Quốc hội Mỹ thông qua chương trình cung cấp vũ khí kiểu Thế chiến 2 cho Ukraine
VOV.VN - Sau khi được Thượng viện chấp thuận vào đầu tháng 4 này, “Dự luật cho thuê/cho mượn vũ khí phòng thủ dân chủ dành cho Ukraine” tiếp tục được Hạ viện Mỹ thông qua.
Với 417 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 28/4 đã thông qua một dự luật xóa bỏ một số ràng buộc đối với việc viện trợ vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine leo thang.
Được Thượng viện thông qua vào đầu tháng 4 này, “Dự luật cho thuê/cho mượn vũ khí phòng thủ dân chủ dành cho Ukraine” làm sống lại chương trình mà Washington từng áp dụng để cung cấp thiết bị quân sự cho những nước tham chiến trong Thế chiến 2 trong khi vẫn giúp Mỹ đứng ngoài cuộc xung đột. Tất cả các thành viên của phe Dân chủ đã bỏ phiếu ủng hộ, còn 10 thành viên phản đối đều là các nghị sỹ Cộng hòa.
Dự luật do Thượng nghị sĩ Mỹ John Cornyn đề xuất đã được Thượng viên thông qua ngày 6/4, nhưng Hạ viện do phe Dân chủ chiếm đã số đã hoãn lại 2 tuần nghỉ lễ Phục sinh trước khi thông qua. Dự luật cho phép Nhà Trắng cho Ukraine hoặc bất cứ quốc gia Đông Âu nào bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của Nga “thuê hoặc mượn trang thiết bị quốc phòng” để giúp gia tăng khả năng phòng thủ của các nước đó.
Dự luật của ông Cornyn không tạo ra một chương trình mới, mà giúp Tổng thống Joe Biden gửi vũ khí đến Kiev dễ dàng hơn bằng cách đình chỉ các giới hạn do hai luật hiện hành áp đặt, một trong số đó giới hạn thời gian viện trợ là 5 năm. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là Ukraine phải trả tiền cho việc “thuê hoặc mượn trang thiết bị quốc phòng”.
Khả năng của Kiev để thực hiện các khoản thanh toán như vậy là rất đáng ngờ, vì chính phủ Ukraine cho biết nước này cần 7 tỷ USD mỗi tháng để duy trì nền kinh tế vốn đang hứng chịu thiệt hại nặng nề do xung đột với Nga. Dự luật cho thuê/cho mượn vũ khí khác biệt với nỗ lực liên tục của Mỹ nhằm gửi vũ khí cho Kiev từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc. Tổng thống Biden đã sử dụng gần 3,5 tỷ USD được Quốc hội ủy quyền cho mục đích này, và đang tìm kiếm thêm nguồn tài trợ.
Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã tăng cường tài trợ trang thiết bị quân sự và vũ khí sát thương cho Ukraine để thể hiện tình đoàn kết. Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 25/4 cho rằng động thái chuyển vũ khí cho Ukraine của phương Tây không khác gì việc khối quân sự NATO đang tham chiến trực tiếp với Moscow. Ông xác nhận các cơ sở vũ khí do phương Tây viện trợ Ukraine từng nhiều lần bị Nga tấn công./.