Vì sao Los Angeles cạn nước để dập lửa giữa thảm họa cháy rừng như “tận thế”?
VOV.VN - Các bể dự trữ ở Los Angeles được bơm đầy nước trước khi đám cháy rừng bùng phát và lan vào khu dân cư, nhưng chỉ trong vòng vài giờ, các bể chứa đó đã cạn kiệt.
Đại úy Kevin Easton và đội cứu hỏa của ông vật lộn suốt nhiều giờ liên tục để cố gắng dập tắt đám cháy lớn đang thiêu rụi khu vực Pacific Palisades ở Los Angeles. Nhưng đến khoảng nửa đêm 7/1, nước từ các trụ cứu hỏa bắt đầu yếu dần rồi cạn kiệt.
“Hoàn toàn cạn kiệt, không lấy được chút nước nào”, Đại úy Easton thành viên đội cứu hỏa đang cố gắng bảo vệ khu dân cư Palisades Highlands, cho biết.
Đến chiều 8/1, các trụ cứu hỏa hết nước vẫn chưa có nước trở lại. Những ngôi nhà ở Highlands đã bị thiêu rụi và trở thành một phần trong hơn 5.000 công trình bị đám cháy Palisades phá hủy cho đến nay.
Các quan chức cho biết, các bể chứa cung cấp nước cho các khu vực cao như Highlands, cùng với các hệ thống bơm cung cấp nước cho chúng, không thể đáp ứng được nhu cầu khi ngọn lửa nhanh chóng lan từ khu dân cư này sang khu dân cư khác. Một lý do khác là những người thiết kế các hệ thống đó đã không tính đến tốc độ kinh khủng mà các đám cháy lan qua khu vực Los Angeles trong tuần này.
“Chúng tôi đang đối mặt với một tình huống hoàn toàn không nằm trong thiết kế của bất kỳ hệ thống nước sinh hoạt nào”, ông Marty Adams, cựu Giám đốc và kỹ sư trưởng của Sở tài nguyên Nước và Năng lượng Los Angeles cho biết. Cơ quan này chịu trách nhiệm cung cấp nước cho gần 4 triệu cư dân của Los Angeles.
Hệ thống nước đô thị được thiết kế để lính cứu hỏa có thể sử dụng nhiều trụ cứu hỏa cùng lúc, duy trì dòng nước ổn định khi cần bảo vệ một công trình lớn hoặc khu vực có nhiều nhà dân. Tuy nhiên, các hệ thống này có thể bị quá tải khi các đám cháy rừng lan rộng ra toàn bộ các khu dân cư.
Khi đô thị ngày càng mở rộng vào các khu vực hoang dã trên khắp nước Mỹ và biến đổi khí hậu khiến các đám cháy rừng ngày càng dữ dội hơn, nhiều thành phố phải đối mặt với tình trạng mất nước đột ngột để phục vụ việc chữa cháy. Các trường hợp gần đây nhất là ở Talent, Oregon; Gatlinburg, Tennessee; và Quận Ventura, California.
Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng trong điều kiện gió mạnh, như những gì Los Angeles trải qua trong tuần này, khi các máy bay cứu hỏa không thể thực hiện các đợt thả nước và chất chữa cháy từ trên không.
Không thể dập tắt cháy rừng bằng hệ thống nước đô thị
Hệ thống nước đô thị như ở Los Angeles được thiết kế để xử lý tải trọng lớn, bao gồm cả những đám cháy lớn có thể cần nhiều xe cứu hỏa phải lấy nước cùng một lúc. Tuy nhiên, chúng không thể đáp ứng được nhu cầu khi cần phải đối phó với những đám cháy lớn xuất phát từ cháy rừng.
“Nếu những đám cháy lớn như hiện nay xảy ra thường xuyên hơn, sẽ cần phải suy nghĩ lại về cách thiết kế các hệ thống cấp nước”, ông Adams, cựu lãnh đạo của Sở tài nguyên Nước Los Angeles nói.
Các quan chức địa phương cho biết, trước khi đám cháy xảy ra, các bể chứa ở phía trên Pacific Palisades và các khu dân cư khác quanh sườn đồi đã được bơm đầy nước. Tuy nhiên, khi đám cháy Palisades lan rộng hôm 7/1, bể chứa đầu tiên đã nhanh chóng cạn kiệt. Một vài giờ sau, bể chứa thứ hai cũng cạn. Đến sáng thứ 8/1, bể chứa thứ ba đã hết nước.
Janisse Quiñones, Giám đốc điều hành và kỹ sư trưởng của Sở tài nguyên Nước Los Angeles, cho biết lượng nước bị rút từ đường ống chính trong suốt trận cháy quá lớn, khiến số nước còn lại quá ít và không thể bơm lên các bể chứa trên cao.
Nguồn cung cấp nước chỉ là một trong nhiều thách thức, khi các đội cứu hỏa Los Angeles bị quá tải vì các đám cháy ở nhiều khu vực.
Tại khu vực Altadena, nơi đám cháy Eaton thiêu rụi hơn 5.000 hécta đất và tới 5.000 công trình, lính cứu hỏa cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước.
Dù vậy, ông Chad Augustin, trưởng phòng Cứu hỏa Pasadena cho biết các đội vẫn không thể ngăn chặn đám cháy lan rộng cho dù có nhiều nước hơn.
“Những cơn gió mạnh và bất thường đã khiến các đốm lửa bay xa hàng km, các đám cháy vì thế cũng lan rộng hơn, nhanh hơn và khó dập tắt hơn”, ông Augustin nói.
Traci Park, thành viên Hội đồng Thành phố Los Angeles đại diện cho khu vực Pacific Palisades, cho biết hệ thống nước của thành phố đã không được đầu tư nâng cấp phù hợp. Một số đường ống nước đã có tuổi đời hơn 1 thế kỷ.
“Khi thành phố chúng ta phát triển, chúng ta đã không nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ sự phát triển đó”, bà Park nói.
Bà cũng nêu lên vấn đề về sự phức tạp khi đối phó với những đám cháy xuất phát từ cháy rừng sau đó lan nhanh vào các khu dân cư đô thị. Trong trường hợp như vậy, lính cứu hỏa không thể áp dụng cách thức dập tắt cháy rừng, như việc thả nước từ trên không.
Greg Pierce, nhà nghiên cứu tại Đại học California, Los Angeles, người nghiên cứu tài nguyên nước và quy hoạch đô thị, cũng đồng tình với lo ngại về các hệ thống nước được thiết kế cho các đám cháy đô thị, chứ không phải những đám cháy rừng lan nhanh. Tuy nhiên, việc thiết kế lại hệ thống nước để lính cứu hỏa có thể xử lý một đám cháy rừng lớn sẽ rất tốn kém, ông nói.
Theo ông Pierce, một câu hỏi cơ bản hơn là liệu có nên tái thiết các khu dân cư sát khu vực hoang dã hay không. Đây là vấn đề gây tranh cãi rộng rãi ở miền Tây nước Mỹ khi biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và cường độ của các đám cháy tại khu vực giao thoa giữa các khu vực hoang dã và đô thị.