Ý đồ của Trung Quốc khi ưu tiên vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển
VOV.VN - Các chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc giành ưu tiên hàng đầu trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 cho các nước đang phát triển là nhằm tìm cách gia tăng ảnh hưởng và quyền lực mềm.
Trong bối cảnh cuộc đua giành những liều vaccine ngừa Covid-19 đang nóng lên trên toàn cầu, Trung Quốc đã cam kết giành ưu tiên hàng đầu cho các nước châu Á, châu Phi tiếp cận các loại vaccine do nước này sản xuất – một động thái khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về ý đồ của Bắc Kinh.
Các công ty Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận với một số nước đang phát triển để tiến hành thử nghiệm và sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Theo các chuyên gia, động thái này có thể đặt sức ép lên những những nước được quyền ưu tiên tiếp cận vaccine của Trung Quốc, khiến họ có thể phải đổi lại bằng các lợi ích chính trị và thương mại cho Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ họ đang tìm kiếm lợi ích trong đó. Trung Quốc muốn mở rộng lợi ích thương mại và chiến lược ở những nước đó”, nhà phân tích Imogen Page-Jarrett thuộc Tổ chức tình báo kinh tế (có trụ sở tại Anh) nói.
Các nhà phân tích cho rằng vaccine có thể trở thành “công cụ giúp mở rộng ảnh hưởng và quyền lực mềm của Trung Quốc”, cũng như giúp xóa bỏ những nghi ngờ và chỉ trích cho rằng Trung Quốc là nước phải chịu trách nhiệm về đại dịch toàn cầu hiện nay.
Ông Jacob Mardell, thuộc của Viện Mercator nghiên cứu Trung Quốc (của Đức) cho rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc từng nói vaccine là một “hàng hóa công cộng toàn cầu” – nhưng họ cũng nói như vậy về tình bằng hữu và sự lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc. Cả 2 đều có liên kết chặt chẽ với nhau.
“Tôi nghĩ vaccine sẽ là một đòn bẩy thiết yếu”, ông Mardell nói
Về phần mình, Trung Quốc vẫn thường nói “sẽ không biến vaccine ngừa Covid-19 thành bất cứ công cụ ngoại giao hay vũ khí địa chính trị nào và Bắc Kinh phản đối việc chính trị hóa việc phát triển vaccine”.
Ý đồ của Bắc Kinh
Chong Ja Ian, Giáo sư về Khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng Trung Quốc có thể đề nghị hợp tác trên mọi vấn đề. Những khía cạnh đó có thể bao gồm thảo luận thực tiễn như Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, cũng như việc chấp nhận sử dụng của các sản phẩm công nghệ Trung Quốc.
Theo ông, có rất nhiều lợi ích song trùng giữa Trung Quốc với các nước mà Bắc Kinh đang “để mắt” tới. Cũng có nhiều lĩnh vực Trung Quốc muốn giành được ưu thế, nhất là trước Mỹ.
Tuy nhiên, giáo sư Chong cho rằng, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc muốn đem vaccine ra để “đổi chác” lấy một số lợi ích. Động cơ kiểu tư lợi như vậy không phải là đặc trưng chỉ với Trung Quốc. Bên cạnh đó chính các công ty dược phẩm đều muốn hưởng lợi từ việc bán vaccine.
“Dù anh có thể yêu cầu quá đáng hoặc đang tìm kiếm siêu lợi nhuận, câu hỏi đặt ra là anh có thể đi được bao xa”, giáo sư Chong nói.
Dựa trên những gì đã từng thấy trước đây, giáo sư Chong Ja Ian cho rằng Trung Quốc có thể sẽ đưa ra những đòi hỏi “bất cân xứng”.
Ngoại giao vaccine có thành công?
Việc Trung Quốc có thể giành được lợi thế chính trị từ vaccine hay không còn tùy thuộc vào độ an toàn và khả năng chi trả của các nước khác, theo các chuyên gia.
“Nếu vaccine Trung Quốc ít hiệu quả, ít an toàn hơn, thì nhu cầu đối với vaccine của nước này cũng sẽ giảm. Tất cả những điều này còn phụ thuộc vào dữ liệu được công bố”, ông Chong nói.
Các công ty dược phẩm ở Mỹ và châu Âu đã sẵn sàng công bố kết quả thử nghiệm, trong khi các dữ liệu từ Trung Quốc dường như vẫn chưa được công khai.
Trung Quốc hiện có 5 vaccine đang tiến thử nghiệm giai đoạn cuối và ít nhất 1 loại vaccine đang xin giấy phép phê duyệt.
Tuy nhiên, bà Page-Jarrett của cơ quan Tình báo kinh tế (EIU) cho rằng vẫn có lý do để tin tưởng vào vaccine của Trung Quốc.
“Nếu như Trung Quốc cần chủng ngừa cho người dân trong nước trước khi giành vaccine cho các nước khác, thì họ sẽ không tiến hành kế hoạch này với bất cứ loại vaccine nào thiếu độ an toàn và hiệu quả. Nếu vaccine ngừa Covid-19 do Trung Quốc phát triển phát sinh tác dụng phụ nghiêm trọng với ngay chính người dân của họ, thì điều đó sẽ đem lại tai tiếng xấu cho Bắc Kinh”, bà nói.
Trong khi đó, nhà phân tích Mardell từ Viện Mercator về nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, các loại vaccine hiệu quả cao được phát triển ở phương Tây đã bị các nước giàu “thâu tóm”. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ còn cơ hội cho vaccine Trung Quốc, đặc biệt là ở những nước đang phát triển không có đủ tiền cho các lựa chọn vaccine do Pfizer-BioNTech hay Moderna sản xuất.
Theo bà Page-Jarrett hầu hết các nước cũng đều đã ký thỏa thuận với các nhà cung cấp vaccine khác nhau vì “không ai muốn đặt tất cả trứng vào một giỏ”.
Trong khi đó, bên cạnh các yếu tố an toàn và hiệu quả trong lựa chọn vaccine, các nước Đông Nam Á cũng sẽ muốn duy trì sự trung lập và độc lập” chứ không muốn để mình bị gây sức ép bởi các thế lực bên ngoài./.