Vì sao "lon nước ngọt" của IS có thể làm nổ tung máy bay Nga?
VOV.VN- Dù chỉ nhồi được ít chất nổ vào trong lon nước ngọt Schweppes, song nếu IS biết đặt đúng chỗ nó hoàn toàn có thể “thổi tung” máy bay Nga.
Theo Reuters, nhận định trên được các chuyên gia đưa ra ngày 18/11 sau khi phiên bản điện tử tạp chí viết bằng tiếng Anh Dabiq của IS công bố hình ảnh kèm thông tin rằng, chỉ với một lon nước ngọt Schweppes Gold được nhồi thuốc nổ, chúng đã cho nổ tung chiếc máy bay chở khách của Nga đang bay qua khu vực bán đảo Sinai hồi cuối tháng 10 khiến toàn bộ 224 hành khách thiệt mạng.
Đơn giản nhưng cực kỳ đáng sợ
Bức hình do IS công bố bao gồm một lon nước ngọt Schweppes Gold, một thiết bị kích nổ và một công tắc đặt trên một miếng vải màu xanh.
Các vật liệu mà IS tuyên bố dùng để chế tạo quả bom cài trên máy bay Nga. Ảnh Reuters |
Theo các chuyên gia, nếu những gì mà IS tuyên bố là đúng, những thứ tưởng chừng rất đơn giản này có thể khiến các quan chức an ninh hàng không toàn cầu phải “toát mồ hôi hột”.
Trên tạp chí Dabiq, IS tuyên bố: “Lũ Thập tự chinh của phương Đông [Nga] và phương Tây đều nghĩ rằng chúng có thể an toàn trên những chiếc máy bay chiến đấu của chúng và dội bom một cách hèn hạ vào những công dân của Nhà nước Hồi giáo [ám chỉ vùng đất do IS chiếm đóng ở Syria và Iraq]. Chúng tao trả thù bằng cách tấn công vào chính những kẻ cảm thấy an toàn khi ngồi trên khoang lái”.
Chuyện khủng khiếp nào sẽ xảy ra nếu máy bay Nga thực sự rơi do bom?
Trước đó, Nga và phương Tây đều cho rằng, chiếc máy bay Airbus A321 của Nga đã bị gài bom. Mặc dù vậy Chính phủ Ai Cập vẫn tuyên bố họ cần phải tìm thêm chứng cứ cho nhận định trên.
Các chuyên gia chất nổ khẳng định, một lon nước ngọt nhỏ như IS công bố hoàn toàn có thể làm nổ tung một chiếc máy bay. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào việc lon nước ngọt này được nhồi chất nổ và được đặt ở đâu trên máy bay. Theo đó, có 3 vị trí dễ khiến máy bay nổ nhất là ở gần đường ống tiếp nhiên liệu, trong khoang lái hoặc sát vỏ máy bay.
“Vị trí đặt bom là cực kỳ quan trọng”, ông Jimmie Oxley, Giáo sư Hóa học và là chuyên gia chất nổ tại Đại học Rhode Island nhận định.
GS Oxley cùng nhiều chuyên gia khác đã tiến hành nhiều thí nghiệm song song liên quan đến vụ đánh bom chiếc máy bay Pan Am của Lybia trên bầu trời Lockerbie của Scotland năm 1988.
Các thí nghiệm của ông cho thấy, chỉ cần nhét một khối chất nổ nhỏ bằng nắm tay vào trong một máy ghi âm cassette đặt trong một túi hành lý cũng có thể tạo ra một lỗ thủng rộng 50cm ở thân máy bay khiến áp suất giảm đột ngột và chiếc máy bay nổ tung trong không trung.
Hiện trường của chiếc máy bay Nga bị đánh bom. Ảnh AP |
Một số chuyên gia khác cho biết, việc xuất hiện thiết bị kích nổ và công tắc trong vụ đánh bom chiếc máy bay Nga cho thấy, nhiều khả năng thiết bị gây nổ này được hẹn giờ thay vì được một kẻ đánh bom cảm tử kích nổ.
Trong khi đó, Giáo sư Clive Williams tại Trung tâm về Luật Quân sự và An ninh thuộc Đại học Quốc gia Australia và là thành viên của Hiệp hội Quốc tế các Kỹ thuật viên và Nhân viên điều tra Bom mìn cho biết, việc IS sử dụng lon nước ngọt có thể làm dấy lên nghi ngờ rằng có người làm ở bộ phận cung cấp nước uống và thực phẩm trên máy bay đã tiếp tay cho chúng.
Các chuyên gia cũng nói thêm rằng, bức hình do IS đăng tải có thể cung cấp những dấu vết quan trọng giúp lần ra vị trí của IS vì thiết bị kích nổ trong hình là bản thương mại nên hoàn toàn có thể lần ra được nơi sản xuất.
“Khiến Nga và phương Tây bất an”
Ngoài việc cung cấp thông tin về cách thức tiến hành vụ đánh bom máy bay Nga, IS còn cung cấp một bức ảnh mà chúng tuyên bố là hộ chiếu của những người Nga thiệt mạng do “các chiến binh Thánh chiến lấy được”.
IS cũng cho biết, chúng đã lợi dụng kẽ hở về an ninh tại sân bay Sharm al-Sheikh nơi chiếc máy bay cất cánh để có thể đưa bom lên máy bay.
Sân bay Sharm al-Sheikh chủ yếu phục vụ những hãng máy bay giá rẻ đưa khu khách từ các nước đến khu nghỉ mát nổi tiếng gần đó. An ninh tại sân bay này được coi là cực kỳ lỏng lẻo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập trong một cuộc họp báo ngày 18/11 tại Sharm al-Sheikh vẫn khẳng định, không có thông tin nào về lỗ hổng an ninh tại sân bay tại đây để IS có thể lợi dụng.
Nhân viên an ninh tại sân bay Sharm al-Sheikh kiểm tra một chiếc xe đi vào trong sân bay. Ảnh AP |
IS cho biết, ban đầu, chúng định đặt bom lên một chiếc máy bay của Mỹ hoặc các đồng minh tham gia không kích chúng tại Syria và Iraq nhưng đã đổi ý sau khi trúng phải những đòn tấn công cực kỳ chính xác và hiệu quả của Không quân Nga tại Syria kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch ngày 30/9 vừa qua.
“Một quả bom đã được đưa lên máy bay khiến cho 219 người Nga cùng 5 kẻ Thập tự chinh khác thiệt mạng chỉ 1 tháng sau quyết định ngu xuẩn của Nga”, IS tuyên bố.
“Vụ tấn công này để cho người Nga và những kẻ liên minh với chúng hiểu rằng, chúng sẽ không thể an toàn khi đặt chân lên vùng đất của người Hồi giáo”, IS tuyên bố.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thề sẽ truy đuổi đến cùng những kẻ chịu trách nhiệm vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập và công bố mức thưởng 50 triệu USD cho ai có thông tin giúp bắt được thủ phạm.
“Chúng ta sẽ truy tìm chúng cho đến cùng trời cuối đất để trừng phạt chúng”, ông Putin tuyên bố trong cuộc họp với các quan chức Nga tại Điện Kremlin.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan An ninh Nga Aleksandr Bortnikov các chuyên gia đã phân tích hành lý của của các hành khách và các mảnh vỡ máy bay. “Sau khi đã xem xét kỹ lưỡng, chúng tôi đã phát hiện ra dấu vết chất nổ “do nước ngoài chế tạo” trên các mảnh vỡ máy bay”.
“Trong khi máy bay đang bay, một quả bom tự chế có sức công phá tương đương đã được kích nổ. Chiếc máy bay này sau đó nổ tung trên không khiến các mảnh vỡ rải rác trong một khu vực rất rộng”, ông Bortnikov nói.