Vì sao dự án Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Đức và Nga gây tranh cãi?
VOV.VN - Việc tập đoàn Gazprom của Nga thông báo sẽ nối lại Dòng chảy phương Bắc 2 có thể sẽ “châm ngòi” cho những tranh cãi không hồi kết giữa Mỹ và châu Âu về dự án đường ống dẫn khí này.
Trong một diễn biến có thể châm ngòi căng thẳng giữa Mỹ và Đức, tập đoàn Nga phụ trách xây dựng dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 cho biết họ sẽ nối lại việc thi công dự án gây tranh cãi này.
Hôm 6/2, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo công ty này sẽ nối lại việc lắp đặt các đường ống ở vùng biển của Đan Mạch, bất chấp các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.
"Tất cả việc thi công đều được thực hiện dựa trên sự cho phép của các bên liên quan. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin về tiến độ thi công công trình và các kế hoạch trong thời gian tới", tập đoàn Gazprom thông tin về Dòng chảy phương Bắc 2, dự án sẽ tăng gấp đôi sản lượng khí tự nhiên được xuất khẩu từ Nga sang Đức qua Biển Baltic.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2
Năm 2015, tập đoàn Gazprom và 5 công ty năng lượng khác của châu Âu quyết định sẽ xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 với giá trị khoảng 11 tỷ USD. Đường ống dài 1.200 km sẽ vận hành từ Ust-Luga ở Nga tới Greifswald ở Đức này sẽ cung cấp khoảng 110 tỷ mét khối khí đốt tới Đức mỗi năm. Việc xây dựng đoạn đường ống còn lại bao gồm 120km đi qua vùng biển của Đan Mạch và 30km đi qua vùng biển của Đức.
Tại sao đường ống này gây tranh cãi?
Kể từ khi lần đầu tiên được lên kế hoạch, Dòng chảy phương Bắc 2 đã vấp phải chỉ trích từ phía Mỹ, khi mà cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều tin rằng dự án này sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga về khí tự nhiên, và vì vậy sẽ thúc đẩy ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hiện nay, các nước châu Âu phụ thuộc vào Nga khoảng 40% nhu cầu khí tự nhiên.
Tổng thống Joe Biden đã gọi đường ống dẫn khí trên là "một thỏa thuận tồi tệ cho châu Âu" và chính quyền của ông dự kiến sẽ áp thêm các lệnh trừng phạt lên những công ty thi công dự án này.
Dự án trên cũng khiến Ukraine không hài lòng sau khi mối quan hệ của nước này với Nga đã lao dốc nghiêm trọng sau việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Hiện có một đường ống dẫn khí trên đất liền từ Nga tới châu Âu chạy qua Ukraine nhưng khi Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành, Nga có thể bỏ qua đường ống ở Ukraine và không phải trả cho nước này khoản phí trung chuyển đắt đỏ.
Pháp và một số quốc gia khác ở Đông Âu cũng thể hiện sự phản đối với dự án này.
Tuy nhiên, Đức vẫn giữ vững lập trường về Dòng chảy phương Bắc 2, bất chấp sự phản đối từ các đồng minh. Thủ tướng Angela Merkel đã khẳng định đây là một dự án thương mại, đồng thời tuyên bố vụ bắt giữ nhân vật đối lập Nga Navalny không ảnh hưởng đến dự án này.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng ủng hộ lập trường của Đức và miêu tả Dòng chảy phương Bắc 2 là một "dự án của châu Âu".
"Bất kỳ ai tin rằng đường ống dẫn khí mới này chỉ phục vụ lợi ích của Nga đều đã sai lầm", ông Kurz nhận định.
Một số luồng chỉ trích nhằm vào Mỹ thì cho rằng Washington đang buộc châu Âu phải mua khí tự nhiên hóa lỏng được chở bằng tàu của nước này.
Tránh sự phẫn nộ của Mỹ
Tháng 12/2019, việc thi công dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 bị trì hoãn do đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ. Tháng 1/2021, Mỹ đã lần đầu tiên thực hiện lời đe dọa này khi áp các lệnh trừng phạt lên một tàu Nga có liên quan đến việc lắp đặt các đường ống của dự án. Mặc dù việc thi công đường ống dẫn khí trên đã được nối lại nhưng các chuyên gia tin rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể lại chấm dứt việc này.
Theo The Economist, một cách có thể cứu vãn dự án này và xoa dịu sự phẫn nộ của Washington là tự động áp lệnh trừng phạt lên Nga nếu nước này dừng sử dụng đường ống trên đất liền đi qua Ukraine và không trả các khoản phí trung chuyển./.