Vụ máy bay MH370: Thêm giả thiết mới
VOV.VN- Máy bay MH370 đã không lao cắm đầu xuống mà chỉ lướt trên mặt biển sau khi đã hết nhiên liệu.
Giả thiết từ mảnh vỡ vừa tìm được
Theo Bloomberg, hai cựu nhân viên điều tra Greg Feith và Jim Wildey của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ và Chủ tịch Hãng tư vấn hàng không Tecop International Hans Weber, cho rằng, việc mảnh vỡ vừa tìm thấy trên đảo Reunion hầu như không bị phá hủy nhiều cho thấy chiếc máy bay MH370 đã chạm mặt nước nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với việc lao cắm đầu xuống đất.
Tàu và máy bay của Australia tham gia tìm kiếm máy bay MH370 trên Ấn Độ Dương (Ảnh AP) |
“Mảnh vỡ đó vẫn giữ nguyên được hình dáng của mình. Nó không bị vỡ tan ra”, ông Feith nói: “Bạn có thể rút ra kết luận rằng, chiếc máy bay này đã lướt trên mặt biển sau khi cạn năng lượng”.
Trước đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 6/8 khẳng định, mảnh vỡ này được xác nhận là từ máy bay MH370.
Tuy nhiên, phát hiện này không giúp các nhà điều tra và các thân nhân hiểu thêm gì nhiều về việc vì sao chiếc máy bay MH370 lại đổi hướng bay ở phút cuối cùng và điều gì đã xảy ra tại thời điểm đó?
Hiện vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn nào về việc máy bay này lao xuống biển như thế nào chứ chưa nói gì đến chuyện các phi công có đang điều khiển máy bay lúc đó hay không.
“Các phi công khác đều cho rằng, máy bay MH370 đã rơi xuống mặt nước ở một góc rất gần và dường như mảnh vỡ này rơi ra khi chiếc máy bay này bị kéo lê trên mặt nước”, bà Tracy Lamb một chuyên gia an toàn hàng không và là cựu phi công lái máy bay Boeing 737 cho biết.
Bất chấp phần thân có phần nặng nề của mình, các máy bay thương mại hoàn toàn có thể lướt trên không một khoảng khá dài mà không cần nhiên liệu.
Sau khi những con chim mắc kẹt trong các động cơ của chiếc máy bay The Bronx vào năm 2009 khiến nó ngừng hoạt động, chiếc máy bay của hãng US Airways vẫn kịp quay đầu và bay được khoảng 2/3 chiều dài của đảo Manhattan trước khi hạ cánh xuống sông Hudson.
Trước đó, trong sự cố hết nhiên liệu năm 2001, một chiếc A330 bay từ Toronto đến Lisbon đã lướt thêm 144km trên Đại Tây Dương trước khi hạ cánh 19 phút sau đó tại một sân bay trên đảo Arozes.
Việc tìm kiếm giờ mới đi đúng hướng?
Điều này có thể giúp lý giải vì sao việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 ở dưới đáy đại dương ở khu vực được cho là gần với nơi máy bay hết nhiên liệu nhất không đem lại kết quả gì.
Ban đầu Cục An toàn Hàng không Australia chỉ tìm trong một khu vực trải rộng khoảng 10 hải lý vuông dựa trên giả thiết rằng chiếc máy bay này gần như lao thẳng đứng xuống biển.
Sau đó, khu vực này nhanh chóng được mở rộng ra rất nhiều để phù hợp với giả thiết rằng chiếc máy bay này hết nhiên liệu và có thể lướt trên mặt biển trước khi chìm xuống đáy biển. Giả thiết này có thể giúp lý giải việc không tìm thấy nhiều mảnh vỡ trên mặt biển.
“Rất khó có khả năng chiếc máy bay này lao thẳng xuống biển bởi mảnh vỡ vừa được tìm thấy khá lớn và hầu như không bị hủy hoại gì”, ông Weber nói.
Theo ông Weber, nếu bị rơi thẳng xuống biển, những bộ phận có kích thước lớn của chiếc máy bay này sẽ tan thành nhiều mảnh.
Các nhân viên điều tra của Pháp tập trung tại đảo Reunion sau khi mảnh vỡ của máy bay MH370 được phát hiện (Ảnh AFP) |
Việc không tìm thấy các mảnh vỡ từ máy bay MH370 là một thách thức lớn đối với các nhà điều tra. Trong rất nhiều vụ tai nạn máy bay trên biển trước đó, các nhân viên điều tra đều phát hiện ra những mảnh vỡ trôi nổi trên mặt nước.
“Vào thời điểm này, đa số các mảnh vỡ nếu có trôi nổi trên biển của máy bay MH370 đều đã chìm hoặc đã bị phân hủy hết. Cơ hội để tìm ra và vớt những mảnh vỡ đó trên mặt biển đã biến mất nhanh chóng chỉ vài tuần sau khi chiếc máy bay gặp nạn”, Cục An toàn Hàng không Australia nhận định.
Trước đó, hồi tháng 5, Phó Thủ tướng Australia Warren Truss cho biết, các nhà điều tra đã rà soát kỹ lưỡng một khu vực rộng tới 4,6 triệu km2 trên đại dương. Trong đó, đã có 29 máy bay và 14 tàu của các nước tham gia chiến dịch tìm kiếm MH370.
Cục An toàn Hàng không Australia ngày 5/8 khẳng định việc tìm kiếm đã bắt đầu đi đúng hướng và nhiều khả năng các nhóm tìm kiếm có thể phát hiện ra mảnh vỡ của chiếc MH370.
Những giả thiết khác
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại đưa ra những lời giải thích khác về việc tại sao mảnh vỡ vừa tìm được lại không bị hủy hoại nhiều.
Theo ông Jim Wildey, rất có thể các phần khác của chiếc máy bay này đã hứng hết lực va chạm của chiếc máy bay này khi nó lao xuống biển và phần cánh máy bay không bị tổn hại nhiều.
Dù hình ảnh của mảnh vỡ vừa tìm được cho thấy nhiều khả năng vụ va chạm là không quá mạnh nhưng “nếu họ chỉ tìm được một mảnh vỡ” thì rất khó có thể chắc chắn về việc vụ tai nạn MH370 diễn ra như thế nào”, ông Wildey nói.
Các chuyên gia phân tích tập trung tại Toulouse (Pháp) để xem xét mảnh vỡ vừa tìm được (Ảnh AP) |
Dù vậy, giới phi công vẫn không ngừng đưa ra những phỏng đoán khác nhau về thời điểm trước khi MH370 gặp nạn.
“Hiện có rất nhiều phi công đưa ra phỏng đoán rằng, các phi công trên máy bay đã nắm quyền kiểm soát khi máy bay gặp nạn”, ông Lamb nói. Theo đó, ít nhất một phi công đã điều chỉnh cần lái để máy bay tránh được việc lao thẳng mà chỉ lướt trên mặt biển.
Dù vậy, ông Weber cho rằng, việc giải đáp được bí ẩn của vụ MH370 sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc phân tích chi tiết mảnh vỡ máy bay vừa tìm được. Ngoài ra, việc tìm ra được hộp đen máy bay sẽ giúp ích rất nhiều trong việc đưa ra kết luận cuối cùng./.