Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm, nhiều nước thành “bạn hàng” của Mỹ
VOV.VN - Cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng cùng với việc ngày càng nhiều nước coi Trung Quốc là mối đe dọa khiến việc xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh sụt giảm khi nhiều nước chọn Washington là “bạn hàng”.
Lo ngại mối đe dọa từ Trung Quốc, nhiều nước thành “bạn hàng” của Mỹ
Doanh thu xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã sụt giảm trong 5 năm qua, một xu hướng mà các chuyên gia cho rằng chính những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc mua nhiều vũ khí Mỹ hơn.
Một số chuyên gia quân sự thì đánh giá, việc xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm chủ yếu là do nỗ lực của cựu Tổng thống Trump trong việc mở rộng xuất khẩu vũ khí Mỹ giữa bối cảnh nhận thức về Trung Quốc như một mối đe dọa trong khu vực ngày càng gia tăng trong khi đại dịch Coivd-19 cũng ảnh hưởng phần nào đến thương mại quốc tế, bao gồm cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.
Mỹ tiếp tục dẫn đầu cuộc đua xuất khẩu vũ khí khi chiếm 37% thị phần từ năm 2016 - 2020, tăng 15% so với khoảng thời gian từ 2011 - 2015, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay. Nga chiếm 20% thị phần nhưng đã giảm 22% lượng vũ khí xuất khẩu do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Mỹ trong hầu hết khu vực.
Cũng theo báo cáo trên, Pháp và Đức là các nhà xuất khẩu vũ khí lần lượt xếp thứ 3 và thứ 4.
Nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới là Trung Quốc với doanh thu chiếm khoảng 5,2% tổng vũ khí xuất khẩu từ năm 2016 - 2020. Tuy nhiên, việc xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong suốt giai đoạn này đã giảm 7,8% so với giai đoạn trước đó từ 2011 - 2015.
Chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết xu hướng này là do nỗ lực của chính quyền cựu Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy các đồng minh trong khu vực mua vũ khí của Mỹ, cũng như từ chối mua vũ khí của Nga và Trung Quốc với lập luận rằng Bắc Kinh là một mối đe dọa ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
"Bản thân ông Trump đã là một nhà đàm phán vũ khí lớn, người chủ định khuấy động những căng thẳng trong khu vực, thúc đẩy nhiều quốc gia ở châu Á mua vũ khí do Mỹ sản xuất. Đây là một động thái làm tăng hoạt động xuất khẩu vũ khí của Washington", ông Song nhận định.
Báo cáo cũng nói rằng việc nhập khẩu vũ khí của Nhật Bản đã tăng 12,4% trong 5 năm qua. Các báo cáo trước đó cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch chi 240 tỷ USD từ tháng 4/2019 - 3/2024 để thúc đẩy khả năng phòng thủ tên lửa và tấn công trên không nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên không và trên biển, cũng như mối đe dọa tên lửa từ phía Triều Tiên.
Tháng 7/2020, Nhật Bản thông báo kế hoạch mua 105 chiến đấu cơ F-35 từ Mỹ với chi phí là 23 tỷ USD.
Tập trung phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa
Trái với xu hướng trên, việc nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ lại giảm 33% từ năm 2016 - 2020 so với giai đoạn trước đó nhưng báo cáo trên cho rằng việc suy giảm này chủ yếu do các quy trình thủ tục kéo dài của nước này. Việc nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trong 5 năm tới do nước này ngày càng lo ngại về mối đe dọa từ Pakistan và Trung Quốc.
"Với nhiều nước ở châu Á và châu Đại Dương, quan điểm cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa chính là động lực chính cho việc nhập khẩu vũ khí. Nhiều hợp đồng nhập khẩu lớn đã được lên kế hoạch và một số quốc gia trong khu vực đang hướng tới tự sản xuất các vũ khí của mình", nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI Siemon Wezeman đánh giá.
Yogesh Gupta, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Đan Mạch và là một chuyên gia về quan hệ Trung - Ấn cho biết, Ấn Độ đang cố gắng đa dạng hóa việc nhập khẩu vũ khí.
"Quân đội Ấn Độ đang nhập các loại vũ khí từ Mỹ, Nga, Pháp và một số nước khác. Một xu hướng mới hiện nay là tập trung vào việc phát triển ngành công nghiệp vũ khí nội địa, cũng như khả năng nắm bắt các công nghệ mới".
Một báo cáo được Bộ Quốc phòng Ấn Độ công bố hồi tháng 10/2020 cho biết quân đội Ấn Độ đã tăng việc mua vũ khí trong nước và nước ngoài sau xung đột biên giới với Trung Quốc, đồng thời củng cố an ninh biên giới trước những đe dọa từ Pakistan.
Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng về vấn đề biên giới trong hàng thập kỷ kể từ cuộc đụng độ đẫm máu năm 1962. Một cuộc xung đột hồi tháng 6 năm ngoái đã khiến 20 binh lính Ấn Độ thương vong trong khi phía Trung Quốc xác nhận 4 binh lính thiệt mạng và 1 người bị thương.
Chính phủ Ấn Độ đã hoàn tất lộ trình năm 2019 để dành 130 tỷ USD nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và thúc đẩy khả năng đối phó hiệu quả với các thách thức từ các nước láng giềng như Pakistan và Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay.
“Ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ vẫn chưa phát triển đầy đủ. Việc thiếu khả năng và trước các nhu cầu an ninh cấp bách buộc Ấn Độ phải mua vũ khí và các trang thiết bị từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trọng tâm của chính phủ Ấn Độ đã thay đổi khi chú trọng hơn đến ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, bao gồm cả sự tham gia ngày càng tăng của các ngành tư nhân", Rajeev Ranjan Chaturvedy, học giả cấp cao tại trung tâm nghiên cứu Asian Confluence ở Shillong, Ấn Độ cho hay./.