Vai trò của Nga trong giải quyết xung đột ở Nagorno-Karabakh
VOV.VN - Nếu không có vai trò đặc biệt của Nga, việc tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh sẽ chậm trễ và kéo dài hơn rất nhiều.
Ngày 20/6 vừa qua tại St Petersburg đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh về Nagorno-Karabakh. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức các cuộc gặp song phương với những người đồng cấp đến từ Azerbaijan và Armenia. Tiếp đó, 3 nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận kín về triển vọng tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh.
Từ trái qua, Tổng thống Azerbaijan - Ilham Aliyev, Tổng thống Nga - Putin và Tổng thống Armenia - Serzh Sargsyan tại hội nghị 2 bên ở St Petersburg. Ảnh: Kremlin.ru |
Trong tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị, lãnh đạo 3 nước đã xác nhận việc tuân thủ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này; bày tỏ sự ủng hộ đối với một lệnh ngừng bắn; đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán 3 bên, bên cạnh công việc của nhóm hòa bình Misk thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).
Kết quả của hội nghị này cho thấy vai trò đặc biệt của Nga trong việc giải quyết xung đột giữa Armenia - Azerbaijan. Vai trò này của Nga không phải chỉ được thể hiện là một quốc gia đồng chủ tịch trong nhóm hòa bình Misk (cùng với Mỹ và Pháp), mà còn là đóng vai trò trung gian độc lập có khả năng tìm ra giải pháp hòa bình tại khu vực Nagorno-Karabakh.
Theo các chuyên gia, việc Nga tham gia một cách nhiệt tình vào việc giải quyết xung đột ở Nagorno-Karabakh là có cơ sở bởi cho đến nay việc giải quyết các vấn đề trong không gian hậu Xô Viết vẫn là mối quan tâm đặc biệt của Nga.
Cho đến nay, cả Azerbaijan và Armenia đều nhiều lần khẳng định mong muốn giải quyết hòa bình cuộc xung đột, những lại vẫn kiên quyết với lập trường của mình đối với vùng lãnh thổ tranh chấp này.
Về phần mình, Nga vẫn giữ cách tiếp cận cẩn thận và cân bằng giữa các bên trong cuộc xung đột bởi Yerevan hiện là đồng minh quân sự của Moscow và là một bên tham gia vào các dự án hội nhập Á- Âu của Nga, trong khi đó Baku là một đối tác kinh tế quan trọng của Moscow. Ngoài ra, Nga và Azerbaijan còn có chung biên giới trên bộ có vai trò quan trọng bảo đảm an ninh của cả hai nước.
Vai trò của Nga trong giải quyết xung đột ở Nagorno-Karabakh
Việc thời gian gần đây Nga tăng cường hành động nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh được lý giải bởi đây là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Moscow. Sự leo thang đối đầu ở khu vực này được xem là một nguy cơ đe dọa đến triển vọng hội nhập Á - Âu và sự an toàn của biên giới phía nam nước Nga.
Chính vì vậy, Nga sẽ chẳng có lý do gì để làm suy yếu những nỗ lực của nhóm hòa bình Minsk cũng như đối đầu với Mỹ và Pháp về cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh. Về phần mình, dù còn tồn tại những khác biệt về vấn đề Syria và Đông Ukraine, phương Tây cũng không phủ nhận vai trò của Điện Kremlin trong việc giải quyết cuộc xung đột này.
Các nhà ngoại giao của Mỹ và châu Âu cũng nhận thức rõ mối quan hệ cá nhân tốt của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Azerbaijan - Ilham Aliyev và Tổng thống Armenia - Serzh Sargsyan có thể là cơ hội và ảnh hưởng đối với hai bên tham gia vào cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh.
Cả Mỹ và EU cũng nhận thấy rằng, Moscow không cổ vũ cho "chủ nghĩa xét lại" tại Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, nguồn lực ngoại giao của chính họ không đủ cho một bước đột phá và tiềm ẩn những rủi ro. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà đại diện của Mỹ trong nhóm Minsk James Warlick đã lên tiếng ủng hộ các cuộc đàm phán tại St Petersburg khi nói rằng hội nghị về Nagorno-Karabakh tại St Petersburg là một bước tiến tích cực.
Tuy nhiên, bất chấp những biểu hiện hỗ trợ chính thức từ các nhà ngoại giao phương Tây, nhiều chính trị gia tại Mỹ và EU được cho là vẫn chưa sẵn sàng nhường lại vai trò lãnh đạo giải quyết cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh cho Nga. Rất có thể trong thời gian tới vẫn có những ý kiến nghi ngờ về tính hiệu quả của Kremlin tại các cuộc đàm phán và những cáo buộc "thiếu tiến bộ."
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, Nga sẽ không chỉ cần các động thái PR mà còn phải có các tiêu chí đặc biệt cho thấy tính hiệu quả của mình. Moscow cũng cần cho các bên xung đột thấy rằng nếu không có vai trò đặc biệt của Nga, việc tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh sẽ chậm chễ và kéo dài hơn rất nhiều./.
Xung đột Nagorno-Karabakh và nguy cơ đối với nước Nga