Vì sao Quad hồi sinh nhưng còn lâu mới thành “NATO châu Á”?

VOV.VN - Sự hồi sinh của Quad đem tới những mục tiêu tham vọng nhằm kiềm chế Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng vẫn còn quá nhiều trở ngại để nhóm này trở thành một “NATO châu Á”.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc là lý do Quad hồi sinh?

Chính quyền Tổng thống điều hành Nhà Trắng với mục tiêu tập hợp các đồng minh trong nỗ lực đối phó với những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ngày 12/3 (giờ Mỹ), ông Biden sẽ có một bước đi lớn trong việc thực hiện mục tiêu này khi tiến hành một cuộc gặp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Quad, một liên minh gồm 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia mà Trung Quốc gọi là biểu tượng của tinh thần Chiến tranh Lạnh đầy "thù địch". Đây là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chưa đầy 2 tháng nhậm chức, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.

Washington cho hay, Covid-19, hợp tác kinh tế và khủng hoảng khí hậu sẽ là những chủ đề trong cuộc trao đổi ngày 12/3 trong khi New Delhi cho biết Thủ tướng nước này Narendra Modi sẽ thảo luận về một khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do" với ông Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Thủ tướng Australia Scott Morrison.

Trên thực tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế và quân sự đã làm "hồi sinh" Quad. Bắc Kinh cũng chính là nhân tố kết nối 4 nhà lãnh đạo của liên minh này trong một Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra ngày 12/3.

Quad hay Đối thoại An ninh 4 bên (Quadrilateral Security Dialogue) là một diễn đàn chiến lược không chính thức, tập trung vào các Hội nghị Thượng đỉnh không thường xuyên, các cuộc trao đổi không chính thức và tập trận quân sự. Mặc dù không giống liên minh quân sự chính thức như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng Quad được một số nước xem là liên minh tiềm năng đối phó với sự ảnh hưởng và các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù gần đây, Quad hợp tác trong nhiều lĩnh vực hơn, chẳng hạn như đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng tiềm năng liên kết về quân sự của các quốc gia trong nhóm này khiến Trung Quốc không thể không chú ý tới.

Đô đốc Hải quân Mỹ Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương đã bày tỏ hy vọng rằng tổ chức này có thể "xây dựng được điều gì đó to lớn hơn".

"Không chỉ trong lĩnh vực an ninh mà còn trong những mặt khác, chẳng hạn như kinh tế toàn cầu, các công nghệ quan trọng như viễn thông và 5G cũng như hợp tác về trật tự thế giới. Chúng ta có thể làm được nhiều điều hơn cả về ngoại giao và kinh tế", quan chức Mỹ cho hay.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Hoover thuộc Đại học Standford, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, Quad có thể đóng vai trò quan trọng trong 4 lĩnh vực gồm: an ninh hàng hải, an ninh chuỗi cung ứng, công nghệ và ngoại giao.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện nay, nếu Quad cố gắng gây sức ép với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ có hành động đáp trả.

"Việc này sẽ gây ra nhiều căng thẳng hơn với Trung Quốc, bao gồm cả nguy cơ đáp trả về kinh tế với Ấn Độ, Australia và Nhật Bản", Timothy Heath, một nhà phân tích cấp cao thuộc think tank RAND Corp cho hay.

Chuyên gia này cũng nhận định, điều đó có thể gây khó khăn cho 3 quốc gia khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Vì sao Quad còn lâu mới thành “NATO châu Á”?

Trong khi Nhật Bản và Australia là những đối tác liên minh chính thức của Mỹ thì Ấn Độ mới chỉ là đối tác gần đây nằm trong những tính toán của Washington.

Một thông báo chính thức từ Ấn Độ cho biết các nhà lãnh đạo sẽ "thảo luận về các vấn đề toàn cầu và khu vực có cùng lợi ích, cũng như trao đổi quan điểm về những vấn đề hợp tác thực tế nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do".

Tuyên bố này không hề nhắc đến Trung Quốc mà thay vào đó, nhấn mạnh đến nhu cầu thúc đẩy một hướng tiếp cận chung với những thách thức tạm thời như đảm bảo chuỗi cung ứng, công nghệ quan trọng, an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu.

Trước thềm Hội nghị Quad, Thủ tướng Suga và Modi đã điện đàm với nhau ngày 9/3. Thông báo chính thức từ Tokyo cho biết, 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy hợp tác cả song phương và qua nhóm 4 nước thành viên Quad để đảm bảo Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do. Cũng theo thông báo này, hai bên đã thảo luận về hợp tác quốc phòng và an ninh trong khi Thủ tướng Suga thể hiện “mối quan ngại nghiêm trọng về các hành động của Trung Quốc ở các khu vực từ Hong Kong (Trung Quốc) tới biển Hoa Đông".

Tuy nhiên, New Delhi cũng không hề nhắc đến cuộc xung đột biên giới gần đây với Trung Quốc ở Ladakh mà thay vào đó vẫn nhấn mạnh đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.

Với Trung Quốc, chính sách của Tổng thống Biden dường như có nhiều điểm tương đồng với cựu Tổng thống Donald Trump trong khi nhà lãnh đạo Mỹ không thể tỏ ra yếu đuối hơn người tiền nhiệm trong việc đối phó với Bắc Kinh. Tuy nhiên, những tính toán về an ninh không thể tách rời hoàn toàn khỏi những liên kết thương mại toàn cầu và sự mâu thuẫn trong quan hệ với Trung Quốc vẫn sẽ là vấn đề nan giải của Quad.

Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple của Nhật Bản đánh giá, mặc dù các chính trị gia Nhật Bản "thích nói về việc cứng rắn với Trung Quốc nhưng nếu muốn biến Quad thành một liên minh kiểu như NATO, tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra. Với Quad, trong tương lai gần, tôi cho rằng sẽ là một tầm nhìn, một chiến lược thú vị nhưng theo tôi, nó không thể nhanh chóng trở thành một tổ chức như NATO".

Các nhà phân tích Evan Feigenbaum và James Schwemlein thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cũng cho rằng Quad "thiếu mục tiêu và nội dung rõ ràng".

Nhà phân tích Heath còn chỉ ra rằng Quad còn xa mới trở thành một liên minh thống nhất. Những rạn nứt giữa các thành viên thậm chí có thể khiến Trung Quốc "thở phào".

"Nhóm này chỉ là một sự tập hợp không chính thức với rất ít trụ cột về thể chế. Trong bối cảnh hiện nay, Quad hoàn toàn không thể được coi là NATO châu Á", chuyên gia này nhận định.

"Các thành viên Quad có cùng mối lo ngại về Trung Quốc và nhu cầu cần duy trì trật tự thế giới dựa trên các quy tắc nhưng họ thiếu sự nhất quán về những điều có thể làm với Trung Quốc. Những ưu tiên cũng khác nhau giữa các thành viên khi Ấn Độ tập trung chủ yếu vào Ấn Độ Dương còn Australia và Nhật Bản quan tâm hơn đến Biển Đông", ông Heath đánh giá.

Dù vậy, chuyên gia này cho rằng ở một khía cạnh nào đó, Trung Quốc đang kiểm soát "nhịp độ của cuộc chơi".

"Nếu Trung Quốc tăng cường các hành vi hung hăng về mặt quân sự nhằm chống lại các quốc gia khác, có khả năng Quad sẽ phát triển thành một liên minh quân sự mạnh hơn"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản thảo luận về an ninh hàng hải trước thềm thượng đỉnh Quad
Thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản thảo luận về an ninh hàng hải trước thềm thượng đỉnh Quad

VOV.VN - Trong cuộc điện đàm kéo dài 40 phút, hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ nhận thức rằng hợp tác để hướng tới hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở đang ngày càng trở nên quan trọng.

Thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản thảo luận về an ninh hàng hải trước thềm thượng đỉnh Quad

Thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản thảo luận về an ninh hàng hải trước thềm thượng đỉnh Quad

VOV.VN - Trong cuộc điện đàm kéo dài 40 phút, hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ nhận thức rằng hợp tác để hướng tới hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở đang ngày càng trở nên quan trọng.

Nhóm Quad thảo luận hợp tác trong ứng phó với các thách thức toàn cầu
Nhóm Quad thảo luận hợp tác trong ứng phó với các thách thức toàn cầu

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/2 đã có cuộc điện đàm với ngoại trưởng các nước trong nhóm Quad. Nội dung thảo luận bao gồm hợp tác bốn bên trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Nhóm Quad thảo luận hợp tác trong ứng phó với các thách thức toàn cầu

Nhóm Quad thảo luận hợp tác trong ứng phó với các thách thức toàn cầu

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/2 đã có cuộc điện đàm với ngoại trưởng các nước trong nhóm Quad. Nội dung thảo luận bao gồm hợp tác bốn bên trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Hội nghị Ngoại trưởng Quad thảo luận tình hình Myanmar và an ninh khu vực
Hội nghị Ngoại trưởng Quad thảo luận tình hình Myanmar và an ninh khu vực

VOV.VN - Tại cuộc họp lần thứ 3 của Ngoại trưởng 4 nước nhóm Quad diễn ra hôm 18/2, các quan chức ngoại giao đã thảo luận tình hình Myanmar và các động thái của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thời gian qua.

Hội nghị Ngoại trưởng Quad thảo luận tình hình Myanmar và an ninh khu vực

Hội nghị Ngoại trưởng Quad thảo luận tình hình Myanmar và an ninh khu vực

VOV.VN - Tại cuộc họp lần thứ 3 của Ngoại trưởng 4 nước nhóm Quad diễn ra hôm 18/2, các quan chức ngoại giao đã thảo luận tình hình Myanmar và các động thái của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thời gian qua.