Zimbabwe: Đất nước của siêu lạm phát
Zimbabwe hiện là quốc gia có tình trạng siêu lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Với tỷ lệ lạm phát vượt mức 40 triệu %, người dân Zimbabwe đang lâm vào cuộc đấu tranh sinh tồn thực sự
Mỏi mòn xếp hàng chờ rút tiền
Dòng người dài xếp hàng trước cửa ngân hàng để chờ rút tiền đã trở thành cảnh tượng quen thuộc ở Zimbabwe thời gian này. Muốn rút được tiền, người ta phải dậy từ rất sớm để “xí” chỗ. Rose Moyo và chồng chị ngày nào cũng phải dậy từ lúc nửa đêm để đến ngân hàng. Giống như nhiều người Zimbabwe khác, chị Moyo tính giá của các mặt hàng bằng số ngày chị rút được tiền: một ngày để mua một bánh xà phòng, một ngày để mua một túi muối, và bốn ngày để mua một túi bột ngô.
Anh Stanford Mafumera, 35 tuổi, một nhân viên bảo vệ, cũng dành phần lớn thời gian cho việc xếp hàng. Trong 5 ngày liên tiếp xếp hàng thì chỉ duy nhất một ngày anh rút được tiền. Mỗi ngày anh chỉ ăn một túi hạt ngô để bảo tồn tiền lương tháng của mình. Để kiếm thêm tiền, mỗi ngày, anh mua một gói thuốc lá và bán từng điếu, kiếm được khoảng 20 - 30 cent mỗi gói. Nhưng anh không có đủ tiền để đưa con gái 5 tuổi đến bệnh viện chữa bệnh tiêu chảy do uống nước không hợp vệ sinh.
Tất cả những người đến đây đều mang hy vọng rút một khoản tiền Zimbabwe tương đương với 1 - 2 USD. Đây là hạn mức rút tiền tối đa mà Chính phủ Zimbabwe mới công bố hồi tháng trước. Dù ít ỏi như vậy nhưng không phải ai cũng có thể rút tiền, không ít người đã phải ra về trong tuyệt vọng. Hạn mức rút tiền đã tăng lên vào ngày 28/09 vừa qua, nhưng với tỷ lệ lạm phát vượt mức 40 triệu %, giá trị của khoản tiền được rút cũng chỉ là một con số rất nhỏ.
Các chuyên gia kinh tế đều nói rằng, sự sụp đổ kinh tế của Zimbabwe đang tăng tốc. Khi Chính phủ Zimbabwe in thêm nhiều tiền hơn bao giờ hết, tỷ lệ lạm phát như con ngựa bất kham, tăng từ 1.000% vào năm 2006 lên đến 12.000% vào năm 2007. Đây là một con số quá cao đến nỗi chính phủ phải bỏ đi 10 chữ số 0 trên tờ tiền Zimbabwe vào tháng 8/2008 để đảm bảo máy tính có thể tính được. Nếu không có động thái này, 1 USD có thể tương đương với 10.000 tỷ USD Zimbabwe.
Sự khan hiếm tiền mặt đã làm cho tình hình xấu hơn nữa. Lãnh đạo các doanh nghiệp và các nhà ngoại giao cho biết, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương của Zimbabwe Gideon Gono, phải gửi những "chân chạy" xuống phố với những vali đựng đồng nội tệ để mua đồng USD và đồng rand (tiền của CH Nam Phi) trên thị trường chợ đen nhằm phá hủy cỗ máy bảo trợ của đảng cầm quyền. Điều này dẫn đến ngân hàng thiếu hụt dự trữ đồng nội tệ. Ông Gono đổ tội cho các lệnh cấm vận của phương Tây về các vấn đề rắc rối của quốc gia mình. Cuối tháng 9 vừa qua, ông đã phát biểu trên đài truyền hình quốc gia rằng: "Tôi sẽ in và in tiền cho tới khi nào các lệnh cấm vận được xóa bỏ".
Tiền lương không đủ đi xe bus
Ở Zimbabwe, hàng chục nghìn giáo viên, y tá, công nhân viên thu dọn rác, người giúp việc đã bỏ việc vì mức lương mà họ nhận được thậm chí không đủ trả tiền đi xe bus tới nơi làm việc. Tendai Chikowore, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Zimbabwe cho hay: "Lương tháng của một giáo viên thậm chí còn không đủ để mua hai chai dầu ăn. Đây là sự sụp đổ của cả hệ thống chứ không phải chỉ đối với giáo viên. Các bệnh viện còn không có cả y tá và thuốc men". Những người còn tiếp tục bám nghề thì thường làm thêm việc khác. Chẳng hạn như giáo viên sẽ bán kẹo và bánh cho học sinh, hoặc đồng ý nhận thù lao bằng bột ngô hay dầu ăn. Còn các y tá, bác sỹ thì bán những nhu yếu phẩm mà bệnh viện không có cho người bệnh.
Bệnh viện Trung ương Harare chỉ nhận một nửa số bệnh nhân cần nhập viện do quá nhiều người không đủ tiền để đến chỗ làm việc hàng ngày. Thủ đô của Zimbabwe không hề có nước bởi các nhà cầm quyền đã ngừng chi trả hóa đơn để vận chuyển hóa chất xử lý nước. Rác thải đầy đường mà không được thu dọn. Nhiều người đã chết vì bệnh tả do nguồn nước bị nhiễm độc. Và ở quốc gia, nơi đã từng có hệ thống giáo dục là niềm tự hào của châu lục, thì nay các trường học không có giáo viên./.
Box: Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đưa ra hồi tháng 6, hiện nay, những nông trại lớn của Zimbabwe sản xuất chưa đến 1/10 lượng ngô – cây lương thực chính của Zimbabwe - so với sức sản xuất vào những năm 1990. Trong nhiều năm, quốc gia này phải chịu nạn thiếu lương thực trầm trọng, lạm phát phát không thể kiểm soát, một nền kinh tế đang hấp hối và các dịch vụ công suy yếu.