Vấn đề nan giải của Ukraine trước mối đe dọa mới từ UAV cảm tử Nga

VOV.VN - UAV Lancet đã chứng tỏ là vũ khí hiệu quả nhất của Nga để nhắm mục tiêu vào các loại pháo tiên tiến do phương Tây cung cấp cho Ukraine ở tiền tuyến. Nếu chúng được cải thiện phạm vi hoạt động để tiếp cận các căn cứ không quân ở xa hơn, đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với Kiev.

Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội hồi tháng 10 cho thấy máy bay chiến đấu của Ukraine đã bị UAV cảm tử của Nga tấn công khi đang đậu tại căn cứ.

Không giống như đoạn video về cuộc tấn công trước đó, hình ảnh lần này cho thấy rõ mục tiêu đã bị phá hủy. Đó là máy bay cường kích Su-25 Frogfoot của Lữ đoàn hàng không chiến thuật số 299 của Ukraine.

 

Cảnh quay từ camera hướng về phía trước cho thấy UAV cảm tử Lancet-3 lao về phía máy bay Ukraine đang đậu tại căn cứ không quân Dolgintsevo gần Kryvhi Rih. Ngoài ra còn có hình ảnh quay từ UAV thứ hai đang quan sát cuộc tấn công – có thể là Orlan-10 hoặc máy bay giám sát tương tự.

Cuộc tấn công mới nhất cho thấy thất bại của không quân Ukraine trong việc ứng phó sau cuộc tấn công ban đầu.

Đoạn video trước đó công bố vào ngày 19/9 cho thấy một cuộc tấn công khác của UAV Lancet cũng nhằm vào căn cứ không quân Dolgintsevo. Lancet lao xuống đất ngay cạnh buồng lái của một chiếc tiêm kích MiG-29 và gây ra thiệt hại đáng kể.

 

Bộ đôi Lancet và Orlan của Nga

UAV cảm tử Lancet-3 và UAV giám sát Orlan-10 của Nga thường hoạt động theo cặp trên tiền tuyến. Những chiếc Orlan-10 có thời gian hoạt động lâu hơn thường giúp xác định vị trí mục tiêu để UAV Lancet tầm ngắn tấn công. Orlan-10 sau đó lảng vảng xung quanh để quan sát cuộc tấn công và đánh giá thiệt hại của mục tiêu. Olran-10 cũng có thể đóng vai trò như bộ chuyển tiếp để mở rộng phạm vi điều khiển từ xa của UAV Lancet.

Những cuộc tấn công vào máy bay đang đậu tại căn cứ không hề phổ biến, bởi ngay cả những chiếc Lancet-3 của Dự án 51 cũng được cho là có tầm tấn công chỉ 40km, trong khi Dolgintsevo nằm cách lãnh thổ do Nga kiểm soát ở bên kia sông Dnipro khoảng 65-70km.

Có thể UAV Lancet Dự án 51 được sửa đổi đặc biệt hoặc mẫu UAV Lancet mới thuộc Dự án 53 đã được sử dụng trong các cuộc tấn công.

Một phóng viên của truyền thông nhà nước Nga từng đăng đoạn video tuyên bố rằng UAV Lancet mới đã đạt được tầm hoạt động 120km. Tuy nhiên, các nguồn tin khác nhận định tầm hoạt động mới của Lancet chỉ là 70km, vừa đủ để đến tiếp cận căn cứ không quân Ukraine.

Việc giảm trọng lượng của đầu đạn nặng 3kg trên UAV Lancet của Dự án 51 có thể giúp tăng tầm hoạt động nhưng đổi lại nó đòi hỏi phải tấn công chính xác hơn do phạm vi phát nổ sẽ nhỏ hơn.

Có khả năng Nga đã sử dụng các UAV khác ngoài Lancet hay không? UAV Shahed được cho là có thể dễ dàng tiếp cận căn cứ Dolgintsevo, nhưng chúng thường được nhắm mục tiêu trước theo tọa độ định vị vệ tinh cố định và không đủ chính xác để nhắm vào từng máy bay cụ thể. Bóng hình chữ X của chiếc UAV nhìn thấy trong cuộc tấn công cũng có thể gợi tới một số UAV dạng quadcopter (cụm 4 cánh) tầm xa mới, nhưng Lancet-3 cũng có hình dạng hình chữ X.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Nga có tiếp tục duy trì các cuộc tấn công bằng UAV Lancet tầm xa như vậy hay không, nhưng đây chắc chắn là tin xấu đối với không quân Ukraine và các đơn vị hỗ trợ hoạt động chuyên sâu khác như pháo binh, phòng không, bộ chỉ huy, hậu cần… vốn có nguy cơ bị Nga tấn công chính xác ở khoảng cách lên tới 80km, hoặc thậm chí 120km từ tiền tuyến.

Nguy cơ đối với phi đội máy bay chiến đấu

Chiếc Sukhoi Su-25 Frogfoot bị phá hủy là máy bay cường kích do Liên Xô chế tạo, được trang bị một khẩu pháo cỡ nòng 30 mm nhằm yểm trợ bộ binh ở tiền tuyến. Mặc dù về mặt khái niệm tương tự như cường kích A-10 Thunderbolt của Không quân Mỹ, nhưng Frogfoot nhẹ hơn và nhanh hơn. Vũ khí của Su-25 thường là bom và tên lửa không điều khiển, thay vì tên lửa chống tăng có điều khiển Hellfire như A-10.

Trước khi xung đột với Nga bùng phát, Lữ đoàn chiến thuật số 299 có 19 máy bay Su-25 một chỗ ngồi và 5 chiếc Su-25UBM hai chỗ ngồi dùng để huấn luyện, cùng khoảng 15 chiếc Su-25 khác trong kho.

Hầu hết những chiếc Su-25 đang vận hành đều đã được hiện đại hóa theo tiêu chuẩn kéo dài tuổi thọ M1 (định vị vệ tinh mới, hệ thống nhắm mục tiêu kỹ thuật số, radio và hộp đen được hiện đại hóa). Một số chiếc đã được hiện đại hóa lên mẫu M1K cải tiến sâu, trang bị thêm bộ nhả mồi bẫy nhiệt KUV 26-50-01 để đánh lạc hướng tên lửa tầm nhiệt của đối phương.

Hỗ trợ không lực tầm gần là một nhiệm vụ nguy hiểm. Kể từ khi xung đột xảy ra, Lữ đoàn 299 của Ukraine đã nhận tổn thất 2/3 phi đội (16 máy bay) trước các máy bay chiến đấu và lực lượng phòng không của Nga. Tuy nhiên, Lữ đoàn này đã nhanh chóng phục hồi số lượng máy bay với 14 chiếc Su-25 do Bulgaria tặng và 4 chiếc nữa từ Bắc Macedonia. Cũng có khả năng Ukraine đã tìm cách khôi phục một số máy bay Su-25 trong kho để đưa trở lại hoạt động.

Hiện nay, các máy bay Su-25 của Lữ đoàn 299 chủ yếu được sử dụng để thực hiện các cuộc bắn phá vào các vị trí và nơi tập trung quân của Nga. Chúng bay ở độ cao cực thấp để tránh radar, sau đó đột ngột hướng mũi lên trên để phóng tên lửa không điều khiển theo hình vòng cung cách mục tiêu vài km (thay vì ở chế độ bắn bắn thẳng theo thiết kế). Điều này làm giảm khả năng bị hệ thống phòng không tầm ngắn của đối phương phát hiện.

Cả Su-25 và MiG-29 đều được thiết kế để vận hành trên các đường băng gồ ghề ở tiền tuyến. Điều này cho phép chúng được triển khai nhanh chóng đến khu vực chiến đấu trong khi mang theo nhiều vũ khí hơn, đồng thời mất ít thời gian hơn trên không và tránh bị radar tầm xa của Nga phát hiện, đặc biệt là radar trên các máy bay Su-35S, MiG-31BM và máy bay cảnh báo sớm trên không A-50 của Nga.

Nhưng vì hiện tại chúng có thể nằm trong phạm vi tấn công chính xác của UAV Lancet, không quân Ukraine sẽ phải cân bằng yếu tố hiệu quả hoạt động này với nguy cơ mất máy bay trên mặt đất ngày càng cao.

Vấn đề nan giải của Ukraine trong phòng thủ UAV

UAV Lancet đã chứng tỏ là vũ khí hiệu quả nhất của Nga để nhắm mục tiêu vào các loại pháo tiên tiến do phương Tây cung cấp cho Ukraine, vì chúng có thể được điều khiển từ xa cho các nhiệm vụ ngắn và tấn công tương đối chính xác. Nếu chúng đã có thể bay đủ xa để tấn công căn cứ triển khai máy bay chiến đấu của Ukraine, đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với Kiev.

Trước 2 cuộc tấn công gần đây, mới chỉ có 4 máy bay của Ukraine được xác nhận bị phá hủy khi đang đậu tại căn cứ (2 chiếc MiG-29, một máy bay chiến đấu Su-27 và một máy bay ném bom Su-24) trong các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga trong 18 tháng đầu của cuộc xung đột.

Những chiếc MiG-29 và Su-25 vẫn có đủ nhiên liệu để tiếp cận các khu vực chiến đấu nếu được triển khai lùi về sau 160 km để tránh các cuộc tấn công của UAV Lancet. Nhưng làm như vậy sẽ đòi hỏi giảm tải trọng chiến đấu, trong khi có nguy cơ bị phát hiện sớm hơn bởi các máy bay tuần tra của Nga khi di chuyển đến khu vực chiến đấu. Việc tập trung nhiều máy bay ở các căn cứ tầm trung cũng đem lại một số rủi ro và Ukraine có thể tổn thất nhiều máy hơn trong các cuộc tấn công tiềm tàng của Nga.

Thay vào đó, Ukraine có thể cải thiện hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung xung quanh các căn cứ không quân ở tiền tuyến để phát hiện và tiêu diệt UAV cỡ nhỏ một cách đáng tin cậy hơn. Ukraine cần những hệ thống phòng thủ có giá trị như vậy trên khắp đất nước, chúng có thể được sử dụng để bảo vệ cả dân thường và quân đội ngoài tiền tuyến, vì vậy sẽ có những sự đánh đổi không thể tránh khỏi. Ngoài ra, việc phòng thủ chống lại các mục tiêu nhỏ như UAV chưa bao giờ nhiệm vụ dễ dàng vì chúng rất khó bị phát hiện.

Ukraine cũng có thể ngụy trang cho các máy bay đang đậu tại căn cứ, giấu trong nhà chứa máy bay hoặc họ có thể triển khai mồi nhử để ngăn chặn các cuộc tấn công bổ sung của Nga. Ngay cả những chiếc “ô” hoặc lưới trên cao cũng có thể che khuất vị trí chính xác của máy bay và kích hoạt sớm ngòi nổ trên các UAV cảm tử.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

UAV “Cá mập” tự chế của Ukraine lợi hại cỡ nào?
UAV “Cá mập” tự chế của Ukraine lợi hại cỡ nào?

VOV.VN - Các binh sỹ Ukraine cho biết, UAV Shark (Cá mập) hoạt động rất hiệu quả và đáng tin cậy trong khi việc sử dụng rất đơn giản.

UAV “Cá mập” tự chế của Ukraine lợi hại cỡ nào?

UAV “Cá mập” tự chế của Ukraine lợi hại cỡ nào?

VOV.VN - Các binh sỹ Ukraine cho biết, UAV Shark (Cá mập) hoạt động rất hiệu quả và đáng tin cậy trong khi việc sử dụng rất đơn giản.

Lý do FrankenSAM không thể vá lỗ hổng phòng không nguy hiểm của Ukraine
Lý do FrankenSAM không thể vá lỗ hổng phòng không nguy hiểm của Ukraine

VOV.VN - Hệ thống phòng không lai ghép giữa Liên Xô và Mỹ FrankenSAM được kỳ vọng là “vũ khí thay đổi cuộc chơi”, nhưng một số chuyên gia quân sự cho rằng, nó không thể lấp đầy lỗ hổng phòng không nguy hiểm của Ukraine.

Lý do FrankenSAM không thể vá lỗ hổng phòng không nguy hiểm của Ukraine

Lý do FrankenSAM không thể vá lỗ hổng phòng không nguy hiểm của Ukraine

VOV.VN - Hệ thống phòng không lai ghép giữa Liên Xô và Mỹ FrankenSAM được kỳ vọng là “vũ khí thay đổi cuộc chơi”, nhưng một số chuyên gia quân sự cho rằng, nó không thể lấp đầy lỗ hổng phòng không nguy hiểm của Ukraine.

Vì sao UAV “cứu tinh” của Ukraine đang biến mất khỏi chiến trường?
Vì sao UAV “cứu tinh” của Ukraine đang biến mất khỏi chiến trường?

VOV.VN - Máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, được cho là từng giúp Ukraine đạt được thành quả quân sự trong giai đoạn đầu xung đột, hiện chỉ được sử dụng hạn chế giữa bối cảnh các lực lượng của Nga tăng cường phòng không, một quan chức quân sự Ukraine cho hay.

Vì sao UAV “cứu tinh” của Ukraine đang biến mất khỏi chiến trường?

Vì sao UAV “cứu tinh” của Ukraine đang biến mất khỏi chiến trường?

VOV.VN - Máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, được cho là từng giúp Ukraine đạt được thành quả quân sự trong giai đoạn đầu xung đột, hiện chỉ được sử dụng hạn chế giữa bối cảnh các lực lượng của Nga tăng cường phòng không, một quan chức quân sự Ukraine cho hay.