Ukraine phản công, liệu Nga có dùng đến “át chủ bài”?

VOV.VN - Ukraine đã có cuộc phản công tại miền Đông, giành lại nhiều phần lãnh thổ. Động thái này khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân để tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến.

Ukraine phản công dữ dội

Sau nhiều ngày Ukraine tiến hành chiến dịch phản công ở miền Nam và Đông Bắc, Bộ Quốc phòng Nga thông báo sẽ rút lực lượng khỏi hai khu vực ở miền Đông Kharkiv. Quyết định được đưa ra sau khi lực lượng Ukraine giành quyền kiểm soát 2 thành phố Izyum và Kupiansk.

Bộ Quốc phòng Nga đã ra lệnh cho binh sĩ Nga rời khỏi khu vực xung quanh thành phố Izium thuộc tỉnh Kharkov, để tăng cường các hoạt động quân sự tại những nơi khác ở khu vực Donetsk thuộc vùng Donbass.

“Để đạt được các mục tiêu như đã nêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm giải phóng vùng Donbass, chúng tôi quyết định tái tập hợp lực lượng đóng tại các địa điểm Balakliia và Izium với mục đích tăng cường nỗ lực ở hướng Donetsk”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

AFP nhận định việc Ukraine chiếm lại được các trung tâm đô thị như Kupiansk và Izium sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp tế hiệu quả của Nga cho các vị trí ở chiến tuyến miền Đông Ukraine, đồng thời có thể khiến Nga bị đẩy lùi khỏi tỉnh Kharkiv.

Các quan chức phương Tây đã bày tỏ sự lạc quan trước tình hình này. Trong cuộc họp báo hôm 9/9, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Những tiến bộ của Ukraine cho thấy bản lĩnh, kỹ năng và quyết tâm của các lực lượng Ukraine, cũng như cho thấy sự hỗ trợ của chúng tôi đang tạo ra sự khác biệt mỗi ngày trên chiến trường”.

Tuy nhiên, New York Times chỉ ra rằng “hiện vẫn chưa rõ những kết quả này sẽ tác động như thế nào đến cục diện tình hình”. Bên cạnh có, cuộc chiến có thể đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm hơn.

Khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cảnh báo nước này cần bảo vệ các vùng lãnh thổ đã giành lại được trước cuộc phản công có thể diễn ra của Nga.

“Một cuộc phản công giải phóng lãnh thổ đã được thực hiện và sau đó chúng ta phải kiểm soát những vùng lãnh thổ này và sẵn sàng bảo vệ nó”, ông Reznikov nói.

Bên cạnh đó, một câu hỏi được đặt ra là nếu Tổng thống Putin cảm thấy mệt mỏi với cuộc chiến tiêu hao hiện tại, Nga có thể quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật hay không.

Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine, chính quyền Tổng thống Biden chưa tập trung nhiều vào khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Nga và hạn chế cung cấp vũ khí lực lượng Ukraine cần. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ và NATO không có một kế hoạch dự phòng để ngăn chặn việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và đáp trả động thái này.

Nhà Trắng và cộng đồng tình báo Mỹ cảm thấy tự tin rằng họ sẽ có thông tin nếu Tổng thống Putin ra lệnh triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Họ cho rằng các bức ảnh vệ tinh và thiết bị tín hiệu thông minh sẽ cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.  

Vào tháng 8, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga chỉ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình trong “tình huống khẩn cấp” và để “đáp trả”. Nga xác nhận không muốn có xung đột trực tiếp với Mỹ và NATO.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Nga “không cần thiết” sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông Shoigu cho rằng việc truyền thông đồn đoán rằng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học trong xung đột ở Ukraine là “lời nói dối”.

Theo 19fortyfive, Tổng thống Putin có thể tính toán rằng Mỹ và NATO sẽ luôn tìm lý do để tránh hành động hoặc leo thang căng thẳng nếu Nga triển khai vũ khí hạt nhân. Việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân không chỉ dẫn đến các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng hơn mà còn khiến tăng cường khả năng của Ukraine trong việc mở rộng khu vực chống lại Nga, từ biển Baltic đến Thái Bình Dương. Ngoài ra, Nga cũng sẽ phải chịu các khoản bồi thường mà Nga và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm phóng xạ do vũ khí hạt nhân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên