Quốc hội Mỹ hoài nghi kế hoạch tấn công Syria
VOV.VN - Nhà Trắng đã vấp phải một khó khăn rất lớn khi thuyết phục Quốc hội nước này thông qua hành động quân sự chống Syria hôm 8/9.
Rất nhiều nhà lập pháp hàng đầu của Quốc hội nói rằng họ không bị thuyết phục trong việc phê chuẩn một cuộc tấn công nhằm vào lực lượng quân đội của Tổng thống Syria Bashar-al Assad.
Trước cuộc bỏ phiếu rất quan trọng của Thượng viện Mỹ hôm 11/9 tới, Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis Mc Donough đã tham gia vào 5 cuộc tọa đàm hôm 8/9 để thuyết phục rằng một cuộc tấn công hạn chế để trừng phạt việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học có thể sẽ chỉ gửi đi một thông điệp “yếu ớt”.
Nhưng ông Mike Rogers, thành viên của đảng Cộng hòa và là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ Viện, nói rằng quan điểm của Tổng thống Obama nhằm thuyết phục Quốc hội về một hành động quân sự trừng phạt ông Assad là “rối tung rối mù”.
Các nhà lập pháp Mỹ không ủng hộ tấn công Syria (Ảnh AP) |
“Rõ ràng là Tổng thống đang mất dần sự ủng hộ trong tuần trước…Ông đã không làm rõ được những lý lẽ của mình”, ông Rogers phát biểu trong chương trình “Những vấn đề Quốc gia” phát trên kênh CBS.
Kế hoạch của ông Obama vấp phải sự phản kháng rõ rệt từ đảng Cộng hòa và cả những thành viên đảng Dân chủ của ông trong Quốc hội do nhiều nhà lập pháp lo ngại rằng cuộc tấn công quân sự vào Syria có thể dẫn tới việc Mỹ sẽ bị sa lầy lâu hơn tại đây và có thể làm dấy lên những cuộc xung đột lớn hơn ở Trung Đông.
“Tôi đang tự hỏi vấn đề an ninh quốc gia của chúng ta nằm ở đâu? Đừng nhầm lẫn về việc này, ngay khi một trong những quả tên lửa của chúng ta tấn công vào Syria thì cũng có nghĩa là chúng ta sẽ dấn thân vào cuộc chiến ở nước này”, Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ bang California Lorretta Sanchez phát biểu trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” của đài NBC.
“Đối với Tổng thống Obama vấn đề này đã được đưa ra quá vội vàng,” bà nói thêm và cho biết rằng bà thiên về việc phủ quyết đệ trình của ông Obama.
Thành viên đảng Cộng hòa ông Michael MacCaul, Chủ tịch Ủy ban An Ninh Nội địa, nói rằng kế hoạch của ông Obama là “vô trách nhiệm”.
Một biện pháp giữ thể diện
“Tôi nghĩ rằng việc vận động để phóng một vài quả tên lửa Tomahawk vào Syria sẽ không thể phục hồi uy tín của chúng ta ở nước ngoài. Đây chỉ là một biện pháp giữ thể diện cho Tổng thống sau khi ông đưa ra “giới hạn đỏ”.
Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ bang Massachuset Jim McGovern phát biểu trong chương trình “Nhà nước liên minh” của CNN rằng “nếu tôi là Tổng thống, tôi sẽ rút lại yêu cầu của mình. Tôi không tin rằng Quốc hội sẽ ủng hộ yêu cầu này”.
Một cuộc thăm dò trong Quốc hội cho thấy ông Obama đang đối mặt với một nhiệm vụ cực kì khó khăn.
Kết quả thăm dò của tờ báo Washington Post cho thấy 233 thành viên Hạ viện sẽ phủ quyết hoặc dự định phủ quyết việc cho phép sử dụng vũ lực tại Syria. Con số này vượt quá con số 217 phiếu được yêu cầu để phủ quyết nghị quyết này.
Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều nhà lập pháp chưa có quyết định cuối cùng và McDonough nói rằng “còn quá sớm để đưa ra bất kì kết luận” nào về kết quả cuối cùng biểu quyết tại Quốc hội. Tuy nhiên nhiều nhà lập pháp cho rằng Nhà Trắng không thể dành được thắng lợi.
“Tôi chỉ mong rằng Tổng thống đệ trình vấn về này một cách thuyết phục hơn. Tôi mong rằng ông ấy sẽ từ bỏ ranh giới đỏ của mình và tôi mong rằng Tổng thống thực hiện vai trò là một tổng tư lệnh chứ không phải một nhà hoạt động xã hội”, Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa của New York Peter King phát biểu. Ông cũng nói thêm là ông sẽ bỏ phiếu ủng hộ “bất chấp mọi hành động của Tổng thống”.
Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa và là Chủ tịch Ủy ban Vũ khí của Hạ viện Buck McKeon phát biểu trên kênh CNN rằng trong bối cảnh ngân sách dành cho quân đội đang bị giảm sút trong những năm gần đây, chi phí tăng thêm cho các chiến dịch ở Syria có thể gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng tấn công của quân đội.
“Nếu chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này thì nhiều người có thể nhanh chóng đưa ra quyết định của mình,” ông nói.
McDonough đang đứng đầu nỗ lực vận động của chính quyền trong ngày 8/9 và cuộc vận động này sẽ tiếp tục trong ngày 9/9 khi Tổng thống Obama tham gia vào cuộc phỏng vấn với 6 kênh truyền hình và Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice nói về vấn đề Syria ở Washington.
Ngoài ra ông McDonough sẽ gặp các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện trước khi ông Obama đẩy mạnh nỗ lực vận động của mình thông qua một thông điệp quốc gia phát đi từ Nhà Trắng tối ngày 10/9.
“Một kẻ độc tài sử dụng vũ khí hóa học hại chết hàng trăm trẻ em sẽ phải chịu kết cục như thế nào? Damascus, Tehran, các thành viên của Hezbollah ở Lebanon và rất nhiều người khác sẽ theo dõi sát sao câu trả lời cho câu hỏi này. Vì vậy đây sẽ là một tuần rất quan trọng”, ông McDonough phát biểu trong chương trình “Fox News Chủ nhật”.
Tổng thống Syria al-Assad hôm 8/9 đã phản đối kế hoạch của ông Obama và phủ nhận cáo buộc chính quyền của ông đứng đằng sau vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria và cho rằng các bằng chứng của Mỹ không đủ để chứng minh.
“Không hề có bằng chứng nào cho thấy tôi sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân của mình,” ông Assad nói với kênh CBS trong một cuộc phỏng vấn tại Damascus.
Ông McDonough nói rằng theo lẽ thông thường thì ông Assad phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công này.
“Liệu chúng ta có cần có được các bằng chứng hiển nhiên về việc này không? Chúng ta không tranh tụng ở tòa và cơ quan tình báo của chúng ta không làm việc như tòa án”, ông McDonough nói trên kênh CNN.
Trong phát biểu của mình sau cuộc gặp mặt với các ngoại trưởng của các nước Arab, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không loại trừ khả năng đưa vấn đề này quay trở lại với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm tìm kiếm một nghị quyết về Syria khi các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc hoàn tất báo cáo về một cuộc tấn công vũ khí hóa học nhưng cũng nói thêm rằng các nước Arab mong muốn một hành động đáp trả mạnh mẽ hơn./.