Vì sao FBI mở lại điều tra bê bối email cá nhân của bà Clinton?
VOV.VN - Việc FBI tuyên bố mở lại điều tra bê bối sử dụng email cá nhân vào việc công của bà Clinton đã làm dấy lên nhiều hoài nghi về mục đích của việc này.
Theo AP, trong bức thư gửi Quốc hội Mỹ ngày 28/10, Giám đốc FBI James Comey nhấn mạnh, FBI đã phát hiện ra thêm nhiều email khác có liên quan đến bà Clinton trong quá trình điều tra một vụ việc không liên quan đến bà và sẽ xem xét liệu số email này có được đánh dấu mật hay không.
Bê bối sử dụng email cá nhân vào việc công đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Clinton. Ảnh: Reuters
Thông tin mà ông Comey công bố khiến ông nhận được cả những lời chỉ trích cũng như ngợi khen về quyết định của mình. Hãng thông tấn hàng đầu của Mỹ AP đã đặt ra một số câu hỏi liên quan đến quyết định của ông Comey:
Những bức email đó đến từ đâu?
Những bức email này được phát hiện trong cuộc điều tra về tin nhắn có nội dung liên quan đến tình dục giữa cựu Hạ Nghị sĩ Đảng Dân chủ Anthony Weiner và một cô bé 15 tuổi. Ông Weiner là chồng cũ của bà Huma Abedin- một trong những trợ lý thân cận nhất của bà Clinton.
Tại sao những bức email này lại được công bố rất sát ngày bầu cử?
Câu trả lời hiển nhiên là bởi những bức email này vừa mới được phát hiện gần đây. Trong thư gửi Quốc hội Mỹ, ông Comey cho biết, ông mới chỉ được các nhân viên điều tra tiết lộ việc này vào ngày 27/10.
Việc công bố số email này khiến ông Comey bị Đảng Dân chủ chỉ trích dữ dội và ông bị cáo buộc cố tình “dội bom” vào bà Clinton ngay sát thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra.
Tuy nhiên, ông Comey cũng có cái khó của mình bởi nếu công bố vụ việc sau ngày bầu cử Tổng thống, nhiều khả năng tên ông sẽ được “nhắc đến trên báo chí” nhiều nhất vào thời điểm đó.
Bản thân ông Comey cũng thừa nhận không dễ để ông đưa ra quyết định này. Trong một bức thư nội bộ gửi cho các nhân viên FBI, ông Comey cho biết, ông muốn tạo ra sự cân bằng giữa việc Quốc hội và công luận Mỹ được biết thông tin này và việc tránh tạo ra ấn tượng sai lầm về nội dung những bức email nói trên.
“Việc công bố thông tin về những email nói trên giữa mùa bầu cử sẽ gây ra nguy cơ rất lớn về việc quyết định này có thể gây hiểu nhầm”, ông Comey thừa nhận.
Các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cũng bày tỏ lo ngại với FBI sau khi nghe họ đệ trình kế hoạch công bố số email nói trên lên Quốc hội Mỹ. Giới chức Bộ Tư pháp Mỹ lo ngại rằng, việc công bố số email nói trên có thể là không phù hợp với chính sách của Bộ này về việc tránh tạo ra những đồn đoán về việc một ứng viên Tổng thống có thể bị điều tra- điều dễ dẫn đến cáo buộc họ can thiệp vào kết quả bầu cử.
Tranh luận lần ba: Trump xoáy sâu vào thất bại quá khứ của Clinton
Việc công bố số email đó có phù hợp với chuẩn mực của FBI không?
Câu trả lời là không. Tuy nhiên, bản thân việc điều tra bê bối email cá nhân của bà Clinton cũng không được coi là phù hợp với chuẩn mực của FBI.
Hiểu rõ sự nhạy cảm của việc một ứng viên Tổng thống có thể bị điều tra trong thời điểm diễn ra cuộc bầu cử quan trọng nhất của nước Mỹ, hồi tháng 7, ông Comey đã cam kết sẽ thực hiện việc điều tra một cách cực kỳ minh bạch.
“Tôi sẽ cung cấp thêm nhiều chi tiết trong quá trình điều tra hơn thông lệ bởi tôi nghĩ rằng người dân Mỹ đáng được biết rõ chi tiết vụ việc có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của họ”, ông Comey tuyên bố trong cuộc họp báo bất thường tại thời điểm đó trước khi khẳng định FBI sẽ không mở cuộc điều tra liên quan đến bê bối của bà Clinton.
Kể từ đó, FBI liên tục công bố các tài liệu điều tra, các bản tóm tắt những gì các nhân chứng được hỏi đã nói. Những thông tin này thông thường không được công bố ra ngoài.
Ông Comey, một người thuộc Đảng Cộng hòa làm việc dưới thời các Tổng thống thuộc cả 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã nhiều lần nhắc đến việc FBI phải thực sự đáng tin cậy trong mắt người dân Mỹ.
Bức thư mà ông gửi cho Quốc hội Mỹ hôm 28/10 hoàn toàn theo đúng tuyên bố mà ông từng đưa ra trước Quốc hội hồi tháng 9 rằng, dù FBI đã kết thúc quá trình điều tra nhằm vào bà Clinton “chúng tôi vẫn sẽ xem xét bất kỳ thông tin mới nào liên quan đến vụ việc này”.
Tại sao nhiều báo Mỹ khẳng định Trump thắng Clinton trong tranh luận?
Tại sao nội dung những email mới này quá mơ hồ?
Điều này là bởi, FBI muốn tránh việc người dân Mỹ bàn tán quá nhiều đến khả năng bà Clinton có thể bị điều tra hình sự chứ chưa nói đến khả năng cuộc điều tra này có được mở hay không.
Ngoài ra, điều này cũng cho thấy, bản thân FBI cũng không rõ mình đang nắm những thông tin gì. Ông Comey cũng cho biết, FBI chưa thể xác minh được những email đó quan trọng đến đâu cũng như quá trình điều tra những email đó sẽ kéo dài bao lâu.
Liệu có khả năng có ai đó bị kết tội?
Trước hết, FBI sẽ xem xét những email này xem có phải đó là những email được đánh dấu mật và được xử lý sai quy trình hay không. Hiện vẫn chưa thể nói chính xác rằng, nhiều khả năng có ai đó bị kết tội hay không.
Tuy nhiên, nếu xét những tuyên bố hồi tháng 7 của FBI rằng, số email trong máy chủ của bà Clinton có chứa thông tin mật vào thời điểm chúng được gửi đi, có thể thấy, nếu số email mới này cũng được đánh dấu mật thì chúng cũng sẽ được xử lý như hồi tháng 7 và sẽ không ai vướng vào vòng pháp lý cả.
Ngoài ra, chính ông Comey hồi tháng 7 cũng từng tuyên bố rằng, FBI không phát hiện bằng chứng cho thấy có người cố ý xử lý thông tin mật sai quy trình hoặc tìm cách tiết lộ bí mật quốc gia. Đó cũng chính là những yếu tố mà theo ông Comey có thể quyết định đến việc ai đó có bị xử lý hình sự hay không. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bức email nào cho thấy khả năng này có thể xảy ra./.