Quốc tế phản đối hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông
VOV.VN - Trong cuốn hồi ký mới xuất bản, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, Trung Quốc đã “đi quá đà” ở Châu Á.
Tình hình căng thẳng trên Biển Đông xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục khiến nhiều học giả, chính khách bày tỏ sự quan ngại sâu sắc.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu Việt Nam
Ngày 19/6, Philippines tuyên bố sẽ đề nghị Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật biển (ITLOS) xúc tiến giải quyết sớm đơn kiện của Philippines liên quan đến yêu sách "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh trên biển Đông trong năm 2014 hoặc đầu năm 2015. AFP dẫn lời ông Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines hôm nay (19/6) cho biết, một biên bản đề nghị sẽ được gửi cho ITLOS đề nghị tòa án này xúc tiến đơn kiện của Philippines trong năm 2014 hoặc đầu năm 2015.
Trước đó, vào ngày 30/3, Chính phủ Philippines đã đệ trình biên bản ghi nhớ với luận cứ dài khoảng 4.000 trang, trong đó có các luận chứng cáo buộc tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, nuốt trọn gần hết biển Đông, lên ITLOS.
Ngoài ra, Philippines cũng chính thức chỉ trích “chương trình đảo hóa” của Trung Quốc ở Biển Đông, một động thái đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực. Phía Philippines cũng kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan ngưng ngay các hoạt động xây dựng để tránh làm căng thẳng leo thang.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói: “Chúng tôi kêu gọi phía Trung Quốc cần phải dừng ngay các hoạt động leo thang căng thẳng trong khu vực Biển Đông. Mọi căng thẳng cần phải giải quyết trong khuôn khổ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tôi hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ suy nghĩ lại về vị trí của mình".
Trước đó, ngày 17/6, Ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario cho rằng, việc sớm xử lý đơn kiện của Philippines là cần thiết “bởi vì tình hình ở biển Đông ngày càng trở nên tồi tệ”.
Hôm qua (18/6), Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen đã kêu gọi Trung Quốc hành xử như một nước lớn có trách nhiệm trong khu vực. Ông Rasmussen cho rằng, Trung Quốc là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cần có “trách nhiệm đặc biệt” trong việc duy trì luật pháp quốc tế, quy tắc và chuẩn mực.
Ông cho rằng, 28 thành viên NATO, tuy không có quốc gia nào nằm ở châu Á, nhưng họ đều quan tâm tới căng thẳng leo thang ở khu vực Đông Á. Cuối cùng, ông Rasmussen cho biết, tất cả các bên liên quan trong cần cố gắng tìm kiếm các giải pháp hòa bình và “thực hiện theo đúng cam kết quốc tế của họ”.
Trong cuốn hồi ký mới xuất bản với tựa đề “Những lựa chọn khó khăn” (Hard Choices), cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, Trung Quốc đã “đi quá đà” ở Châu Á.
Theo BBC, hồi ký của bà Clinton đề cập đến các vụ chạm trán giữa tàu Trung Quốc và tàu của Philippines, Việt Nam và Nhật Bản diễn ra từ tháng 3/2009, sau vụ đối đầu giữa tàu hải quân Mỹ Impeccable khảo sát ở Biển Đông với 5 tàu của Trung Quốc, ở vị trí cách đảo Hải Nam chừng 120km. Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói, Trung Quốc ngày càng hung hăng với các nước láng giềng, thay vì cải thiện quan hệ với họ.
Trong khi đó, theo thông tin mới nhất, không dừng lại ở giàn khoan Hải Dương - 981 đang hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan thứ hai có tên Nam Hải số 9 ra Biển Đông.
Theo thông tin từ Cục Hải sự Trung Quốc, từ ngày 18/6 đến ngày 20/6, tàu kéo Đức Gia sẽ kéo giàn khoan Nam Hải số 9 với tốc độ 4 hải lý/giờ. Giàn khoan Nam Hải số 9 là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi do Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ giàn khoan Trung Quốc (COSL), thuộc Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), quản lý và vận hành.
Nam Hải số 9 được chế tạo năm 1988, nặng 21.714 tấn, có tổng chiều dài 600m, hoạt động ở độ sâu tối đa 5.300 feet (tương đương 1.615 m), có thể khoan ở độ sâu tối đa 25.000 feet (tương đương 7.620 m). Hiện, chưa rõ giàn khoan này sẽ được hạ đặt trên biển Đông trong bao lâu./.