương với một trận động đất nhẹ. Để áp đảo phòng không, Ukraine đã sử dụng hơn 100 UAV bay chậm. Kho vũ khí bị phá hủy của Nga cách Ukraine hơn 480km, nằm ngoài tầm bắn 300km của tên lửa ATACMS.
Ngoài ra, Kiev cũng không ngừng đổi mới công nghệ máy bay không người lái. Cựu Giám đốc CIA David Petraeus gọi sự phát triển này là "chưa từng có" về quy mô và tốc độ. Tháng trước, ông Zelensky cho biết Ukraine đã triển khai máy bay không người lái - tên lửa tốc độ cao đầu tiên của mình là Palianytsia.
Tuy nhiên, Ukraine cần sức mạnh tấn công tầm xa lớn hơn những gì ngành công nghiệp của nước này có thể cung cấp. Vũ khí của Mỹ có thể là sự bổ sung có giá trị mặc dù chi phí cao hơn.
Mùa xuân năm ngoái, Mỹ bắt đầu gửi phiên bản đất đối đất của tên lửa tầm xa ATACMS đến Ukraine để sử dụng bên trong lãnh thổ nước này. Tại Crimea, chúng gây tổn thất cho lực lượng hải quân và phòng không Nga cũng như các cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Các tên lửa ATACMS có khả năng phản ứng nhanh và có thể tấn công các mục tiêu di động mà không bị UAV phát hiện. Vào tháng 6/2024, Mỹ cho phép Ukraine được sử dụng vũ khí này linh hoạt hơn một chút khi có thể tấn công qua biên giới vào trong nước Nga bằng tên lửa ATACMS bất cứ nơi nào đối phương tham gia tấn công.
Ngày 26/9, Tổng thống Biden cũng cam kết hỗ trợ thêm hàng trăm tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM). Được trang bị những tên lửa này, máy bay F-16 của Ukraine có thể bắn hạ một số máy bay chiến đấu của Nga khi đang bay trước khi chúng thả bom lượn có sức tàn phá lớn.
Nhiệm vụ tấn công tầm xa rất quan trọng với Ukraine nhưng các yếu tố khác cũng vậy. Ukraine phải đối mặt với thách thức ở một số khu vực, trong đó có tình trạng thiếu hụt binh lính, công sự phòng thủ không đầy đủ và sự không chắc chắn về viện trợ của phương Tây trong tương lai.
Một số nhà quan sát cho rằng Mỹ có thể mang đến lợi thế cho Ukraine bằng cách hỗ trợ họ nhiều hơn để tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào Nga. Chỉ riêng vũ khí của Mỹ hay của Ukraine đều không đủ nhưng khi kết hợp với nhau, chúng có thể gây tổn hại lớn cho Nga trong cuộc xung đột hiện nay.