Vũ khí phương Tây thay đổi tình thế của Nga và Ukraine thế nào?
VOV.VN - Mặc dù trước đó Ukraine có thể tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga bằng UAV sản xuất nội địa nhưng việc nhận được tên lửa tầm xa ATACMS khiến những cuộc tấn công này hiệu quả hơn nhiều. Giới quan sát cho biết, hiện Nga không thể nhắm vào khu vực Kharkov bằng các hệ thống tên lửa S-300 và S-400.
Bankir và các đồng đội đang cố gắng đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga dọc tiền tuyến Ukraine trong hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, phải đến bây giờ họ mới có thể tấn công vào trong lãnh thổ của Moscow. Việc Mỹ và đồng minh cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào Nga đã tạo nên tác động to lớn. Bankir cho biết: "Chúng tôi đã phá hủy các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Quân đội Nga không còn cảm nhận được an ninh và an toàn nữa".
Sau nhiều tháng ở thế bất lợi do thiếu đạn dược và nhân lực, Kiev cuối cùng đã có được lợi thế đầy đủ từ sự hỗ trợ quân sự của phương Tây, bắt đầu đến nước này vào tháng trước sau một thời gian dài trì hoãn.
Các binh lính trên tiền tuyến cho biết các vũ khí mới được cung cấp đang bắt đầu tạo nên khác biệt, nhất là khi Ukraine có thể sử dụng chúng để tấn công xuyên biên giới.
"Chúng tôi có thể nhìn thấy tác động của gói hỗ trợ này hàng ngày. Pháo, hệ thống tên lửa phóng loạt tầm xa cùng các loại đạn và bom chùm đang tác động đến bức tranh chiến trường nói chung", Ivan, một sĩ quan thuộc lữ đoàn pháo binh 148 của Ukraine nhận định với CNN.
Ivan cho biết: "Chúng tôi đang triển khai các hệ thống vũ khí hiệu quả nhất trong khu vực - những nơi mà Nga đang cố gắng xuyên thủng phòng tuyến. Đã có sự suy giảm đáng kể các cuộc tấn công của Moscow".
Trong khi Kiev chưa thể giành được các vùng lãnh thổ lớn thì nước này đã thành công tránh được một thảm họa: đó là việc Moscow giành được Kharkov - thành phố lớn thứ hai Ukraine.
Sự thay đổi trên chiến trường Ukraine
Một phần của khu vực Kharkov ở phía Bắc, trong đó có các thành phố Izium, Kupiansk và Balakliia đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga không lâu sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022 cho tới khi Kiev giành lại vào mùa thu cùng năm.
Vào tháng 5/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào khu vực này và cố gắng khai thác tình trạng thiếu thốn đạn dược của Ukraine trước khi các vũ khí của phương Tây được chuyển giao.
Lo ngại căng thẳng leo thang, Mỹ và đồng minh từ lâu đã cấm Ukraine sử dụng vũ khí tấn công vào lãnh thổ Nga mà chỉ giới hạn việc sử dụng chúng trong những khu vực ở Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Moscow.
Điều đó cho phép Nga sử dụng các khu vực biên giới như những địa điểm triển khai lực lượng an toàn để tiến hành các cuộc tấn công.
"Nga biết Ukraine không có khả năng nhắm vào những mục tiêu này trên lãnh thổ của mình. Nếu quyết định hỗ trợ không được đưa ra, nếu chúng ta mất đi sự ủng hộ quân sự của Mỹ thì đó sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi", chuyên gia an ninh quốc tế Oleksiy Melnyk, cựu quan chức quốc phòng Ukraine, hiện là giám đốc các chương trình an ninh quốc tế và đối ngoại tại Trung tâm Razumkov ở Kiev nhận định.
Tuy nhiên, khả năng Nga chiếm được Kharkov đã khiến một số đối tác của Ukraine, trong đó có Mỹ dỡ bỏ các hạn chế. Điều này cho phép Kiev tấn công và gây tổn thất nghiêm trọng cho các mục tiêu quan trọng trong lãnh thổ Nga. Theo các quan chức quốc phòng Ukraine, những mục tiêu này bao gồm bốt chỉ huy ở Belgorod, một kho đạn ở Voronezh, một cơ sở sản xuất UAV và một sân bay ở Krasnodar, các trung tâm liên lạc ở Bryansk cùng một vài địa điểm ở Crimea.
Việc nhận được các hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS thực sự là nhân tố thay đổi cuộc chơi, ông Melnyk nói. Trong khi trước đó Ukraine có thể tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, sử dụng các UAV sản xuất nội địa thì ATACMS khiến những cuộc tấn công này hiệu quả hơn nhiều.
"Tốc độ rất quan trọng. Khi thực hiện các cuộc tấn công bằng UAV, Nga có nhiều giờ để phản ứng bởi họ có thể xác định các UAV của Ukraine từ sớm. Các phi công Nga có thể uống cà phê và hút thuốc trước khi vào buồng lái và cất cánh để bắn hạ nó. Nhưng với các tên lửa ATACMS thì vài phút rất quan trọng", chuyên gia này cho hay.
Konrad Muzyka, một nhà phân tích quốc phòng độc lập, đồng thời là giám đốc công ty tham vấn Rochan Consulting cho biết, Nga không còn có thể nhắm vào khu vực Kharkov bằng các hệ thống tên lửa S-300 và S-400.
Chuyên gia này nhận định: "Ukraine bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa HIMARS nhằm vào các mục tiêu ở Belgorod và buộc Nga phải đưa các hệ thống S-300 được sử dụng để tấn công Kharkov ra xa hơn, vì thế, hiện nay Kharkov nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống S-300".
Trong khi Nga chuyển sang sử dụng bom lượn - loại bom được gắn thêm cánh và thả từ chiến đấu cơ ở khoảng cách 60 - 70km nằm ngoài tầm hoạt động của hệ thống phòng không Ukraine thì việc loại bỏ được mối đe dọa từ S-300 đã khiến Ukraine giảm bớt một vài sức ép ở Kharkov.
Tình thế của Ukraine
Trong khi các vũ khí mới đang tạo nên một vài khác biệt thì Ukraine vẫn còn một chặng đường dài để có thể đẩy lùi các lực lượng của Nga khỏi lãnh thổ. Một sĩ quan thuộc lữ đoàn pháo binh 148 có biệt danh là Senator cho biết, Kiev vẫn cần thêm nhiều thứ.
"Hiện Ukraine chưa đủ khả năng để đảo chiều xung đột. Chúng tôi đủ sức giữ chân đối phương nhưng không thể thay đổi đáng kể tình hình", sĩ quan này cho hay. Theo ông, "đối phương hiện đã kiệt sức nhưng không bị phá hủy", đồng thời chỉ ra rằng Nga vẫn chiếm ưu thế trên không ở Ukraine.
Kiev hiện đang đặt hy vọng vào các tiêm kích F-16 khi các phi công đầu tiên của nước này đã hoàn thành đợt huấn luyện ở Mỹ vào mùa hè. Tuy nhiên chuyên gia Muzyka nhận định, các tiêm kích này "còn xa" mới mang đến thay đổi lớn cho Ukraine.
"Các tiêm kích F-16 là những chiến đấu cơ từ những năm 1980 và 1990. Khả năng của chúng vẫn kém hơn máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga", chuyên gia này đánh giá và nói rằng các tiêm kích mới nhất của Nga sẽ chiếm ưu thế trong cuộc không chiến với F-16. Dù vậy, Ukraine vẫn có thể sử dụng F-16 để cản trở Nga kiểm soát không phận và để đẩy lùi các máy bay ném bom.
Trên thực tế, các vũ khí mới chỉ giải quyết được một phần của vấn đề.
"Nếu không có thêm các gói hỗ trợ bổ sung, tình hình của Ukraine sẽ tồi tệ hơn nhiều so với hiện nay nhưng đồng thời, tình hình này chỉ là kết quả của việc Quốc hội Mỹ hành động chưa đủ. Nó cũng là kết quả của những quyết định được đưa ra và không được đưa ra tại Kiev, đặc biệt trong việc huy động lực lượng", chuyên gia Muzyka nói.
Luật huy động mới của Ukraine, yêu cầu tất cả nam giới từ 18 - 60 tuổi nhập ngũ, đã có hiệu lực vào tháng 5/2024. Trong khi Ukraine đã tuyển thêm đáng kể binh lính trong 1 tháng rưỡi qua thì nước này cần thời gian để các tân binh được huấn luyện và sẵn sàng ra tiền tuyến.
"Ukraine sẽ ở trong tình thế vô cùng khó khăn trong tháng 8 và tháng 9 - khi mà các binh lính được huy động lần đầu ra tiền tuyến. Nếu họ có thể vượt qua thời điểm này thì nhiều khả năng họ sẽ xoay xở để ổn định tình hình từ tháng 8 trở đi nhưng nếu điều đó không xảy ra thì Nga sẽ đạt thêm thành quả".
Ông Muzyka cũng cho biết với những vũ khí mới đang đến, cùng với các tiểu đoàn và lữ đoàn được bổ sung lực lượng, Ukraine sẽ cần quyết định các động thái tiếp theo của mình.
"Hiện chưa rõ các kế hoạch và chiến lược phản công là gì? Vấn đề là Ukraine đang chờ các thiết bị phương Tây còn phương Tây thì đang chờ các kế hoạch của Ukraine cho tương lai", ông Muzyka bình luận.
Thời gian chính làm điều cốt yếu ở đây. Các chuyên gia ước tính, gói hỗ trợ trị giá 60 tỷ USD của Mỹ được thông qua vào đầu năm nay, sẽ giúp Ukraine kéo dài từ 1 năm đến 18 tháng.
Các đối tác của Ukraine đã đưa ra những cam kết hỗ trợ vũ khí mới trong tuần này trong khi tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi dỡ bỏ tất cả hạn chế về việc sử dụng chúng. Giữa bối cảnh cựu Tổng thống Trump có thể trở lại Nhà Trắng vào tháng 11 tới, nhà lãnh đạo Ukraine hầu như không còn nhiều thời gian.