Quốc hội thông qua luận tội Tổng thống, chính trường Brazil chao đảo
VOV.VN - Theo giới phân tích, việc Quốc hội tiến hành luận tội Tổng thống sẽ càng làm cho chính trường Brazil đã rối ren càng trở nên rối ren hơn.
Hôm qua (6/5), một ủy ban đặc biệt tại Thượng viện Brazil đã bỏ phiếu thông qua việc tiến hành phiên luận tội Tổng thống Dilma Rousseff, chính thức mở đường cho cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện về việc xem xét khả năng phế truất nhà lãnh đạo này.
Người biểu tình phản đối bà Rousseff. (Ảnh: Sputnik)
Với 15 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 1 phiếu trắng, ủy ban đặc biệt tại Thượng viện Brazil đã thông qua bản báo cáo, trong đó kết luận có đủ bằng chứng để tiến hành luận tội Tổng thống Dilma Rousseff liên quan đến các cáo buộc chỉnh sửa con số quyết toán năm 2014, với mục đích làm giảm thâm hụt ngân sách cũng như vay tín dụng mà không được Quốc hội thông qua.
Dự kiến, ngày 11/5 tới, Thượng viện Brazilsẽ bắt đầu xem xét khả năng phế truất bà Rousseff, sau khi Hạ viện đã thông qua hôm 17/4.
Tổng thống Rousseff đã ngay lập tức có phản ứng sau quyết định của Thượng viện. Phát biểu cùng ngày, bà Rousseff bác bỏ mọi cáo buộc về việc “làm đẹp” các con số thống kê về tình trạng ngân sách năm 2014, đồng thời tuyên bố sẽ không khuất phục và “chiến đấu cho đến ngày cuối cùng”, bất chấp khả năng Thượng viện thông qua việc tiếp tục xét xử bà.
Bà Rousseff nói: “Tôi sẽ đấu tranh vì tôi là bằng chứng của những gì bất hợp pháp. Họ đang chỉ trích một người vô tội. Chẳng có gì nghiêm trọng hơn việc chỉ trích một người vô tội”.
Theo quy định, chỉ cần 41 trong 81 thượng nghị sĩ thông qua thủ tục phế truất, Tổng thống Brazil sẽ bị buộc rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Temer, chấm dứt 13 năm cầm quyền ở Brazilcủa đảng Lao động (PT) với những thành quả xã hội mà cộng đồng quốc tế đã nhiều lần thừa nhận.
Theo đánh giá của giới phân tích, việc Quốc hội tiến hành phiên luận tội Tổng thống Rousseff được cho là sẽ càng làm cho chính trường Brazil đã rối ren càng trở nên rối ren hơn.
Bà Flavia Berolli, một nhà phân tích chính trị Brazil nhận xét: “Việc luận tội Tổng thống sẽ làm suy yếu những thành tựu mà Brazil đã đạt được trong hai thập kỷ qua. Nhiều khả năng sẽ có những thay đổi trong chính sách kinh tế của Brazil trong thời gian tới xoay quanh các vấn đề tư nhân hóa trên quy mô lớn”.
“Điều này sẽ khiến các hoạt động đầu tư của Chính phủ giảm trong các lĩnh vực giáo dục công và các dịch vụ công cộng. Đây có thể là một dấu hiệu tốt đối với các nhà đầu tư trên trường quốc tế song sẽ không mang lại lợi ích cho nhiều tầng lớp xã hội Brazil như công nhân, sinh viên và những người phục thuộc vào cách chính sách xã hội. Theo tôi đây là triển vọng không mấy tích cực”, bà Berolli nói thêm.
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Ngoài việc chính trường Brazil đang ngày càng rối ren, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ cũng đang lún sâu vào suy thoái sau nhiều năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhờ giá hàng hóa cao và nhu cầu lớn về dầu mỏ, quặng sắt và một số hàng hóa khác từ thị trường Trung Quốc.
Cuối tháng 2 vừa qua, hãng xếp hạng tín dụng Moody's đã trở thành hãng xếp hạng tín nhiệm thứ ba trên thế giới hạ bậc tín nhiệm của Brazil xuống mức “vô giá trị” với lý do nền kinh tế này đang đối mặt núi nợ công cao và tình hình chính trị bất ổn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng dự báo kinh tế Braziltrong năm nay sẽ giảm 3,8%./.