Vụ Khashoggi có làm tan mộng lập Liên minh NATO-Arab của ông Trump?
VOV.VN - Chiến lược của Tổng thống Mỹ Trump hình thành liên minh NATO-Arab tiếp tục vấp phải trở ngại mới, sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald nhằm kiềm chế quyền lực của Iran tại Trung Đông bằng cách tập hợp các đồng minh Arab vào một liên minh an ninh do Mỹ hậu thuẫn đã rơi vào bế tắc trong thời gian qua. Hiện giờ kế hoạch này tiếp tục vấp phải trở ngại mới, đặc biệt sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Tổng thống Trump bắt tay Thái tử Saudi Arabia tại Nhà Trắng tháng 3/2018. |
Liên minh chiến lược Trung Đông (MESA) mà báo chí quốc tế gọi là liên minh “NATO-Arab”, là tên Washington đặt ra cho kế hoạch thiết lập một khối liên kết trong khu vực, nhằm mục đích tập hợp và gắn kết chính phủ các nước Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar, Oman, Bahrain vào một hiệp ước về an ninh, kinh tế, chính trị do Mỹ dẫn đầu chống lại Iran. Tuy vậy, sự bất đồng giữa các đồng minh Arab, trong đó trong đó có chiến dịch cô lập Qatar về kinh tế và ngoại giao do Saudi Arabia dẫn đầu đã cản trở việc thành lập liên minh này kể từ năm 2017.
Thách thức mới với việc thành lập liên minh NATO-Arab
Theo kế hoạch, Tổng thống Trump và các lãnh đạo Arab sẽ ký kết thỏa thuận sơ bộ về việc thành lập MESA tại một Hội nghị Thượng đỉnh ở Washington dự kiến diễn ra vào tháng 1/2019. Tuy nhiên, theo 3 nguồn tin từ Mỹ và một nguồn tin ngoại giao vùng Vịnh, khả năng diễn ra hội nghị này rất mong manh, bởi nó đã bị trì hoãn nhiều lần.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin Mỹ cho biết, vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã làm dấy lên “một loạt các vấn đề” cần được giải quyết trước khi thúc đẩy kế hoạch thành lập liên minh NATO – Arab. Vấn đề trước mắt là chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ làm thế nào để khiến Thái tử Saudi Arabia (viết tắt là MbS) tới Washington tham dự Thượng đỉnh mà không gây ra làn sóng phẫn nộ trên khắp nước Mỹ. Thái tử Saudi Arabia bị cáo buộc đứng sau cái chết của nhà báo Khashoggi và đang bị nhiều chỉ trích từ dư luận. “Đây là việc khó có thể chấp nhận được”, nguồn tin trên cho biết.
Ông Anthony Zinni, trưởng đoàn đàm phán MESA của Mỹ nhấn mạnh, sáng kiến thành lập MESA đang được thúc đẩy, song chưa rõ cái chết của nhà báo Khashoggi sẽ ảnh hưởng như thế nào. Phát biểu với hãng tin Reuters, ông nói: “Tôi không biết vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán như thế nào. Cần phải chờ kết quả điều tra cuối cùng và quyết định”. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của chính quyền ông Trump từ chối thông tin cho rằng vụ việc đã cản trở tiến trình thành lập liên minh, đồng thời cho biết, MESA “luôn lớn hơn 1 quốc gia và một vấn đề cụ thể”.
Cần phải nhắc lại rằng, tại diễn đàn an ninh ở Manama, Barain ngày 28/10 vừa qua, ý tưởng phá vỡ việc thành lập liên minh NATO-Arab bởi những gì xảy ra tại lãnh sự quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ đã không phát huy hiệu quả. Trái lại, nhờ các nỗ lực của Saudia Arabia, bất đồng giữa hai bên cùng với sự hoài nghi của chính quyền ông Trump đối với hoàng tộc Saudi Arabia đã được xoa dịu. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir một lần nữa khẳng định quan hệ vững chắc của Mỹ với Saudi Arabia, bất chấp vụ việc xảy ra với nhà báo Khashoggi.
Về phía Mỹ, các đại diện của chính quyền ông Trump đã phản ứng tích cực với cử chỉ hòa giải từ Saudi Arabia, nhưng cũng không bỏ qua cơ hội khẳng định sự cần thiết phải tiến hành cuộc điều tra minh bạch và đầy đủ về cái chết của nhà báo này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, vụ sát hại nhà báo Khashoggi có thể làm suy yếu sự ổn định tại Trung Đông, vì thế Mỹ cần thực hiện thêm nhiều trừng phạt các đối tượng liên quan.
Có một điều không thể phủ nhận là vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã tạo ra ranh giới giữa Mỹ và các đồng minh Arab, đòi hỏi Washington phải có cách tiếp cận cân bằng, hạn chế và thực dụng hơn đối với mọi vấn đề liên quan trong quan hệ giữa Mỹ với các nhà cầm quyền trên bán đảo Arab, đặc biệt khi sáng kiến như MESA đang bị đe dọa.
Giảm hiện diện quân sự tại Trung Đông, Mỹ lo không “dằn mặt” được Iran
Tham vọng có dễ thành hiện thực?
Trước khi xảy ra vụ sát hại nhà báo Khashoggi, hãng tin Reuters dẫn hai tài liệu mật từ Nhà Trắng cho biết, chính quyền ông Trump đã phải nỗ lực rất nhiều để tìm cách vượt qua những thách thức tại Trung Đông và đẩy mạnh thành lập liên minh NATO-Arab để kiềm chế Iran, cũng như hạn chế ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong khu vực.
Trong bức thư của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton gửi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis có đoạn viết: “Các đối tác trong khu vực của chúng ta ngày càng gia tăng sự cạnh tranh và vụ cô lập Qatar là một điển hình. Điều này đã gây ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và tạo thuận lợi cho Iran, Nga, Trung Quốc. Để kiểm soát những xu hướng tiêu cực này, chúng ta cần thay đổi tính toán chiến lược của các đối tác”.
Một số quan chức Mỹ cho biết, đã có một cuộc tranh cãi bên trong chính quyền của ông Trump về việc liệu Washington có thể thuyết phục các đồng minh Arab gạt bỏ những bất đồng, với Cố vấn Bolton nổi lên là nhân vật chủ chốt cho kế hoạch này. Hiện tại, chính quyền Tổng thống Trump vẫn tích cực tiếp xúc với các đối tác để thúc đẩy quá trình thành lập liên minh.
Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng sẽ thấy một giải pháp cho căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh trước khi liên minh này được chính thức thành lập. Đây cũng là lý do trước khi xảy ra vụ sát hại nhà báo Khashoggi cho biết, Tổng thống Trump đã cảnh báo Saudi Arabia và các thành viên khác của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) cùng với Ai Cập rằng: “Tình hình hiện tại rất đáng lo ngại và Mỹ sẽ không tiếp tục đầu tư vào an ninh tại Trung Đông” nếu những quốc gia này không giải quyết các tranh chấp.
Kế hoạch của chính quyền ông Trump là thúc đẩy chiến lược “Nước Mỹ trên hết” nhằm giảm sự can thiệp quân sự của Mỹ tại nước ngoài, yêu cầu các đồng minh phải chia sẻ gánh nặng an ninh nhiều hơn, trong khi tăng cường các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông. Các lợi ích của Mỹ trong khu vực bao gồm việc bán vũ khí ở Trung Đông, loại bỏ các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Yemen, Iraq và Syria để việc phân phối dầu mỏ trên thị trường toàn cầu diễn ra một cách suôn sẻ, khiến giá dầu bình ổn. Washington triển khai máy bay, tàu chiến và hơn 30.000 binh sỹ tại các căn cứ ở những nước thành viên GCC và các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói rằng họ cũng không có ý định thay đổi tình trạng hiện tại.
Báo cáo chiến lược có tiêu đề “Đánh giá Tổng quan về liên minh chiến lược Trung Đông” đã kêu gọi chính quyền Mỹ thực thi một loạt các biện pháp mà đòi hỏi rất ít cam kết của Mỹ đối với khu vực, trong đó có việc phát triển các “trung tâm hoạt động” nhằm hợp nhất các lực lượng trong nhiều lĩnh vực như phòng thủ tên lửa, tác chiến trên bộ... Theo tài liệu này, mục tiêu lâu dài của Mỹ là tạo ra một liên minh NATO-Arab chính thức và một hiệp định thương mại tự do đa phương mà có thể được đàm phán từ 5 đến 7 năm.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, việc thành lập liên minh NATO-Arab không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần rất nhiều thời gian bởi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh giữa 4 nước Arab với Qatar vẫn chưa được giải quyết triệt để, chiến dịch quân sự của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen rơi vào bế tắc, thế giới Arab đang có nhiều bất ổn cộng với việc thu hẹp ảnh hưởng của các nước vùng Vịnh trong các vấn đề Syria, Iraq và Lebanon.
Đến thời điểm hiện tại, Iran vẫn là một quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Trung Đông và nước này luôn tìm cách củng cố tiềm lực của mình. Đó là lý do tại sao Mỹ luôn tìm mọi cách để hình thành liên minh NATO-Arab, nhằm đối phó với Iran. Cả Tổng thống Trump và các đồng minh đều xác định họ không muốn thất bại trong kế hoạch thành lập liên minh này, vấn đề ở chỗ cần phải chờ thời cơ và thời điểm thích hợp. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, Iran cũng không dễ bị cô lập. Đến khi các quốc gia đối đầu trong khu vực giải quyết được những mâu thuẫn của họ, thì quốc gia Hồi giáo này chắc chắn sẽ gây dựng được một thế lực mạnh mẽ tại Trung Đông./.