Vì sao vụ ám sát thủ lĩnh Hamas có thể xảy ra ngay giữa thủ đô của Iran?
VOV.VN - Vụ ám sát ông Ismail Haniyeh là vụ mới nhất trong chuỗi các vụ tấn công chính xác ngay bên trong lãnh thổ Iran, đồng thời là “cú tát” đối với Tehran, nơi tiếp đón thủ lĩnh Hamas đến dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống.
Các nhà phân tích cho rằng, vụ ám sát lãnh đạo chính trị của phong trào Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran, đã phơi bày mức độ thâm nhập của Israel vào Iran.
Ông Haniyeh sống tại Qatar. Ông tới Tehran tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hôm 30/7. Theo lực lượng Vệ binh Cách mạn Iran (IRGC), ông Haniyeh bị ám sát vào sáng sớm ngày 31/7 tại một dinh thự ở phía Bắc Tehran.
Hamas cho rằng Israel thực hiện vụ việc ám sát này.
Israel thường không xác nhận cũng không phủ nhận các hoạt động bí mật ở nước ngoài và trong sự việc lần này Tel Aviv cũng không bình luận gì.
Thông tin về việc ông Haniyeh bị ám sát như thế nào rất mơ hồ. Hãng thông tấn Fars cho hay, thủ lĩnh Hamas thiệt mạng “vì một quả đạn từ trên không”. Điều này làm dấy lên suy đoán về một cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái (UAV).
Các nhà phân tích coi cuộc tấn công là thất bại lớn của tình báo Iran và là một diễn biến vô cùng đáng lo ngại đối với giới lãnh đạo nước này, đặc biệt là vào thời điểm an ninh được tăng cường do có rất nhiều khách đến dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống.
Vài giờ trước khi bị ám sát, ông Haniyeh đã có cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei.
“Việc không thể ngăn chặn vụ ám sát này là điều hổ thẹn đối với Iran”, bà Agnes Levallois, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Nghiên cứu Địa Trung Hải và Trung Đông (IREMMO) có trụ sở tại Paris, nhận định.
Gián điệp Israel ở Iran
Vụ ám sát ông Haniyeh chỉ là vụ mới nhất trong một loạt các vụ tấn công được cho là do Israel thực hiện bên trong lãnh thổ Iran.
Israel từ lâu đã thực hiện các hoạt động phá hoại thông qua cơ quan tình báo Mossad bên trong Iran. Vụ việc mới làm dấy lên câu hỏi làm thế nào Israel có thể thu thập thông tin tình báo chi tiết tới vậy.
“Đây là sự xác nhận về điều mà tất cả chúng ta đều biết từ lâu: mức độ thâm nhập sâu rộng của Israel vào các cơ quan an ninh Iran”, ông Arash Azizi, giảng viên cao cấp tại Đại học Clemson ở Mỹ cho biết.
Trái ngược với giới lãnh đạo quân sự của Hamas, ông Haniyeh là một nhân vật khá nổi bật trước công chúng khi ông thực hiện nhiều chuyến đi ra nước ngoài, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ - nơi ông đã hội đàm với Tổng thống Tayyip Erdogan, gần đây nhất là vào tháng 4.
“Chúng tôi biết rằng Israel có gián điệp và do đó có tình báo ở Iran. Vụ ám sát này cho thấy toàn bộ hệ thống tình báo của Israel được phát triển rất tốt để nắm bắt tất cả thông tin và từ đó cho phép tiến hành loại hoạt động như vậy”, bà Levallois cho biết.
Nổi tiếng nhất, theo tờ New York Times, là vụ nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát vào năm 2020. Ông Fakhrizadeh bị sát hại bằng một khẩu súng máy được các điệp viên của Mossad lắp ráp gần nhà ông và sau đó bắn từ xa sau khi họ rời đi.
Cũng theo New York Times, nhân vật số 2 của al-Qaeda, Abdullah Ahmed Abdullah, còn được gọi là Abu Muhammad al-Masri, đã bị 2 người đi xe máy bắn chết tại Tehran vào tháng 8/2020.
Vòng xoáy căng thẳng hiện tại bắt đầu từ sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 vào miền Nam Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 251 người bị bắt làm con tin, đồng thời châm ngòi cho cuộc chiến ở Gaza.
Hồi tháng 4, sau cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Israel, một vụ nổ đã phá hủy radar của hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 do Nga cung cấp ở miền trung Iran. Israel được cho là đứng sau vụ tấn công.
Cách thức tiến hành tấn công khi đó không hoàn toàn rõ ràng. Các thông tin cho rằng, có ít nhất một tên lửa được phóng từ máy bay chiến đấu bên ngoài Iran và các máy bay không người lái tấn công nhỏ có thể được phóng từ bên trong Iran để gây nhầm lẫn cho hệ thống phòng không của nước này.
“Thông tin cực kỳ chính xác”
Theo một số kênh truyền thông, các điệp viên Israel thậm chí đã bắt giữ và thẩm vấn thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng bên trong Iran để thu thập thông tin tình báo.
Ngoài ra, sau các vụ nổ bí ẩn xung quanh các địa điểm nhạy cảm, người ta cũng nghi ngờ rằng Israel đã thực hiện các cuộc tấn công bằng UAV bên trong Iran, nhưng điều này chưa bao giờ được xác nhận.
Vụ sám sát ông Haniyeh xảy ra sau khi Israel tấn công một cứ điểm của Hezbollah ở phía Nam thủ đô Beirut ngày 30/7, nhắm vào một chỉ huy cấp cao của nhóm vũ trang Lebanon được Iran hậu thuẫn. Trước đó, Israel cáo buộc Hezbollah tấn công bằng tên lửa vào một ngôi làng trên Cao nguyên Golan khiến 12 trẻ em thiệt mạng.
“Chiến dịch này cho thấy Iran không thể bảo vệ được khách của Lãnh đạo tối cao và Tổng thống”, Hasni Abidi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Nghiên cứu Thế giới Arab và Địa Trung Hải (CERMAM) có trụ sở tại Geneva cho biết.
Ông cho biết bản chất của cuộc tấn công cho thấy Israel hẳn đã có “thông tin cực kỳ chính xác” về vị trí và các hoạt động của ông Haniyeh.