Vũ khí hóa học ở Syria: “Xây cũng lâu, hủy cũng khó”
VOV.VN - Việc phá hủy số vũ khí hóa học lớn ở Syria sẽ khiến các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc phải cực kỳ “lao tâm khổ tứ”.
Hơn thế nữa chính quyền nước này lại đang chơi trò “câu giờ” nhằm che dấu số lượng vũ khí hóa học bị cấm mà họ sở hữu.
Mạng lưới vũ khí hóa học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bao gồm một loạt boong ke ngầm ở các vùng xa xôi của nước này nơi chôn giấu hàng trăm tấn khí gây tổn hại thần kinh, các quả tên lửa Scud và đạn pháo được trộn khí cyanide cũng như hàng loạt các nhà máy nằm sâu trong các khu vực còn tranh chấp đã từng được dùng để sản xuất mù tạc (còn gọi là khí VX), các chuyên gia cho hay.
“Kho vũ khí hóa học của Syria là rất lớn. Ông Assad sở hữu những chương trình sản xuất vũ khí hóa học lớn nhất trong khu vực và thậm chí là cả trên toàn thế giới”, Dieter Rothbacher, một cựu thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc ở Iraq-người đang đào tạo cho một nhóm thanh sát viên vừa trở về từ Syria, cho biết.
Các thanh sát viên LHQ đang thu thập mẫu vũ khí hóa học ở Syria (Ảnh Guardian) |
“Để có thể bảo vệ kho vũ khí này thì cần tới 75,000 bộ binh”, ông nói. “Cần phải mất tới 3 năm để có thể phá hủy kho vũ khí này dưới giám sát của Liên Hợp Quốc”.
Đầu tiên cần phải có một thỏa thuận thật chặt chẽ có thể bằng việc Syria tham gia vào Công ước quốc tế về vũ khí hóa học hoặc nhiều khả năng hơn là thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Syria từ bỏ quyền kiểm soát vũ khí hóa học.
Điều này tương tự với tình hình tại Iraq khi một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc buộc Iraq phải tuyên bố phá hủy kho vũ khí hóa học của mình. Một vài lực lượng quân đội đã sẵn sàng chuẩn bị cho khả năng này, ông Rothbacher nói.
Chương trình vũ khí hóa học của Syria được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước thông qua sự hỗ trợ của Iran và Nga và được cung cấp các loại hóa chất dạng thô từ các công ty phương Tây nhằm chống lại Israel.
Theo các thông tin tình báo của phương Tây các kho vũ khí hóa học của Syria nằm rải rác ở hàng tá địa điểm khác nhau và một số còn được chôn ngầm dưới đất.
Cùng với Ai Cập và Israel ở Trung Đông, Syria là một trong số bảy nước trên thế giới chưa là thành viên của Công ước quốc tế về vũ khí hóa học năm 1993, được giám sát bởi Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học có trụ sở tại La Hay, Hà Lan
Ngay cả khi Syria tuân thủ đề xuất của Nga đưa ra trong tuần này và cho phép các thanh sát viên vào nước này thì cũng không có gì đảm bảo rằng việc tiêu hủy vũ khí này được “thuận buồm xuôi gió”.
Lại trò “mèo vờn chuột”
Cuộc nội chiến của Syria đến nay đã bước sang năm thứ 3 và khiến cho hơn 100.000 người thiệt mạng. Đấy là chưa tính đến 1.400 người bị chết trong vụ tấn công bằng khí gas ở Damascus hôm 21/8 và rõ ràng là vấn đề an ninh đang mối quan tâm hàng đầu.
“Các tên lửa hành trình phóng trên đầu chúng tôi khi chúng tôi làm việc ở Baghdad và chúng tôi phải bay khỏi Iraq hàng ngày để tránh bị đánh trúng,” ông Rothbacher nói.
Các thanh sát viên có thể bắt đầu công việc ở Syria bằng việc thiết lập bản đồ các khu vực bị nghi ngờ và đến tận nơi xem xét trước khi đưa số vũ khí hóa học tại đó đến một cơ sở để tiêu hủy.
“Người Iraq đã di tản hết số đạn dược và vũ khí hóa học của mình. Họ phân tán chúng ra và làm cho công việc của chúng tôi trở nên khó khăn hơn”, ông Rothbacher mô tả cách quân đội của Tổng thống Iraq Saddam Hussein cố gắng làm thất bại nỗ lực của đội ngũ thanh sát viên.
Các quan chức Mỹ cũng tin rằng Syria đã di tản hết các kho vũ khí hóa học của mình để “làm khó” Mỹ.
Trong khi đó quân đội và tình báo của Syria cho rằng việc tiêu hủy số vũ khí hóa học là một sự hy sinh khủng khiếp và sẽ khiến cho vị thế chiến lược của nước này trong khu vực cũng như ở trong nước suy giảm đáng kể.
“Rất khó để có thể kiểm soát chặt chẽ các địa điểm có vũ khí hóa học được đặt trong các khu đô thị đang chìm trong giao chiến”, Smithson nói./.