Vị thế mới cho Kosovo
Mảnh đất này cần có một vị thế mới, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và địa lý của mình, để tạo sức bật, một tương lai bền vững, tốt đẹp hơn
Cách đây 3 năm, tháng 2/2008, Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập tách khỏi Cộng hòa Serbia. Thế nhưng, vào thời điểm này, tại mảnh đất này, người dân không tổ chức bất cứ một lễ kỷ niệm nào, bởi câu hỏi đặt ra lúc này là: Kosovo có thật sự độc lập và vững mạnh, hay chỉ thêm một chương buồn cho mảnh đất đầy bi thương này?
3 năm chưa phải dài, nhưng cũng đủ để đo lường sức mạnh của thực thể này. Hiện tại Kosovo được 72 nước công nhận, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây, trong khi đa số các quốc gia trên thế giới không công nhận. Sự ủng hộ của người dân đối với Chính phủ liên hiệp Kosovo do Thủ tướng Hasim Thaci đứng đầu quá thấp, tới mức cuối năm 2010 phải giải tán sau khi không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, khiến Quốc hội phải tổ chức bầu cử trước thời hạn. Hiện tại 6 bộ trưởng của Kosovo đang bị Liên minh châu Âu điều tra vì tội tham nhũng và tham gia các tổ chức tội phạm. Thậm chí, người đứng đầu chính phủ bị cáo buộc tham gia các vụ buôn bán nội tạng người.
Trong khi đó, sau khi tuyên bố tách khỏi Serbia, đến nay, Kosovo vẫn là vùng lãnh thổ nghèo nhất châu Âu với thu nhập bình quân đầu người chưa đến 2 euro/ngày. 48% số người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, gần một nửa trong số 2 triệu dân sống trong hoàn cảnh nghèo đói.
Với thực trạng buồn đó, Kosovo không thể nào khác hơn, vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn viện trợ tài chính của Mỹ và phương Tây. Và cái giá phải trả là, Kosovo vẫn phải chấp nhận sự có mặt của binh lính Mỹ trên vùng đất của mình. Căn cứ quân sự Bondsteel của Mỹ - một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Washington được xây dựng sau chiến tranh lạnh, ngay gần Pristina, thủ phủ Kosovo, sẽ được tiếp tục mở rộng.
Mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu cũng ngày càng xa vời đối với Kosovo, khi tổ chức lớn nhất khu vực này, không mạo hiểm kết nạp thêm thành viên mới lại có nền kinh tế yếu kém như vậy. Hơn thế nữa, mọi hoạt động chính trị, kinh tế xã hội của Kosovo đều do Liên minh châu Âu giám sát. Cùng với đó, chính quyền thực thể này luôn phải đối phó với sự chống đối của hơn 400.000 người Serbia, chiếm 1/3 dân số tại Kosovo, trong khi người dân ngày càng mất lòng tin vào chính phủ.
Rõ ràng, Kosovo đang phải đối mặt với quyết định tách khỏi Serbia của mình, với hiện tại không tốt đẹp, tương lai cũng mờ mịt, đầy bất trắc và độc lập của mảnh đất này vẫn chỉ trên danh nghĩa. Một nhà nước tồn tại không phải chỉ nhờ sự thừa nhận của quốc tế, mà chính sự tồn tại và phát triển của nó quyết định. Nếu Kosovo không giải quyết được một loạt vấn đề kinh tế xã hội của mình, không tự đứng trên đôi chân của mình, tiếp tục phụ thuộc vào sự bảo hộ an ninh và nguồn tài chính của nước ngoài, thì tuyên bố độc lập sẽ chỉ là hư danh.
Và nếu không muốn quyết định này là khởi điểm cho một thời kỳ buồn, Kosovo không thể mãi duy trì tình trạng như hiện nay. Mảnh đất này cần có một vị thế mới, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và địa lý của mình, để tạo sức bật, một tương lai bền vững tốt đẹp cho Kosovo./.