Vì sao Đức lại chấp nhận “mở cửa” cho người tị nạn?
VOV.VN - Nước Đức đang đi đầu trong việc giải quyết khủng hoảng nhập cư ở châu Âu, bằng việc mở cửa cho người tị nạn Syria. Vì sao vậy?
Hành động nhân đạo
Nước Đức đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu nới lỏng quy định về quy chế tị nạn cho những người Syria muốn nhập cư vào châu Âu.
Xin nhắc lại rằng, Đức và Thụy Điển đang là 2 quốc gia có số người xin tị nạn đông nhất châu Âu và dự kiến trong năm 2015, nước Đức sẽ phải xử lý 800.000 đơn xin tị nạn, tức cao gấp 4 lần năm 2014. Tuy nhiên, trong số những người này, cần phân biệt giữa tị nạn chính trị và tị nạn kinh tế.
Châu Âu đang mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng nhập cư. (ảnh: Reuters) |
Số người đổ về Đức xin tị nạn đến từ rất nhiều nước, không chỉ là Syria mà còn có cả nước ở Balkan, Nam Tư cũ hay Albania… Số này được coi là tị nạn kinh tế, trong khi những người đến từ Syria được xem là tị nạn chính trị bởi họ phải bỏ đất nước ra đi do cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria. Vì thế, việc Đức không trả người tị nạn Syria về nước nhập cảnh đầu tiên, thường là Italy hoặc Hy Lạp, là một việc làm nhân đạo.
Đi đầu làm gương
Nguyên nhân thứ hai khiến Đức ra quyết định này đó là Đức, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất và là thành viên lãnh đạo của Liên minh châu Âu, muốn làm gương để ép các nước châu Âu khác hành động. Điều này xuất phát từ Hiệp ước Dublin của châu Âu, theo đó quy định các quốc gia có quyền trả người tị nạn về nước đặt chân đến đầu tiên. Rất nhiều thành viên EU đã viện dẫn Hiệp ước này để từ chối xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư nên Đức, với vai trò đầu tàu của mình, đã hành động để gây áp lực cho các thành viên khác.
Đây đang là thời điểm cần những biện pháp cấp bách bởi lẽ lượng người nhập cư đổ về châu Âu trong 8 tháng năm 2015 đã cao hơn cả năm 2014, riêng tháng 7 có đến hơn 100.000 người. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất với nước Đức và châu Âu là phải sớm có các hành động cụ thể và xa hơn là đề ra được những chính sách chung, tránh được một cuộc khủng hoảng nhân đạo trước mắt và một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội về lâu dài.
Giải bài toán thiếu lao động tại Đức
Cần phải nhắc lại rằng, Đức là nước đang rất cần lao động nhập cư bởi dân số Đức đang bị già hóa rất nhanh và dự kiến chỉ trong 5 năm nữa, Đức sẽ cần đến 5 triệu lao động nhập cư trong rất nhiều ngành nghề. Bởi vậy, xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay ra sao là vấn đề vô cùng quan trọng với nước Đức và châu Âu nói chung, thậm chí với Đức thì còn được coi là “vấn đề lớn nhất kể từ ngày nước Đức thống nhất”.
Phân bổ quota- Giải pháp có cũng như không tại châu Âu
Châu Âu đang hoàn toàn thiếu vắng những chính sách chung, chặt chẽ và công bằng trong việc xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư. Nói cách khác là mỗi nước đang hành động theo cách của mình và đa số là đùn đẩy trách nhiệm, từ chối gánh vác. Việc này xuất phát từ sự thiếu quyết tâm của cả Liên minh.
Hồi tháng 4 năm nay, sau vụ chìm tàu khiến nhiều người thiệt mạng ở biển Địa Trung Hải, EU đã nhóm họp Thượng đỉnh khẩn cấp để tìm ra giải pháp.
Một trong những giải pháp được bàn đến nhiều nhất là phân bổ quota tiếp nhận người tị nạn, tức là mỗi thành viên EU sẽ phải có trách nhiệm tiếp nhận một lượng người tị nạn nhất định mỗi năm, tùy theo năng lực kinh tế, dân số và diện tích của nước đó. Đây được xem là nỗ lực nhằm chia sẻ gánh nặng với các thành viên ở tuyến đầu đã quá sức chịu đựng như Italy hay Hy Lạp, những nước Nam Âu nằm ven Địa Trung Hải, nơi mà các con thuyền chở người nhập cư cập bến đầu tiên.
Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, tất cả những bàn thảo này vẫn chỉ nằm trên giấy, rất nhiều thành viên EU phản đối quy chế quota và tìm cách thoái thác trách nhiệm. Những vụ việc gần đây cho thấy điều đó, chẳng hạn như Slovakia tuyên bố chỉ tiếp nhận người nhập cư là dân Công giáo. Đây được xem là một sự kỳ thị.
Không thể đổ lỗi mọi vấn đề là do người nhập cư
Nhập cư luôn là vấn đề của châu Âu từ nhiều năm nay, nhưng không thể đổ lỗi hết cho nhập cư về các vấn đề xã hội trong nội tại mỗi quốc gia. Sự nổi lên của các đảng phái cánh hữu, phát xít… không phải do nhập cư gây ra mà chính xác hơn là các đảng phái này lợi dụng vấn đề nhập cư để gây tiếng vang.
Xin lấy ví dụ ngay chính nước Đức. Trong những ngày qua, sự kỳ thị đang lên rất cao trong xã hội Đức, các đảng cực hữu và phát xít đã huy động rất nhiều người xuống đường biểu tình phản đối việc chính phủ Đức mở các trung tâm tiếp nhận người tị nạn.
Sự phản đối này còn biến thành bạo lực. Cuối tuần trước, một trung tâm ở Nauen, gần Berlin, dự định sẽ mở ra trong những ngày tới cho người tị nạn, đã bị đốt. Bạo động còn xảy ra ở Heidenau, thuộc bang Saxe.
Tâm lý kỳ thị người nhập cư, người tị nạn đang đầu độc xã hội Đức, buộc Thủ tướng Angela Merkel phải lên tiếng tuyên bố “sẽ không khoan dung” với các hành động kỳ thị.
Với châu Âu, nếu các nước vẫn mạnh ai nấy làm, không chịu chia sẻ trách nhiệm và sớm tìm ra các chính sách chung thì cuộc khủng hoảng này sẽ còn nghiêm trọng hơn./.