Ukraine tăng quân trấn áp, người biểu tình bắt giữ điệp viên
VOV.VN - Những hình ảnh vệ tinh cho thấy có sự tập trung quân lớn ở ngoại ô Slaviansk nhằm trấn áp người biểu tình tại khu vực này.
Binh lính Ukraine gần Slavyansk (Ảnh: RIA Novosti) |
Trước đó, lực lượng tự vệ địa phương tại Slaviansk tuyên bố đã bắt giữ một nhóm quan sát viên của OSCE vì bị tình nghi là gián điệp.
Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (26/4) cũng bác bỏ các cáo buộc của Mỹ cho rằng, máy bay tiêm kích Nga vi phạm không phận Ukraine trong mấy ngày qua.
Trong bối cảnh như vậy, thay vì tìm ra những giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, các nước liên quan bắt đầu thông báo thêm các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, được cho là "đổ thêm dầu" vào tình hình hiện nay tại Ukraine.
Lãnh đạo Nhóm G7 (gồm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong khi đó, Chính phủ Nga tuyên bố có thể giảm thiểu các tác động của lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế nước này.
Căng thẳng tại Ukraine có thể cuốn cả khu vực Đông Âu và các nước liên quan vào vòng xoáy của bạo lực. Chính vì vậy, mặc dù các bên liên quan tiếp tục có những lời lẽ cứng rắn, tuy nhiên, cánh cửa đối thoại vẫn được cho là luôn mở để tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.
Ngày 27/4, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won công bố quyết định từ chức của mình và xin lỗi người dân về cách xử lý được cho là yếu kém của chính phủ trong thảm họa chìm phà Sewol (Ảnh: Yonhap) |
Cũng trong ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Chung Hong-won với lý do ông Chung đưa ra rằng “điều này thể hiện trách nhiệm của ông đối với người dân Hàn Quốc”.
Dù Thủ tướng Hàn Quốc đã xin từ chức, tuy nhiên ngày 27/4, Đảng chính trị đối lập của Hàn Quốc đã yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye phải đưa ra lời xin lỗi vì thảm họa chìm phà làm hơn 300 người thiệt mạng và mất tích, đồng thời gọi việc Thủ tướng Chung Hong- won xin từ chức là “hoàn toàn vô trách nhiệm”.
Ông Ahn Cheol–soo, đồng lãnh đạo của Liên minh chính trị mới vì Dân chủ (NPAD) cho rằng, “một lời xin lỗi chân thành từ Tổng thống là điều tối thiểu mà bà Park có thể làm để có thể an ủi cho gia đình những hành khách trên chiếc phà bị đắm”.
Cho đến nay, đã có 187 người thiệt mạng và 115 người vẫn mất tích trong thảm họa chìm phà tồi tệ nhất tại Hàn Quốc trong vòng hơn 20 năm qua. Những nỗ lực cứu hộ đã phải trì hoãn trong ngày hôm nay do thời tiết xấu.
Thàm họa chìm phà cũng được cho là đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế Hàn Quốc. Một quan chức tài chính của Hàn Quốc cho biết sau sự cố chìm phà Sewol, tâm lý của người tiêu dùng dường như cũng khủng hoảng theo. Trên khắp đất nước Hàn Quốc bao trùm trong không khí đau thương, kéo theo sự ảm đạm của nền kinh tế.
Tổng thống Mỹ Obama bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Abe trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm cấp cao tại Tokyo sáng 24/4 (Ảnh Reuters) |
Tối 23/4, Tổng thống Mỹ Obama đã đặt chân tới Nhật Bản, chặng dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du 4 nước châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.
Trong cuộc hội đàm cấp cao diễn ra sáng 24/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh giữa hai nước vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Obama cũng cho biết, Mỹ ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Shinzo Abe về việc cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể để bảo vệ đồng minh khi bị tấn công vũ trang như một phần của chính sách chủ động đóng góp cho hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Sau khi thăm Nhật Bản, ông Obama đã tới Hàn Quốc. Tại cuộc hội đàm giữa ông Obama và người đồng cấp nước chủ nhà Park Geun-hye, hai bên đã tập trung thảo luận về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, trong đó bao gồm việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân mới.
Ông Obama đã lên tiếng răn đe về việc sẽ sử dụng sức mạnh quân sự Mỹ, theo đó Mỹ không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự của mình để bảo vệ các đồng minh và quan điểm sống của mình.
Trong chuyến thăm Malaysia ngày 26/4, ông Obama đã khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chính quyền Malaysia, trong bối cảnh nước này vẫn đang nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia bị mất tích hôm 8/3.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, Mỹ và Malaysia đã nhất trí nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên quan hệ đối tác toàn diện.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về căng thẳng ở biển Đông và nhất trí về tầm quan trọng của việc tuân theo các luật quốc tế. Trước đó, trong cuộc gặp với quốc vương Malaysia, Tổng thống Obama cũng khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác với Malaysia, giúp mang lại lợi ích cho người dân hai nước.
Ngày 28/4, ông Obama sẽ có chuyến thăm Philippines, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á. Các quan chức Philippines ngày 27/4 cho biết, Mỹ và Philippines đã đạt được một hiệp ước cho phép tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ngày 27/4, các nhà hoạt động Philippines đã tổ chức các cuộc biểu tình tại thủ đô Manila, một ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bluefin-21đã hoàn thành nhiệm vụ rà soát khu vực đáy biển có diện tích 10km2 trong ngày 25/4 nhưng không mang lại kết quả nào (Ảnh: AP) |
Ngày 25/4, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay, việc tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích có thể phải kéo dài trong nhiều năm.
Nhận định trên được đưa ra khi tầu ngầm tự hành Bluefin-21 đã thực hiện những hoạt động cuối cùng trong việc rà soát khu vực được khoanh vùng để tìm kiếm MH370 ở Ấn Độ Dương. Nhiệm vụ này của Bluefin-21 đã thất bại khi không phát hiện ra bất kỳ manh mối nào.
Thất vọng vì kết quả tìm kiếm, một nhóm thân nhân của các hành khách Trung Quốc trên chuyến bay MH370 tối 24/4 đã cắm trại bên ngoài Đại sứ quán Malaysia để yêu cầu giới chức nước này trả lời những câu hỏi của họ liên quan đến số phận của chiếc máy bay bị mất tích.
Trong một diễn biến liên quan, hơn 200 thành viên gia đình những người mất tích đã giữ 10 nhân viên Malaysia Airlines tại khách sạn ở Bắc Kinh sau một buổi họp báo
Thủ tướng Malaysia Najib Razak vừa cho biết, Malaysia sẽ công bố bản báo cáo sơ bộ vụ MH370 của hãng Malaysia Airlines vào tuần tới. Báo cáo này hiện đã được đệ trình lên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế của Liên Hợp Quốc.
Hình ảnh của 2 cố Giáo hoàng John Paul II và John XXIII được người dân mang tới Lễ phong thánh (Ảnh: Reuters) |
Khoảng 800.000 người đã đổ về thành phố Vatican hôm nay để tham dự Lễ phong thánh lịch sử cho 2 cố Giáo hoàng John Paul II và John XXIII. Đây lần đầu tiên trong lịch sử 2 vị Giáo hoàng được phong thánh cùng lúc và đây cũng lần đầu tiên mộtThánh lễ có sự hiện diện của 2 Giáo hoàng, một đương nhiệm và một tiền nhiệm.
Gần 100 phái đoàn nước ngoài đã tới tham dự buổi lễ, trong đó có các các nhân vật Hoàng gia, các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước.
Trong bài thuyết giảng, Giáo hoàng Francis đã bày tỏ lòng tôn kính đối với 2 vị thánh mới được phong, gọi họ là "những con người của lòng dũng cảm".
Giáo hoàng John Paul II trị vì trong 26 năm cho tới khi qua đời năm 2005. Còn Giáo hoàng John XXIII trị vì từ 1958 cho tới khi mất năm 1963./.