Vì sao đất hiếm trở thành vấn đề “nóng”?
Gần đây hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc giảm tới 72% đã gây lo ngại đối với thị trường và cả chính trường
Ngày 13/3, các nước Nhật Bản, Mỹ và EU đã kiện Trung Quốc lên WTO vì hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Bất chấp phán quyết của WTO hồi đầu năm đối với vụ tranh cãi đầu tiên về nguyên liệu thô, Trung Quốc vẫn không tìm cách dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu liên quan. Vì thế, đất hiếm có thể trở thành vấn đề “nóng” được dư luận thế giới quan tâm.
Trung Quốc có thể thống trị đất hiếm
Đất hiếm được xếp vào nhóm 17 thành phần hóa học rất quý gồm có scandium, Yttrium và lanthanide là thành phần cốt lõi trong công nghiệp sản xuất các sản phẩm sạch như: xe ôtô tiêu thụ khí hydro, turbin gió, điện thoại di động, máy vi tính, tên lửa hành trình và bom thông minh...
Một mỏ đất hiếm của Trung Quốc (Ảnh: Internet) |
Đất hiếm là chất không thể thiếu được đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao và các công nghệ mới. Trung Quốc là nước sản xuất 97% các thành phần đất hiếm, nhưng gần đây quota xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm tới 72% đã gây lo ngại đối với thị trường và cả chính trường. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng Trung Quốc có thể là nước thống trị đất hiếm trong tương lai gần.
Những năm 1980, Trung Quốc bắt đầu ào ạt tung ra thị trường khối lượng sản phẩm đất hiếm, khiến giá sản phẩm đất hiếm giảm mạnh, nhiều dự án khai thác mới bị hủy bỏ ở bên ngoài Trung Quốc. Do phải cạnh tranh gay gắt, Trung Quốc ngay lập tức tính tới việc kiểm soát toàn bộ hoạt động sản xuất đất hiếm bằng cách thu hút các ngành công nghiệp có sử dụng đất hiếm với các điều kiện ưu đãi.
Kết quả là Trung Quốc không chỉ kiểm soát việc khai thác và tinh chế đất hiếm, mà còn dẫn đầu trong việc luyện kim loại đất hiếm thành hợp kim và thậm chí còn sản xuất các linh kiện và bộ phận cảm ứng từ chiếm 80% tổng sản phẩm của thế giới.
Trung Quốc chủ trương: “Cải thiện sự phát triển và các ứng dụng của đất hiếm, biến ưu điểm của nguồn tài nguyên này thành lợi ích kinh tế”. Sau khi có sự kiểm soát đất hiếm đối với tất cả thành phần liên quan đến công nghiệp đất hiếm, Trung Quốc liền giảm xuất khẩu với 2 lý do: Nước này muốn tăng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và turbin gió; tạo thành một “OPEC đất hiếm của riêng mình”.
Cuộc “chiến” đất hiếm đã bắt đầu
Theo thống kê, trong khi nguồn cung đất hiếm hiện ở mức 134.000 tấn/năm thì khả năng sản xuất chỉ đạt 124.000 tấn từ các mỏ lộ thiên. Báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết: Nhu cầu mua các thành phần của đất hiếm trên thế giới có thể tăng lên mức 180.000 tấn/năm vào cuối năm 2012 và lên tới 200.000 tấn/năm vào 2014. Trong khi đó, sản lượng của Trung Quốc chỉ có thể đạt 160.000 tấn/năm. Điều này có thể dẫn tới mức thiếu hụt khoảng 40.000 tấn vào năm 2014.
Cuộc “chiến” về đất hiếm đã thực sự diễn ra khi Mỹ, EU và Nhật gửi đơn khiếu nại lên WTO ngày 13/3 vừa qua, điều này khiến các công ty nước ngoài phải mua đất hiếm với giá quá cao dẫn đến hậu quả là các sản phẩm công nghệ cao mất lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm của các công ty Trung Quốc trên thị trường quốc tế.
Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Obama khẳng định đây là một hình thức cạnh tranh không công bằng và nhấn mạnh Trung Quốc cần phải tuân thủ đúng Luật Thương mại quốc tế. Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht cũng nhận xét, chính sách của Trung Quốc đã làm tổn thương các ngành công nghệ cao của châu Âu.
Giới chuyên gia thương mại phương Tây thì cho rằng Trung Quốc đang sử dụng đất hiếm như là một vũ khí kinh tế - chính trị khiến cả Mỹ, Nhật và EU phải quan ngại.
Trung Quốc lại hoàn toàn bác bỏ các cáo buộc và tuyên bố mạnh mẽ: “Những cáo buộc nhắm vào các chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc là vô lý. Nhu cầu thế giới chỉ bằng 50% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc năm 2011”. Trung Quốc cũng khẳng định đã tuân thủ đúng luật WTO và biện minh rằng chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm là nhằm bảo vệ môi trường, lý do là các mỏ khai thác và tinh lọc đất hiếm tiêu tốn nhiều axit và thải ra môi trường phóng xạ có nồng độ thấp.
Theo thông lệ quốc tế, Trung Quốc có 10 ngày để phản ứng với WTO về cáo buộc trên và có 60 ngày để thương thuyết với Mỹ, EU và Nhật. Nếu đàm phán không thành, Mỹ sẽ yêu cầu WTO thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp để phân xử. Khi ấy sự việc được nâng lên thành một vụ kiện, có thể kéo dài hai năm nếu Bắc Kinh kháng án.
Liệu có thoát khỏi sự phụ thuộc?
Theo hãng tin Kyodo, tại hội nghị Tokyo bàn về việc tái chế các nguyên liệu đất hiếm và phát triển các nguồn thay thế, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano đã nhấn mạnh thông qua hợp tác công nghệ, Nhật Bản, Mỹ và EU có thể “xây dựng một dây chuyền cung cấp mà không phải dựa hoàn toàn vào tài nguyên của một quốc gia cụ thể nào”
Hiện công ty khai thác khoáng chất Molycoro, đã khôi phục hoạt động tại mỏ Mountain Pass ở California, dự tính sản xuất khoảng 20.000 tấn oxide đất hiếm (REO) vào cuối năm 2012, trong khi các dự án ở Australia, Canada có thể bắt đầu hoạt động trước năm 2014. Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghiêp cần có thời gian khoản hơn 10 năm nữa để đạt được mục tiêu đối phó với Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, các sản phẩm điện tử hiện nay ở các bãi thải tại Nhật Bản có thể chứa tới 300.000 tấn đất hiếm, tương đương với lượng xuất khẩu đất hiếm của nước này trong vòng 10 năm. EU cũng cần đi đầu trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng và nguồn tài nguyên, tái chế và giải pháp thay thế. Đây là những yếu tố quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh cho ngành công nghiệp EU trong tương lai.
Sau khi Trung Quốc công bố cắt giảm xuất khẩu đất hiếm, các nước Phương Tây đã phải nhóm họp khẩn cấp tại Đức để tìm ra giải pháp cho vấn đề này vì nhu cầu đất hiếm ngày càng tăng do đất hiếm đóng vai trò sống còn đối với các ngành công nghệ cao.
Theo đó, phương Tây một mặt khôi phục lại các mỏ sản xuất của mình, đồng thời tìm các nước cung cấp đất hiếm khác, trong đó có Việt Nam. Do đó, đây cũng là một cơ hội để Việt Nam tiến hành khai thác đất hiếm xuất khẩu.
Tuy nhiên, đây là bài toán khó, ngoài việc đánh giá trữ lượng và số lượng các chất có trong hàm lượng đất hiếm, Việt Nam cần cân nhắc kỹ hơn công nghệ khai thác nhằm tránh rủi ro do bùn phóng xạ gây ra trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, để gia tăng giá trị đối với sản phẩm đất hiếm, chúng ta cần đầu tư công nghệ sản xuất đất hiếm tinh chế, hạn chế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô./.