Vì sao ông Kim Jong-un hủy thăm Moscow?
Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ bãi bỏ chuyến thăm Moscow đã làm dấy lên hàng loạt những đồn đoán xung quanh những gì xảy ra ở Triều Tiên.
Không có lời giải thích nào được đưa ra từ phía giới hữu trách ở Bình Nhưỡng, trong khi người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin chỉ thông báo ngắn gọn về việc lãnh đạo Triều Tiên không tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến Thứ hai vào ngày 9/5 tới vì "vấn đề nội bộ".
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kế hoạch tới Nga của ông Kim Jong-un bị hủy bỏ không phải là do mối đe dọa bất ổn từ trong nước, mà chủ yếu là bởi những lo ngại về hình ảnh của giới lãnh đạo.
Giáo sư Andrei Lankov, thuộc Đại học Kookmin tại Seoul, một người có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, nói: "Không có dấu hiệu nào cho thấy sự bất ổn trong giới lãnh đạo Triều Tiên. Ông Kim đang phối hợp nhịp nhàng với những quan chức quân đội hàng đầu và vị trí của ông có vẻ như vẫn rất chắc chắn".
Việc nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên ban đầu nhận lời mời tới thăm Moskva để tham dự sự kiện trọng đại ngày 9/5 đã vẽ ra hàng loạt viễn cảnh ngoại giao thú vị thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhân vật bí ẩn này kể từ khi ông lên nắm quyền sau cái chết của cha đẻ là cố lãnh đạo Kim Jong-Il hồi tháng 12/2011.
Giới quan sát chính trị đã đánh giá đây là một động thái ngoại giao quan trọng của chế độ Bình Nhưỡng, và thậm chí không ít người còn cho rằng chuyến đi là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc để ngả dần về Nga.
Nếu tới Moscow trong dịp lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức tới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ có dịp tiếp cận lần đầu với các nguyên thủ quốc gia nhiều nước. Ngoài Tổng thống Nga Putin, ông Kim Jong-un chắc chắn sẽ phải bắt tay chào hỏi xã giao hoặc tiếp kiến với các nhà lãnh đạo khác như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hay Chủ tịch Cuba Raul Castro... Những cử chỉ, động thái tiếp xúc của lãnh đạo Triều Tiên ở Moscow chắc chắn sẽ được giới truyền thông cực kỳ chú ý.
Các hoạt động ngoại giao của Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền vẫn chỉ loanh quanh diễn ra tại Bình Nhưỡng, với một vài quan chức chính trị Trung Quốc là chính và nội dung, hình ảnh cũng không được phổ biến.
Hoạt động tiếp khách ngoại quốc của Kim Jong-un được phổ biến rộng rãi nhất đó là lần đón ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman, thần tượng của lãnh tụ Triều Tiên. Mặc dù đã trở thành nhà lãnh đạo tối cao của miền Bắc được ba năm nhưng tới nay, chưa nói tới các chuyến công du nước ngoài, ông Kim Jong-un còn tránh gặp lãnh đạo các nước tới thăm Bình Nhưỡng.
Vào tháng 10/2013, Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj đã tới thăm Triều Tiên, nhưng cũng không gặp được nhà lãnh đạo của đất nước này.
Giáo sư Yang Moo-Jin, thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, nói: "Tôi cho rằng vấn đề thực sự nằm ở chỗ nhân vật trẻ tuổi này chưa từng giáp mặt trực tiếp với bất kỳ lãnh đạo nước ngoài nào, và có thể ông ta e ngại viễn cảnh xuất hiện trong một căn phòng toàn các nguyên thủ nước ngoài".
Ông Daniel Pinkston, thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng rất có thể chính quyền Bình Nhưỡng lo ngại rằng phần tường thuật qua truyền hình được chiếu lại ở Triều Tiên sẽ làm phương hại đến hình ảnh của Kim Jong-un - vốn được tôn sùng như thần thánh.
Một giả thuyết khác được đề cập tới là có thể nhà lãnh đạo Kim Jong Un bãi bỏ kế hoạch sau khi nhận ra rằng ông sẽ không đóng một vai trò nổi bật trong lễ kỷ niệm ở Moscow. Ông Pinkston cho rằng việc Bình Nhưỡng bãi bỏ chuyến đi vào phút chót không phải là điều bất thường, nhất là khi xét tới cách thức vận hành nghi thức an ninh của Triều Tiên.
Trong các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên, mới chỉ có lãnh tụ Kim Nhật Thành là đã nhiều lần công du nước ngoài, nhưng các chuyến đi của ông cũng chỉ giới hạn trong khối XHCN.
Đến đời Kim Jong-Il, khi khối Xô viết sụp đổ, cùng với đó là hội chứng sợ máy bay, các chuyến công du ngoại quốc của ông cũng chỉ giới hạn đến 2 nước Trung Quốc và Nga bằng đường sắt, trên đoàn tàu bọc thép đặc biệt.
Giáo sư Kim Yong-hyun, chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại trường Đại học Dongguk, cho rằng Kim Jong-un không muốn làm phật lòng những nhà bảo trợ kinh tế ở Trung Quốc khi thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên đến Nga.
Theo ông Kim Yong-hyun, có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết định không đi Nga bởi ông sẽ cảm thấy không thoải mái nếu giáp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moscow.
Thông qua viện trợ và thương mại, Trung Quốc là nước cung cấp nguồn thực phẩm và năng lượng chủ yếu cho Triều Tiên. Vì thế cũng là điều hợp lý khi nhà lãnh tụ trẻ tuổi Triều Tiên muốn lấy Bắc Kinh làm nơi đến cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình.
Bắc Kinh là đồng minh then chốt của Bình Nhưỡng cả về mặt ngoại giao lẫn kinh tế, vậy sự lựa chọn tất yếu cho chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của Kim Jong-un sẽ phải là Trung Quốc.
Cho dù sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dành chuyến đi đầu tiên đến bán đảo Triều Tiên để tới thăm Hàn Quốc, thì Bình Nhưỡng hiện nay cũng khó có thể vì thế mà quay lưng lại với Bắc Kinh.
Nhà nghiên cứu Paik Hak-Soon thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị Sejon Hàn Quốc, cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của Kim Jong-un sẽ phải là với lãnh đạo Trung Quốc, vì "đó là nước duy nhất có thể trợ giúp kinh tế cho miền Bắc và ông Kim Jong-un hiểu rõ điều này".