Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận tăng quyền cho Tổng thống
VOV.VN - Đề xuất cải cách Hiến pháp nếu được thông qua có thể giúp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại nhiệm đến năm 2029.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/1 bắt đầu tranh luận về một loạt điều khoản sửa đổi Hiến pháp, trong đó có việc trao thêm nhiều quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan. Nếu được quốc hội thông qua, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa những cải cách Hiến pháp này ra trưng cầu ý dân trong mùa Xuân năm nay và nếu vượt qua cuộc trưng cầu mang tính chất quyết định này, các đề xuất sẽ chính thức trở thành luật.
Đề xuất cải cách Hiến pháp nếu được thông qua có thể giúp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại nhiệm đến năm 2029. (Ảnh: Reuters)
Theo gói đề xuất cải cách này, Tổng thống sẽ nắm giữ quyền hành pháp, được quyền chỉ định chính phủ, tiếp tục duy trì các mối quan hệ với đảng của mình, có quyền đề xuất các khoản thu chi ngân sách, cũng như được quyền ban bố tình trạng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, đề xuất cải cách Hiến pháp có thể giúp ông Erdogan tại nhiệm đến năm 2029.
Trong số các đề xuất cải cách Hiến pháp được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ lần này, còn có việc tăng số ghế trong Quốc hội từ 550 ghế hiện tại lên 600 ghế; giảm số tuổi tối thiểu của các nghị sĩ trong cơ quan lập pháp từ 25 xuống 18 tuổi; và tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống trong cùng một ngày.
Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của ông Erdogan cần hơn 330 phiếu, chiếm 3/5 số ghế tại Quốc hội để mở một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp. Dù còn thiếu 14 phiếu để vượt qua mức tối thiểu trong quốc hội gồm 550 ghế, nhưng đảng cầm quyền lại đang nhận được sự ủng hộ của đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa (HDP), đảng đối lập lớn thứ 4 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Nghị sỹ Yunus Baser thuộc đảng Công lý và Phát triển (AKP) cho biết: “Đây là đề xuất về một hệ thống cầm quyền mới, nhưng nó cũng là một hệ thống phổ biến trên thế giới. Do đó, chúng ta sẽ không có sự bối rối nếu áp dụng nó. Đề xuất cho sự thay đổi hiến pháp là phù hợp với nhu cầu của đất nước. Tôi tin nền dân chủ của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn. Hệ thống này chấm dứt những hỗn loạn và các cuộc đảo chính tại đất nước chúng ta”.
Tuy nhiên, gói dự thảo cải cách Hiến pháp này đã vấp phải sự phản đối của đảng đối lập lớn nhất Cộng hòa Nhân dân (CHP). Đảng này cho rằng, đây sẽ là sự phá bỏ tất cả những thành tựu nước cộng hòa mà Thổ Nhĩ Kỳ đạt được.
Nghị sỹ Ozgur Ozel thuộc đảng Cộng hòa Nhân dân cho biết: “Đề xuất này cho thấy bộ mặt thật của một chính đảng. Những đề xuất thay đổi chế độ này là một cuộc phản cách mạng đối với nền dân chủ nghị viện và hệ thống cộng hòa đã được thiết lập tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 23/4/1920 và có hiệu lực từ ngày 29/9/1923”.
Thời gian qua, Tổng thống Erdogan tích cực thúc đẩy để các đề xuất cải cách Hiến pháp, đặc biệt là sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016, đồng thời khẳng định những cải cách này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ thịnh vượng hơn và giảm bớt các vấn đề bất ổn.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều lo ngại những đề xuất thay đổi sẽ cho phép quyền lực tập trung chủ yếu vào tay Tổng thống Erdogan - người nắm giữ cương vị Thủ tướng từ năm 2003 đến 2014, từ đó nhà lãnh đạo này có quyền tự ra các quyết định mà không cần sự chấp thuận của bất kỳ cấp nào khác.
Các cuộc tranh luận về vấn đề này tại Quốc hội sẽ cần khoảng 13 đến 15 ngày. Các nghị sĩ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành hai vòng bỏ phiếu để thống nhất quan điểm ủng hộ hay phản đối các đề xuất sửa đổi hiến pháp. Khi được Quốc hội thông qua, cuộc trưng cầu ý dân sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày sau đó, tức là khoảng cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới./.