Vaccine ngừa mọi biến thể SARS-CoV-2 - chìa khóa thoát khỏi đại dịch Covid-19
VOV.VN - Theo Financial Times, các nhà khoa học trên thế giới đang chuyển hướng nghiên cứu vaccine Covid-19 có thể chống mọi biến thể virus mới.
Lối thoát khỏi đại dịch Covid-19 với những loại vaccine tiềm năng đã bị lu mờ bởi sự xuất hiện của các biến thể mới. Một số biến thể của virus SARS-CoV-2 dường như đang gây ra một cuộc chiến chống lại các loại vaccine hiện tại.
Quá trình nâng cấp các loại vaccine ngừa Covid-19 đang hướng tới mục tiêu tham vọng hơn: vaccine ngừa tất cả các biến thể của SARS-CoV-2, có thể chống lại các loại biến thể khác nhau của cùng một chủng virus.
“Những loại vaccine chung như vậy có thể được sản xuất và triển khai trước khi đợt lây nhiễm những chủng virus mới có thể trở thành đại dịch”, Dennis Burton và Eric Topol tại Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ) viết trong một bài bình luận trên tạp chí khoa học Nature vào tuần trước.
“Hiện chúng tôi đang kêu gọi đầu tư vào nghiên cứu cơ bản để có thể dự trữ vaccine hiệu quả trên diện rộng”, Dennis Burton và Eric Topol cho biết.
Các biến thể SARS-CoV-2 kháng một phần vaccine
Nhiều biến thể của SARS-CoV-2 hoạt động giống như chủng virus nguyên bản. Tuy nhiên, một số biến chủng dường như có thể chống lại một phần khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra.
Vaccine ngừa Covid-19 của Oxford/AstraZeneca ít hiệu quả hơn đối với biến thể ở Nam Phi so với biến thể ở Anh về việc ngăn ngừa tình trạng bệnh nhẹ đến trung bình. Mặc dù vậy, loại vaccine này vẫn được cho là có khả năng bảo vệ con người khỏi tình trạng bệnh nặng và tử vong.
Tuy nhiên, Nam Phi đã tạm dừng triển khai vaccine của Oxford/AstraZeneca.
Một nghiên cứu cho thấy, vaccine mRNA, giống như vaccine của Pfizer và Moderna, cũng có thể bị giảm tác dụng do các đột biến được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và Brazil.
Hiệu quả của vaccine giảm rõ rệt do vaccine ngừa Covid-19 chủ yếu được sản xuất để tạo ra các kháng thể liên kết với protein đột biến của virus.
Nếu các biến thể làm thay đổi đủ lượng protein đột biến, các kháng thể không còn có thể “bắt” virus một cách hiệu quả. Những loại virus đột biến này khó bị đào thải và có thể sống sót trong cơ thể con người lâu hơn.
Hiện tại, các nhà khoa học cần khai thác nhiều phản ứng tổng quát với virus SARS-CoV-2 hơn, hay còn gọi là kháng thể trung hòa rộng rãi. Các loại kháng thể này được phân lập từ bệnh nhân mắc Covid-19 và được phát hiện có thể vô hiệu hóa SARS-CoV, chủng virus gây ra bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng.
Nếu các kháng thể này có thể ngăn chặn một số biến thể SARS-CoV-2 khác nhau thì chúng cũng có thể chống lại các biến thể hiện tại và trong tương lai, những loại virus có nguy cơ gây ra đại dịch.
Thử thách tìm kiếm loại vaccine chống mọi biến thể SARS-CoV-2
Theo Financial Times, việc tìm ra một loại vaccine tạo ra các kháng thể đa năng là một thách thức lớn. Bước đầu tiên cần xác định những thành phần nào của virus không thay đổi khi đột biến và sau đó sản xuất vaccine dựa trên những thành phần ổn định.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham (Anh) đang áp dụng phương pháp trên. Trong khi các loại vaccine hiện tại nhắm mục tiêu vào protein S, các nhà khoa học đang hướng tới cả protein S và nucleocapsid hoặc protein N.
Các loại vaccine sau này giúp virus tái tạo và đột biến chậm hơn so với protein S. Các nhà khoa học đã hợp tác với Công ty Scancell và Đại học Nottingham Trent để thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với vaccine SN14.
Theo Deborah Dunn-Walters, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Surrey (Anh), những loại vaccine hiện tại cũng có thể giúp ích cho các nghiên cứu.
“Cuối cùng chúng ta sẽ có rất nhiều loại vaccine khác nhau và một số loại có thể ngăn chặn được các biến thể tốt hơn những loại khác”, bà Deborah Dunn-Walters nói.
Thêm vào đó, vaccine ngừa Covid-19 trong tương lai có thể chứa các thành phần nhắm vào một số biến thể, giống như vaccine ngừa cúm theo mùa hoặc 3-4 chủng virus được dự báo sẽ gây ra nhiều rủi ro về sức khỏe.
Sự thành công của việc tiêm phòng cúm phụ thuộc vào mức độ phù hợp của các dự đoán so với thực tế: Từ năm 2009-2019, hiệu quả của tiêm chủng dao động từ 20-60%.
Con số hiệu quả cao cùng với khả năng bệnh cúm có thể trở thành đại dịch đã thúc đẩy những nỗ lực phối hợp để phát triển một loại vaccine phổ biến ngừa dịch cúm, nhưng việc này đã không thành công. Năm 2020, các thử nghiệm lâm sàng đối với hai ứng viên vaccine ngừa cúm đã thất bại.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu vaccine vẫn sẽ tiếp tục. Cúm là một loại virus có nhiều biến thể hơn virus SARS-CoV-2. Sau năm 1918, đã có 3 đại dịch cúm vào các năm 1957, 1968 và 2009./.