Yếu tố khó lường trong bầu cử tổng thống Mỹ tại các bang chiến địa

VOV.VN - Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, tại mỗi bang chiến địa đều có ít nhất một ứng cử viên của đảng thứ ba hoặc ứng viên độc lập trên lá phiếu.

Chỉ 3 tuần trước cuộc bầu cử được dự đoán là vô cùng sít sao, một yếu tố khó lường nữa đang xuất hiện: tại mỗi bang chiến địa, có ít nhất một ứng cử viên tổng thống của đảng thứ ba hoặc ứng viên độc lập trên lá phiếu.

Không ai trong số những ứng cử viên này có thể tiến gần đến chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Theo cuộc thăm dò của New York Times công bố tuần trước, Jill Stein, ứng cử viên của Đảng Xanh, đang có khoảng 1% trăm phiếu bầu trên toàn quốc. Ứng cử viên của Đảng Tự do Chase Oliver, cũng nhận được tỷ lệ ủng hộ tương đương.

Hiệu ứng “kẻ phá đám”

Tuy nhiên, sự xuất hiện của họ trên lá phiếu ở một số tiểu bang có thể lấy đi một số lượng phiếu bầu của các ứng cử viên đảng lớn đủ để làm thay đổi cuộc bầu cử theo cách nào đó, thậm chí đảo ngược tình thế tại đại cử tri đoàn. Tình huống như vậy gọi là hiệu ứng “kẻ phá đám”.

Để trở thành “kẻ phá đám” trong cuộc bầu cử, ứng cử viên của đảng thứ ba hoặc ứng viên độc lập sẽ “phải có lượng ủng hộ lớn hoặc cuộc bầu cử phải cực kỳ sít sao”, Bernard Tamas, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Valdosta State, tác giả một cuốn sách về các đảng thứ ba trong nền chính trị Mỹ, cho biết.

Trong những năm gần đây, đảng Dân chủ công khai quan ngại hơn đảng Cộng hòa về tác động của các ứng cử viên đảng thứ ba. Cuộc bầu cử lần này cũng không ngoại lệ. Theo quan điểm của họ, mọi lá phiếu không dành cho Phó Tổng thống Kamala Harris đều là phiếu bầu cho cựu Tổng thống Donald Trump.

“Kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng có thể được định đoạt bằng vài nghìn phiếu bầu tại một số ít tiểu bang. Những ứng cử viên của đảng thứ ba vẫn là mối đe dọa lớn”, Rahna Epting, Giám đốc điều hành của MoveOn, một nhóm hoạt động tự do, cho biết.

Ứng cử viên của Đảng Xanh Jill Stein là mối lo ngại chính của đảng Dân chủ khi cuộc bầu cử đang đến gần. Hôm 11/10, Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ đã phát hành một quảng cáo trên truyền hình chống lại bà Stein ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.

Đoạn quảng cáo đầu tiên của đảng Dân chủ chống lại một ứng cử viên của đảng thứ ba trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay nói rằng: “Một phiếu bầu cho bà Stein thực sự là một phiếu bầu cho ông Trump”.

Bà Stein có tên trên phiếu bầu ở 38 tiểu bang, trong đó có 6 bang chiến trường gồm Wisconsin, Pennsylvania, Michigan, Georgia, Bắc Carolina và Arizona.

Các đại diện của đảng Dân chủ cho rằng, các đồng minh của ông Trump đã ủng hộ những nỗ lực của bà Stein để bà có tên trên phiếu bầu ở các bang dao động.

Lá phiếu của bang Wisconsin đặc biệt “đông đúc”. Ngoài ông Trump và bà Harris, cử tri có thể lựa chọn bà Stein; ông Oliver; ứng cử viên độc lập Cornel West; Robert F. Kennedy Jr., ứng cử viên độc lập nhưng hiện đã dừng tranh cử và tuyên bố ủng hộ ông Trump; Randall Terry, ứng cử viên của Đảng Hiến pháp; và Claudia De la Cruz, ứng cử viên của Đảng Xã hội chủ nghĩa và Giải phóng.

Ứng viên đảng thứ ba có thực sự khiến kết quả đảo chiều?

Bang Wisconsin và bà Stein là những vấn đề đáng lo ngại của đảng Dân chủ. Năm 2016, bà Stein giành được 31.072 phiếu tại Wisconsin, lớn hơn biên độ 22.748 phiếu bầu mà ông Trump đã đánh bại Hillary Clinton tại bang này. Khi đó nhiều thành viên đảng Dân chủ cho rằng thất bại của bà Hillary tại đây là do mất phiếu bầu vào tay bà Stein.

Tuy nhiên, ông Tamas cho biết, theo những gì ông nghiên cứu, vấn đề không đơn giản như những gì đảng Dân chủ đã nói. Nhiều người bỏ phiếu cho bà Stein khó có thể bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào khác. Chỉ một số người sẽ chọn ông Trump nếu bà không có tên trong lá phiếu.

Đảng Tự do, thường liên kết chặt chẽ hơn với đảng Cộng hòa và có nhiều khả năng bỏ phiếu chéo hơn, nhận được tới 106.674 phiếu bầu tại bang Wisconsin trong cuộc bầu cử năm 2016.

Ông Tamas cho biết, “kẻ phá đám” thực sự gần đây nhất là Ralph Nader, ứng cử viên của Đảng Xanh, người đã giành được 97.421 phiếu bầu tại Florida vào năm 2000. Al Gore, ứng cử viên của đảng Dân chủ năm đó, đã thua tại bang này chỉ với cách biệt 531 phiếu bầu.

“Nhìn chung, nhiều cử tri của đảng thứ ba sẽ không đi bỏ phiếu nếu ứng viên của họ không có tên trên lá phiếu”, ông Tamas cho hay.

Julia Azari, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Marquette, người nghiên cứu về bầu cử Mỹ, cũng cho rằng cuộc đua năm nay có vẻ như sẽ “sát nút đến mức số phiếu của đảng thứ ba sẽ còn lớn hơn cách biệt thắng-thua của 2 đảng lớn”.

Tuy nhiên bà cho biết rất khó để xác định liệu ông Trump hay bà Harris sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

“Những gì chúng tôi dự đoán đều dựa trên giả định về ứng viên mà cử tri của đảng thứ ba sẽ thích lựa chọn hơn nếu không có tên ứng viên mà họ ủng hộ”, bà Azari nói.

Nỗi ám ảnh của đảng Dân chủ

Trong nhiều tháng, các nhóm vận động của đảng Dân chủ đã nhắm mục tiêu vào các ứng cử viên bên ngoài bằng cách tìm cách ngăn họ có tên trên phiếu bầ. Kết quả không phải lúc nào cũng như họ mong muốn.

Các nhóm này đã chỉ ra bằng chứng về việc đội ngũ vận động của đảng Cộng hòa và đồng minh của ông Trump đã giúp một số ứng cử viên đảng thứ ba hoặc ứng viên độc lập có tên trên phiếu bầu. Họ cho rằng đây là nỗ lực nhằm chia rẽ và làm suy yếu lá phiếu của đảng Dân chủ.

Đảng Dân chủ đã cáo buộc chiến dịch của ông West, bao gồm cả trong một khiếu nại gửi lên Ủy ban Bầu cử Liên bang, đã nhận hàng trăm nghìn USD từ các công ty vận động có liên hệ với đảng Cộng hòa ở Arizona và Bắc Carolina.

Cuối cùng, ông West đã bị loại khỏi phiếu bầu ở bang Arizona, nhưng vẫn có tên trên lá phiếu ở các bang chiến trường gồm Michigan, Pennsylvania và Bắc Carolina, cũng như ở 11 tiểu bang khác.

Bà De la Cruz, người chạy đua với tư cách là ứng cử viên độc lập cũng bị loại khỏi phiếu bầu tại bang Georgia với lý do tương tự.

Ông Kennedy là trường hợp đáng chú ý hơn cả. Tháng 10/2023, ông rời khỏi đảng Dân chủ và tuyên bố tranh cử tổng thống với tư cách ứng viên độc lập.

Sau những nỗ lực tốn kém cả về tiền bạc và thời gian để có tên trên lá phiếu ở tất cả 50 tiểu bang, ông đã tuyên bố dừng tranh cử vào cuối tháng 8/2024 và ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Sau đó, ông Kennedy đã làm các thủ tục để rút tên mình khỏi phiếu bầu của các tiểu bang chiến trường, nơi ông cảm thấy sự xuất hiện của ông có thể đem lại lợi thế cho bà Kamala Harris. Tuy nhiên ông Kennedy vẫn có tên trên lá phiếu ở Wisconsin và Michigan.

Trên các phương tiện truyền thông xã hội, ông Kennedy đã kêu gọi những người ủng hộ ông bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Trump, ngay cả khi ông có tên trên lá phiếu.

Trước khi tuyên bố dừng tranh cử, các cuộc thăm dò cho thấy ông Kennedy có tỷ lệ ủng hộ gần 5% trên toàn quốc. Cuộc thăm dò gần đây nhất của New York Times, công bố vào đầu tháng 10, cho thấy tỷ lệ ủng hộ của ông chỉ dưới 0,5%, bằng với ứng cử viên độc lập Cornel West.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trước thềm bầu cử Mỹ, ông Trump tiếp tục vướng vào lùm xùm pháp lý?
Trước thềm bầu cử Mỹ, ông Trump tiếp tục vướng vào lùm xùm pháp lý?

VOV.VN - Theo luật sư Glenn Kirschner, ứng viên đại diện đảng Cộng hòa Donald Trump có thể đã vi phạm một đạo luật liên bang khác khi có thông tin cho rằng ông và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vẫn giữ liên sau khi cựu Tổng thống Mỹ rời nhiệm sở.

Trước thềm bầu cử Mỹ, ông Trump tiếp tục vướng vào lùm xùm pháp lý?

Trước thềm bầu cử Mỹ, ông Trump tiếp tục vướng vào lùm xùm pháp lý?

VOV.VN - Theo luật sư Glenn Kirschner, ứng viên đại diện đảng Cộng hòa Donald Trump có thể đã vi phạm một đạo luật liên bang khác khi có thông tin cho rằng ông và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vẫn giữ liên sau khi cựu Tổng thống Mỹ rời nhiệm sở.

Sức mạnh của lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử Mỹ tháng 11
Sức mạnh của lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử Mỹ tháng 11

VOV.VN - Những lá phiếu cử tri đang chứng minh sức nặng của mình trong chặng cuối của cuộc bầu cử Mỹ, trong bối cảnh cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang hối thúc cử tri đi bỏ phiếu sớm.

Sức mạnh của lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử Mỹ tháng 11

Sức mạnh của lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử Mỹ tháng 11

VOV.VN - Những lá phiếu cử tri đang chứng minh sức nặng của mình trong chặng cuối của cuộc bầu cử Mỹ, trong bối cảnh cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang hối thúc cử tri đi bỏ phiếu sớm.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Những mốc thời gian đáng chú ý
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Những mốc thời gian đáng chú ý

VOV.VN - Cựu Tổng thống Donald Trump sẽ đối đầu với Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới, sau khi Tổng thống Joe Biden từ bỏ nỗ lực tái tranh cử.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Những mốc thời gian đáng chú ý

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Những mốc thời gian đáng chú ý

VOV.VN - Cựu Tổng thống Donald Trump sẽ đối đầu với Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới, sau khi Tổng thống Joe Biden từ bỏ nỗ lực tái tranh cử.