Xung đột Ukraine: Nga giành lợi thế nhờ băng giá mùa đông
VOV.VN - Trong văn hóa Nga, mùa đông vẫn là mùa chiến dịch. Khi bùn khô và thời tiết thực sự băng giá, Nga có thêm nhiều lợi thế trong cuộc xung đột quân sự với Ukraine.
Điều thuận lợi trái với suy nghĩ của nhiều người
Mùa đông đã tới trên chiến trường Ukraine. Có một thực tế ít người biết là mùa đông có lợi cho bên tấn công hơn bên phòng thủ. “Tướng Bùn” rút lui, “Nguyên soái Băng giá” tiến lên là điều kiện thuận lợi cho việc cơ động lực lượng trên chiến trường.
Việc tạm ngừng chiến trận vào mùa thu đã kết thúc, giờ đây tư lệnh, binh sĩ, lực lượng hậu cần và công binh của đôi bên bước vào một hoàn cảnh tác chiến mới.
Truyền thông phương Tây thường tuyên bố rằng mùa đông lạnh giá ở Ukraine sẽ khiến hai bên phải tạm ngừng tác chiến. Nhưng đây là sự hiểu lầm của Bắc Mỹ và Tây Âu. Trong văn hóa Nga, mùa tác chiến chủ yếu là mùa hè và mùa đông chứ không phải mùa xuân và mùa thu.
Trong thời kỳ “rasputitsa” (thời gian không có đường do bùn lầy) vào mùa xuân và mùa thu, đất khô biến thành bùn lầy khiến hoạt động cơ động rất khó khăn. Các xe tăng và xe bọc thép có thể vẫn vận hành trên nền bùn nhưng nhiều xe hỗ trợ chạy bằng bánh lốp (xe chở hàng, xe chở đạn, xe chở nhiên liệu, xe cứu thương) sẽ không thể di chuyển được.
Tình trạng rasputitsa từng gây khó khăn cho chính quân Nga vào đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ ở Ukraine.
Giữa mùa hè và mùa đông, mùa hè là thuận tiện nhất cho hoạt động tác chiến do mặt đất khô và ngày kéo dài.
Nhưng với người Nga và người Ukraine, đều đã quen với mùa đông khắc nghiệt, mặt đất đông cứng vào mùa đông cũng lý tưởng chẳng kém mùa hè nên các đoàn xe và đoàn ngựa có thể cơ động dễ dàng.
Thực tế, chính trong mùa đông, Nga giành được nhiều chiến thắng quân sự thuộc hàng vĩ đại nhất của mình.
Mùa đông năm 1812, các lực lượng Nga đã xua đuổi đại quân của Hoàng đế Pháp Napoleon khỏi thành phố Moscow, vượt qua vùng đồng bằng lạnh giá để trở về châu Âu.
Vào tháng 12/1941, một cuộc phản công của Hồng quân sử dụng các sư đoàn triển khai từ Siberia đã cứu nguy cho Moscow, giáng đòn choáng váng vào quân đội của Hitler, buộc Đức phải đối phó với hai mặt trận kéo dài.
Tháng 11/1942, quân đội Liên Xô chọc thủng phòng tuyến của Đức và đồng minh, bao vây Tập đoàn quân số 6 của Hitler ở Stalingrad. Sau đó quân đội phát xít Đức không thể phục hồi được nữa.
Mùa đông có lợi cho bên tấn công như thế nào?
Trong một cuộc chiến, bên giành chiến thắng là thông qua tấn công chứ không phải phòng ngự. Tấn công đòi hỏi di chuyển. Bùn cản trở di chuyển, còn băng giá thúc đẩy việc đó.
Steve Tharp - một trung tá về hưu của lục quân Mỹ từng trải qua các bài tập với thời tiết lạnh giá trên thao trường, nói: “Điều tệ hại nhất là bùn, đặc biệt là bùn lạnh. Bùn xuất hiện khắp nơi, khiến khó đi lại và làm những công việc đơn giản. Bùn bám vào quần áo, thực phẩm và cả khóa nòng của súng. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi thời tiết lạnh hơn. Khi đó, ngay cả xe bánh xích cũng di chuyển thuận lợi hơn”.
Mùa đông cũng khiến cho bên phòng thủ dễ bị tấn công hơn. Các công sự, chiến hào không còn được che phủ bằng tán cây (do cây rụng lá) nên dễ bị phát hiện. Cái lạnh của mùa đông cũng khiến lực lượng tuần tra thường xuyên quay về khu vực ấm, nơi các binh sĩ không trong ca trực sẽ tụ tập quanh các nguồn nhiệt dùng để sưởi ấm.
Douglas Nash - một sử gia về Mặt trận phía Đông trong Thế chiến II, cho biết việc dùng lửa để sưởi và đun nấu sẽ khiến các vị trí quân sự dễ bị lộ trước UAV và các thiết bị trinh sát của pháo binh đối phương.
Ông này phân tích: “Vào mùa đông có thể nhìn thấy mục tiêu ở rất xa. Mùa hè, thì mục tiêu có thể trộn lẫn với môi trường xung quanh”.
Thời xưa, mùa đông làm mờ mục tiêu, thời gian có ánh mặt trời ít khiến việc trinh sát bằng máy bay gặp khó khăn. Nhưng thời nay, các công nghệ hiện đại có thể nhìn xuyên mây và phát hiện ra ánh sáng hoặc dấu hiệu nhiệt của binh lính và xe quân sự.
Trong bóng tối mùa đông, khi diễn ra cận chiến, các thước ngắm nhiệt và kính nhìn đêm giúp nâng cao hiệu quả tác chiến của bộ binh.
Khi bên tấn công chọc thủng phòng tuyến đối phương, lực lượng rút lui sẽ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ dễ dàng. Vì mặt đất băng giá khi ấy sẽ rất khó, hoặc bất khả thi, cho việc đào hầm hào.
Tất nhiên, mùa đông vẫn gây khó cho hoạt động tác chiến so với mùa hè. Xe xích sẽ để lại dấu vết trên tuyết. Lá ngụy trang thiếu khiến việc tấn công dễ bị phát hiện từ trên không.
Ngoài ra còn có khó khăn về hậu cần (trong bảo dưỡng xe cộ, bảo đảm xe nổ máy được khi trời rất lạnh…). Xe cơ giới sẽ cần đến các loại dầu chống đóng băng. Các khẩu pháo cũng đến các chất lỏng chuyên dụng. Sức ép về hậu cần trong mùa đông thực sự tăng gấp đôi.
Chuyện lo quần áo ấm cho binh sĩ cũng là cả một vấn đề. Trung tá Steve Tharp phân tích: “Khi di chuyển, cơ thể bạn sản sinh nhiều nhiệt. Nhưng khi thôi vận động, mồ hôi lại đóng băng gây lạnh. Bạn cũng không thể di chuyển nếu mặc quá nhiều quần áo, và bạn không có thời gian để thay đồ”./.