Quốc tế phản ứng trước quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về khí hậu
VOV.VN - Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và chính phủ nhiều nước hôm nay đã có phản ứng trước quyết định của Tổng thống Donald Trump một lần nữa rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Được thông qua năm 2015, văn kiện được đánh giá là mang tính lịch sử nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu và những tác động không mong muốn của biến đổi khí hậu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn đã bày tỏ lo ngại của nước này về quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông đồng thời nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là thách thức chung của toàn nhân loại.
"Biến đổi khí hậu là thách thức chung mà toàn thể nhân loại phải đối mặt. Không quốc gia nào có thể đứng ngoài và không quốc gia nào có thể không bị ảnh hưởng hoặc tự mình giải quyết vấn đề. Quyết tâm và hành động của Trung Quốc trong việc ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu là nhất quán. Trung Quốc sẽ hợp tác với tất cả các bên để ứng phó tích cực với những thách thức của biến đổi khí hậu, cùng nhau thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và carbon thấp toàn cầu", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng thương lượng với Mỹ, đồng thời khẳng định cam kết của châu Âu đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: “Thỏa thuận Paris tiếp tục là hy vọng tốt nhất cho toàn thể nhân loại. Vì vậy, châu Âu sẽ tiếp tục theo đuổi con đường này và tiếp tục làm việc với tất cả các quốc gia muốn bảo vệ thiên nhiên và ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu."
Trước đó, ngày 20/1 theo giờ Mỹ, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris. Ông cũng ban bố "tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia" để mở rộng hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch tại quốc gia sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới này.
Ông Donald Trump cũng đã ký một lệnh chỉ thị các cơ quan liên bang từ chối các cam kết tài trợ khí hậu quốc tế được đưa ra dưới thời chính quyền tiền nhiệm và đã gửi một lá thư chính thức tới Liên hợp quốc thông báo về quyết định của Washington rời khỏi Hiệp định Paris.
Theo các quy định, Mỹ sẽ chính thức rời khỏi thỏa thuận trong vòng 1 năm. Phản ứng trước quyết định của Mỹ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, điều quan trọng là Mỹ vẫn là nước đi đầu trong các vấn đề môi trường.
Ông đồng thời tin tưởng các thành phố, tiểu bang và doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện tầm nhìn và khả năng lãnh đạo bằng cách nỗ lực hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, carbon thấp, tạo ra nhiều việc làm chất lượng.
Trong khi đó, người đứng đầu về khí hậu của Liên hợp quốc Simon Stiell cho biết: “Chúng ta đã từng ở trong tình huống này trước đây và vì vậy, bạn biết đấy cánh cửa vẫn mở cho Mỹ. Thế giới đang trải qua một quá trình chuyển đổi năng lượng không thể ngăn cản. Chỉ riêng năm ngoái, hơn 2 nghìn tỷ đô la đã được đầu tư vào quá trình chuyển đổi, so với 1 nghìn tỷ đô la vào nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, tín hiệu hoàn toàn rõ ràng rằng quá trình chuyển đổi đã thu hút được động lực đáng kể.”
Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 2 năm qua đã lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp như đã nêu trong thoả thuận khí hậu Paris. Báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc cho thấy, mức tăng nhiệt này sẽ vượt 3 độ C vào cuối thế kỷ này, một kịch bản sẽ gây ra những tác động dây chuyền như mực nước biển dâng cao, nắng nóng và những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp.