Ukraine nói cần vũ khí mới, phương Tây hỗ trợ ở mức nào?
VOV.VN - Trước những diễn biến thay đổi khó lường trong cuộc xung đột ở Ukraine, phương Tây đứng trước bước ngoặt sẽ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine ở mức độ nào khi Kiev kêu gọi các loại “vũ khí và đạn dược mới”.
Những vũ khí Ukraine cần
Trong những tháng qua, Ukraine đã kêu gọi phương Tây hỗ trợ tên lửa tầm xa và tăng cường đạn pháo cho nước này. Ngày 10/10, nghị sĩ cấp cao Ukraine Ruslan Stefanchuk đã gửi thư tới lãnh đạo Quốc hội, kêu gọi Mỹ ưu tiên cung cấp Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) để đối phó với các tên lửa, súng cối và các hệ thống pháo trên chiến trường. Như vậy, NASAMS được Kiev xếp trước các hệ thống tên lửa phóng loạt, chiến đấu cơ và các hệ thống tên lửa tầm xa mà họ yêu cầu trong những tháng qua.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Zelensky khẳng định việc nhận được các hệ thống phòng không hiện là ưu tiên số 1.
"Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bắn hạ thành công gần một nửa tên lửa và UAV do Iran sản xuất, nhưng các nguồn lực phòng không của chúng tôi vẫn hạn chế", ông Stefanchuk cho hay, đồng thời nhận định: "Hệ thống NASAMS có vai trò vô cùng quan trọng để bảo vệ các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự quan trọng trước các tên lửa hành trình và các cuộc ném bom của Nga, trong khi Hệ thống Phòng thủ tầm gần Phalanx sẽ bảo vệ điểm gần nhất trong số các mục tiêu quan trọng, đặc biệt là các nhà máy điện.
Ông Stefanchuk cho biết Ukraine cũng đang hy vọng nhận được các tiêm kích F-15 và F-16 để thiết lập vùng cấm bay nhằm đối phó với các tên lửa hành trình và máy bay ném bom của Nga, vốn có thể trang bị các tên lửa không đối không. Ukraine cũng muốn chính quyền Tổng thống Biden vượt qua sự e ngại và cung cấp cho nước này các Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATAMS) tầm xa, có thể nhắm trúng các mục tiêu cách xa 300km; cùng với các UAV tấn công Gray Eagle để đối phó với các UAV do Iran sản xuất hiện đang xuyên qua các phòng tuyến của Ukraine.
Trong khi đó, các tên lửa hành trình Kalibr của Nga bay ở độ cao thấp hơn do đó chúng thường thoát khỏi các hệ thống phòng không.
Các quan chức Ukraine cảnh báo, điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Ông Stefanchuk lo ngại Nga sẽ tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này. Với một số quan chức Ukraine, sự hỗ trợ quân sự của phương Tây đang diễn ra "quá ít và quá muộn".
Phương Tây sẽ đi xa đến đâu?
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nhà Trắng rất thận trọng trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev. Nhưng sau gần 8 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ và đồng minh đã cung cấp cho Ukraine hàng nghìn tên lửa chống tăng hạng nhẹ Javelin và các tên lửa phòng không Stinger cùng nhiều vũ khí mạnh hơn.
Dù vậy, Kiev vẫn kêu gọi Washington cung cấp thêm các vũ khí hiện đại khi Mỹ chủ trì cuộc họp Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine ở Brussels ngày 12/10 để sắp xếp sự hỗ trợ quân sự mới cho Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông hy vọng các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ đạt được sự nhất trí "trong gói hỗ trợ vũ khí và đạn dược mới mà chúng tôi cần".
Những yêu cầu này của Ukraine một lần nữa đặt Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu vào câu hỏi khó: Đó là họ nên đi xa đến đâu trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev?
Tổng thống Vladimir Putin trước đó đã nhấn mạnh Moscow sẽ "sử dụng mọi phương tiện sẵn có", trong đó bao gồm cả vũ khí hạt nhân nếu nước Nga bị đe dọa, trong khi các quan chức Nga nhiều lần cho rằng Mỹ và đồng minh phải chịu trách nhiệm cho căng thẳng leo thang.
Lần này, tình hình có thể đã khác. Cuộc gặp ở Brussels ngày 12/10 diễn ra chỉ một vài ngày sau khi Nga tiến hành không kích tên lửa vào thủ đô Kiev và hàng loạt thành phố của Ukraine, trong khi NATO đứng trước sức ép phải đưa ra phản ứng trước diễn biến trên.
"Mỗi lần căng thẳng leo thang, chúng ta lại phải cung cấp số lượng vũ khí nhiều hơn và điều này sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài. Đây cũng là vòng xoáy leo thang trong những tháng tới”, ông Samuel Charap - nhà khoa học chính trị cấp cao tại RAND Corp cho hay.
Cuộc thảo luận về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine ở Mỹ vẫn chỉ giới hạn ở các vũ khí phòng thủ, thậm chí cả khi Ukraine và một số nước Đông Âu như Ba Lan kêu gọi cung cấp các trang thiết bị quân sự như xe tăng và chiến đấu cơ - vốn được coi là các phương tiện có khả năng tấn công lớn hơn.
Mỹ và đồng minh thận trọng trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để tránh leo thang căng thẳng, song hiện các nước này đang tăng dần các vũ khí hiện đại và tầm bắn xa hơn. So với những ngày đầu xung đột nổ ra, Mỹ đã cung cấp thêm các vũ khí mới cho Ukraine, trong đó có tên lửa HIMARS, lựu pháo, xe bọc thép chở quân nhân, mìn chống bộ binh Claymore và các loại UAV mới. Một vấn đề được quan tâm hiện nay là chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục thêm vào danh sách này những vũ khí mới nào.
Các nhà lãnh đạo G7 đã họp trực tuyến ngày 11/10 với Tổng thống Zelensky và chỉ trích "những động thái leo thang căng thẳng có chủ đích của Nga". Tổng thống Biden cũng khẳng định Mỹ sẽ "hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể".
Có những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang đáp lại lời kêu gọi cung cấp vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine. Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Biden ngày 10/10, Tổng thống Zelensky cho biết: "Chúng tôi đang làm mọi thứ để nhận được những hệ thống phòng không hiện đại hơn". Tổng thống Biden đã phản hồi rằng Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết, "bao gồm cả những hệ thống phòng không tiên tiến".
Tuyên bố của Nhà Trắng không nêu cụ thể những hệ thống mà Tổng thống Biden nhắc đến là gì nhưng Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đang thúc đẩy việc vận chuyển cho Ukraine 2 Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS).
Dù vậy, Mỹ và đồng minh vẫn từ chối một số yêu cầu vũ khí của Ukraine. Phương Tây chưa quyết định về việc cung cấp máy bay chiến đấu, trong khi Mỹ và Đức vẫn đau đầu cân nhắc liệu có chuyển cho Kiev các xe tăng chiến đấu tiên tiến như Abram và Leopard hay không.
Không có hệ thống vũ khí nào được coi là “viên đạn bạc”
NATO đang thảo luận về việc làm thế nào để bảo vệ tốt nhất cho các cơ sở hạ tầng của Ukraine trước các cuộc không kích dữ dội, Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith cho hay. Các hệ thống phòng không sẽ là những vũ khí có khả năng cao được vận chuyển trong tương lai gần.
"Chúng tôi sẽ một lần nữa chuyển sang tăng cường hỗ trợ năng lực phòng không", ông Smith nhận định, đồng thời cho biết trong các giai đoạn trước đó, phản ứng của NATO chủ yếu tập trung vào những gì Ukraine cần ở các giai đoạn cụ thể của cuộc xung đột, trong đó có đạn dược và các hệ thống phòng thủ bờ biển.
Tuy nhiên, thách thức của phương Tây hiện nay là họ hầu như sở hữu rất ít hệ thống phòng không sẵn có để cung cấp cho Ukraine, ông Tom Karako, học giả cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay. Chẳng hạn, Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot nhưng Washington nhiều lần từ chối do hệ thống này tương đối khan hiếm vì nhiều lý do.
Phần lớn các cuộc không kích vào Ukraine cuối tuần qua được tiến hành bằng tên lửa hành trình phóng từ máy bay ném bom ở không phận Nga, ông John Kirby - người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia nhận định với báo giới ngày 11/10.
Hệ thống phòng không Ukraine có thể bắn hạ một số tên lửa đang tấn công nhưng theo ông Kirby, "sẽ không có hệ thống vũ khí nào được coi là viên đạn bạc" để đối phó với mối đe dọa này./.