Vũ khí hóa học: Cú hích để giải quyết xung đột ở Syria
VOV.VN -Hiện Mỹ và Nga vẫn còn những bất đồng sâu sắc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Ngày 14/8, Liên Hợp Quốc trong một thông cáo báo chí đã cho biết, ngày lên đường của phái đoàn thanh tra về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria “đã cận kề” sau khi giới chức Syria vừa chính thức chấp nhận các quy định cần thiết để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho nhiệm vụ của phái đoàn này.
Trước đó ngày 12/8, Liên Hợp Quốc đã bác bỏ tin tức cho rằng các chuyên gia vũ khí hóa học đã hoãn chuyến thanh sát Syria. Phát ngôn viên Eduardo del Buey cho hay, phái đoàn thanh sát “đã tập trung ở La Hay, và công tác hậu cần cho chuyến đi đang được chuẩn bị”.
Thị trấn Khan al-Assal, ngoại ô Aleppo, tâm điểm của những tranh cãi về vũ khí hóa học ở Syria (Ảnh: Reuters) |
Liên Hợp Quốc cho biết, Syria đã đồng ý cho phép các thanh sát viên của họ đến kiểm tra 3 khu vực chiến sự mà các bên cáo buộc nhau có sử dụng vũ khí hóa học, trong đó có thị trấn Khan al-Assal, bên ngoài Aleppo.
Khan al-Assal đã trở thành trung tâm của những lời cáo buộc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học. Hồi tháng 3/2013, thị trấn này nằm dưới sự kiểm soát của quân chính phủ nhưng sau đó đã bị quân nổi dậy chiếm được hôm 22/7. Hai bên đã không ngừng đổ lỗi cho nhau về việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến tại đây.
Liên Hợp Quốc cho biết họ đã nhận được 13 báo cáo liên quan đến những cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến ở Syria.
Mỹ, Nga tranh cãi gay gắt về vũ khí hóa học ở Syria
Ngày 13/6, ông Ben Rhodes, phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Barak Obama đưa ra tuyên bố cho rằng, các thông tin tình báo của Mỹ cho thấy chính quyền Tổng thống Assad đã sử dụng vũ khí hóa học, bao gồm chất độc thần kinh sarin trên quy mô nhỏ nhiều lần trong các cuộc giao tranh năm ngoái.
Ông Rhodes cũng cho rằng việc sử dụng vũ khí hóa học vi phạm luật quốc tế và rõ ràng vượt qua "ranh giới đỏ", vốn tồn tại trong cộng đồng quốc tế trong nhiều thập kỷ qua.
Ngay lập tức phía Nga đã có những phản ứng quyết liệt trước thông tin trên. Tờ RIA Novosti dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov nói: "Thông tin về việc chính quyền Tổng thống al-Assad sử dụng vũ khí hóa học là bịa đặt, tương tự như sự dối trá về vũ khí hủy diệt hàng loạt của ông Saddam Hussein ở Iraq”.
Cố vấn các vấn đề đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov, cũng cho rằng thông tin giới chức Mỹ cung cấp cho Nga "không thuyết phục" và phi thực tế.
Sau đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin ngày 9/7 cho biết, Nga có bằng chứng khẳng định các quả tên lửa đánh vào ngoại ô thành phố Aleppo của Syria hôm 19/3 có chứa chất độc thần kinh sarin.
Ông Churkin cho hay, các chuyên gia của Nga đã tới Khan al-Assal thị sát và lấy một số mẫu vật từ hiện trường vụ tấn công bằng tên lửa. Những mẫu này sau đó được đem đi phân tích tại một phòng thí nghiệm của Nga đã được Tổ chức cấm vũ khí hạt nhân chứng nhận.
Ông Churkin cho biết, một bản báo cáo dài 80 trang đã được gửi tới Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon. Trong đó, các kết quả phân tích cho thấy rõ ràng rằng vũ khí mà phe nổi dậy sử dụng ở Khan al-Assal chứa khí sarin độc hại nhưng không phải là loại sản xuất công nghiệp.
Vũ khí hóa học, cái cớ để can thiệp quân sự vào Syria
Khi Mỹ công bố những thông tin tình báo cáo buộc việc Chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học đã làm dấy lên những quan ngại về việc Syria có thể trở thành một Iraq thứ hai. Tuy nhiên, có vẻ như Washington đang phải đối mặt với những khó khăn hơn nhiều trong vấn đề Syria.
Các quan chức trong chính phủ Mỹ tính toán chi phí để lật đổ được chế độ Assad là quá lớn so với ngân sách quốc phòng vốn đang ngày càng bị thắt chặt hơn.
Cả 2 phe không ngừng đổ lỗi cho nhau về việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến (Ảnh: AP) |
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey đã tỏ ra bi quan về khả năng can thiệp quân sự vào Syria trong đó có khả năng thiết lập một "vùng cấm bay" nhằm hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy tương tự như điều đã làm với Libya năm 2011.
Hồi giữa tháng 7 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua bản kế hoạch viện trợ vũ khí cho phiến quân Syria. Dự kiến lô vũ khí sẽ được chuyển giao cho lực lượng phiến quân vào đầu tháng 8. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện khiến lực lượng này lâm vào cảnh bị “bỏ rơi và tuyệt vọng”.
Mới đây, phó Giám đốc CIA Michael Morrell đã lên tiếng cảnh báo, sự sụp đổ của chính phủ Syria – quốc gia sở hữu kho vũ khí hóa học, cùng nhiều trang thiết hiện đại khác, có thể sẽ tạo điều kiện cho al-Qaeda tiếp cận được các loại vũ khí cũng như công nghệ sử dụng chúng.
Thực hư về kho vũ khí hóa học của Syria vẫn là một ẩn số, tuy nhiên nhiều người cho rằng kho vũ khí hóa học của Syria đã có từ nhiều thập kỷ trước, thậm chí còn có quy mô lớn nhất nhì tại Trung Đông. Mặc dù vậy, do Damascus từ chối ký Công ước năm 1992 về Vũ khí Hóa học (CWC), cấm việc sử dụng, sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học, nên các nước cũng có rất ít thông tin chính xác về kho vũ khí này.
Đối với Nga, theo Thỏa thuận Geneva ngày 30/6/2012, chỉ có giải pháp thương lượng mới cho phép nước này thoát khỏi tình trạng bế tắc Syria. Vì vậy, Nga luôn cố giữ một thái độ trung lập và công bằng, ưu tiên cho việc nối lại đàm giữa các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng, làm nền tảng cho sự chuyển giao dân chủ trong tương lai, Nga cũng không loại trừ việc thay thế chính quyền Assad nếu người dân Syria mong muốn.
Để làm được việc này, Nga công khai phản đối việc liên minh Arab và phương Tây coi việc Tổng thống Assad phải ra đi là điều kiện tiên quyết. Cũng vì vậy, Nga cùng với Trung Quốc, đã nhiều lần phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ do các thành viên của liên minh này ủng hộ phe đối lập chống lại chế độ Assad.
Trước những cáo buộc của Mỹ về việc Nga cung cấp vũ khí cho chính quyền Tổng thống Assad, Nga vẫn thường xuyên nhắc lại quan điểm rằng việc họ bán vũ khí cho Syria hoàn toàn nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, đồng thời cảnh báo nếu Mỹ và châu Âu cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy sẽ càng làm cho tình hình thêm tồi tệ. Nga cho rằng “bất kỳ quyết định nào về cung cấp vũ khí cho phe đối lập dựa trên những cáo buộc vô căn cứ việc Damas sử dụng vũ khí hóa học chỉ gây bất ổn thêm tình hình”.
Phía Nga cũng đang yêu cầu tìm kiếm thỏa thuận để Hội nghị Geneva 2 giữa các bên liên quan tới vấn đề Syria được tổ chức càng sớm càng tốt.
Trả lời hãng Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết: “Moscow dự đoán Hội nghị Geneva 2 có thể được tổ chức vào tháng 9 tới. Đồng thời Nga cũng rất mong đợi Iran sẽ tham gia hội nghị này”.
Theo các chuyên gia phân tích, đối với Mỹ, mục tiêu hiện tại để tranh giành ảnh hưởng trên bàn đàm phán chỉ có thể vớt vát bởi “bằng chứng cho mối đe dọa từ vũ khí hóa học của phe Tổng thống Assad".
Như vậy, rõ ràng “chiêu bài” vũ khí hóa học sẽ là cái cớ mà các bên có liên quan sẽ sử dụng để giải quyết xung đột hiện tại ở Syria. Những con số thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy, kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu nổ ra hồi tháng 3/2011 cho đến nay, đã có hơn 100.000 người thiệt mạng và khoảng 7,8 triệu người mất nhà cửa./.